Xuất khẩu gạo Việt: Số 2 thế giới vẫn... chênh vênh

01/06/2021 12:00 - 88 lượt xem

Việt Nam đã từng bước vượt qua Thái Lan trở thành nước XK gạo lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Ấn Độ. Giá gạo XK nhiều thời điểm năm 2020 cũng như những tháng đầu năm 2021 duy trì mức cao nhất thế giới. Tuy nhiên, sản xuất, XK lúa gạo của Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn yếu tố bất ổn khi chưa đảm bảo ổn định chất lượng và thiếu vắng thương hiệu.
 
Sản xuất quy mô nhỏ, thiếu bền vững

Việt Nam nhiều năm nay đứng trong “top” 3 XK gạo trên thế giới. Đáng chú ý, năm 2020, gạo Việt nhiều lần vượt qua các đối thủ về giá bán, khối lượng XK đạt 6,15 triệu tấn, thu về 3,07 tỷ USD và Việt Nam chính thức vượt qua Thái Lan, trở thành cường quốc XK gạo lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Ấn Độ.

Ngay trong quý 1/2021, với mức giá XK bình quân tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 547 USD/tấn, gạo Việt Nam tiếp tục giữ vị trí ngôi đầu. Tính riêng trong tháng 4/2021, dù giá gạo XK của cả 3 nước XK gạo hàng đầu đều giảm, song với mức giá cuối tháng 4/2021 khoảng 488 USD/tấn, gạo Việt vẫn cao hơn hẳn 2 đối thủ Thái Lan, Ấn Độ với mức giá lần lượt là 377 USD/tấn và 485 USD/tấn.

Không thể phủ nhận, quá trình tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo những năm qua đã đem lại không ít kết quả nổi bật. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) phân tích: Ở Thái Lan riêng đất trồng lúa là khoảng 10 triệu ha, còn ở Việt Nam theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) có khoảng 3,9 triệu ha đất trồng lúa. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có khoảng 4,1 triệu ha đất trồng lúa.

Đất trồng lúa của Việt Nam không bằng một nửa diện tích đất trồng lúa của Thái Lan nhưng Việt Nam đã đảm bảo an ninh lương thực cho xấp xỉ 100 triệu dân và ở vị trí thứ 2 trong các nước XK gạo trên thế giới. “Có thể nói rằng, ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã có những thành tựu, hoàn toàn thích ứng với điều kiện cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng với các nước trồng lúa gạo trên thế giới”, ông Nguyễn Như Cường nói.

Đánh giá thời gian qua, người trồng lúa và DN chế biến gạo để XK đã có sự chủ động trong nâng cao giá trị hạt gạo và cũng đã có sự thay đổi kịp thời các chủng loại gạo để sản xuất, đáp ứng nhu cầu, tín hiệu thị trường, song ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) chỉ ra rằng, sản xuất, XK gạo của Việt Nam đã và đang đối mặt không ít khó khăn.

Trước tiên, đó là hạn chế trong sản xuất, chế biến khi sản xuất lúa còn thiếu tính bền vững, chịu nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt. Ngoài ra, quy mô sản xuất nông hộ nhỏ, cơ giới hóa khó khăn. Mối liên kết giữa DN và nông dân nhiều nơi chưa bền vững. Số lượng DN tham gia vào các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ít về số lượng, quy mô nhỏ, năng lực hạn chế. Do đó, các hợp đồng liên kết hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng.

Một số chuyên gia nhìn nhận, cơ sở hạ tầng, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản thiếu làm tăng tổn thất và giảm chất lượng trong quá trình bảo quản. Công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ gạo chưa phát triển đồng đều cũng là những khó khăn điển hình trong sản xuất, xuất khẩu lúa gạo Việt Nam.

“Vũ khí” phải là thương hiệu

Không ít chuyên gia từng gắn bó nhiều năm với ngành lúa gạo Việt Nam khi chia sẻ với phóng viên Tạp chí Hải quan về câu chuyện nâng cao giá trị cho “hạt ngọc trời” cho rằng, ở thời điểm hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện tại, “vũ khí” phải là thương hiệu, tập trung cao độ cho nâng cao chất lượng và dựng xây thương hiệu gạo XK chứ không còn là vấn đề tăng diện tích, năng suất.
“Việt Nam đã đảm bảo an ninh lương thực. Mục tiêu thời gian tới là nâng cao giá trị XK bằng chất lượng và thương hiệu chứ không phải về sản lượng”, PGS, TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTTN nhấn mạnh.

Trên thực tế, xây dựng thương hiệu là điểm yếu không nhỏ của ngành lúa gạo Việt Nam nhiều năm qua. Một trong những mục tiêu quan trọng của “Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” được Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định 1898/QĐ-BNN-TT ngày 23/5/2016 là đến năm 2020 là có 20% lượng gạo XK mang thương hiệu gạo Việt Nam. Tuy nhiên thực tế đến nay vẫn chưa có lô gạo XK nào mang logo, thương hiệu gạo Việt Nam.

Trong “Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030” được Bộ NN&PTTN phê duyệt cuối tháng 1/2021 vừa qua tiếp tục nêu rõ, mục tiêu đặt ra đến năm 2025, tỷ lệ gạo XK có thương hiệu trên 20% và đến năm 2030, con số này là trên 40%. Trong phần giải pháp tái cơ cấu ngành lúa gạo, Bộ NN&PTTN khẳng định sẽ tăng cường chọn tạo và phát triển giống lúa đáp ứng cơ cấu chủng loại gạo theo chiến lược XK, trong đó cần ưu tiên cho giống lúa thơm, đặc sản; phát triển các vùng sản xuất tập trung theo giống được xác định có sự liên kết sản xuất - tiêu thụ, XK; kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất để sản phẩm có chất lượng đồng nhất và đảm bảo các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó đáp ứng tuyệt đối quy định mức dư lượng tối đa cho phép của thuốc bảo vệ thực vật (MRL), truy xuất được nguồn gốc...

Bên cạnh đó, cụ thể hóa chính sách hỗ trợ DN XK gạo có thương hiệu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice); hỗ trợ thiết lập các văn phòng giới thiệu, quảng bá gạo Việt Nam ở các thị trường trọng điểm, lồng ghép với quảng bá du lịch và các mục tiêu khác.

Về giải pháp tổng thể tiếp tục tái cơ cấu ngành lúa gạo hiệu quả hơn trong thời gian tới, ông Bùi Bá Bổng cho rằng cần thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp gồm: thể chế và chính sách; phát triển khoa học và công nghệ; đầu tư cơ sở hạ tầng. Cụ thể, Nhà nước cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển giống lúa, tăng tỷ lệ chế biến sâu các sản phẩm từ gạo, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam giúp nâng cao thu nhập cho người trồng lúa...

Theo Quyết định số 555/QĐ-BNN-TT ngày 26/1/2021 của Bộ NN&PTNT phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”, mục tiêu cụ thể đặt ra là đến năm 2025 giữ diện tích đất lúa 3,6-3,7 triệu ha, diện tích gieo trồng 7-7,2 triệu ha, sản lượng lúa 40-41 triệu tấn; XK khoảng 5 triệu tấn gạo; tỷ lệ gạo XK có thương hiệu trên 20%. Chỉ tiêu đến năm 2030 là giữ diện tích đất lúa 3,5 triệu ha, linh hoạt diện tích gieo trồng, đảm bảo tối thiểu sản lượng 35 triệu tấn lúa/năm; XK khoảng 4 triệu tấn gạo; tỷ lệ gạo XK có thương hiệu trên 40%.
 
Quảng cáo sản phẩm