Xuất khẩu gỗ: Càng khó càng phải tìm cách thích nghi

23/02/2024 04:01 - 19 lượt xem

Xuất khẩu gỗ giờ đã khác, không còn đơn hàng ký theo năm mà doanh nghiệp làm theo mẫu, giao ngắn hạn và quan trọng là phải chủ động tìm kiếm khách hàng.

 

Hy vọng từ tín hiệu khả quan đầu năm

 

Kết thúc tháng 1/2024, xuất khẩu gỗ cả nước đạt 1,5 tỷ USD - theo thống kê của Bộ Công Thương, tăng 72,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, đây là một tín hiệu tích cực - cho thấy thị trường đang hồi phục trở lại.

 

Chia sẻ với Báo Công Thương, ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội hàng Thủ công mỹ nghệ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (SADACO) - đánh giá: Đây là kết quả tích cực trong điều kiện cực kỳ khó khăn bởi chiến tranh, căng thẳng Biển Đỏ khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn. “Trong điều kiện khó khăn mà mặt hàng đồ gỗ vẫn tăng kim ngạch là rất đáng mừng và chúng tôi hi vọng rằng trong năm nay việc xuất khẩu gỗ sẽ tốt hơn”- ông Mạnh nói.

 

Chỉ ra lý do, ông Mạnh cho biết, gần đây dấu hiệu lạm phát ở Mỹ - thị trường nhập khẩu lớn nhất của gỗ Việt Nam đã bớt gay gắt hơn. Thêm vào đó, hàng tồn kho ở nước này được tích lũy trước dịch tới nay đã bán gần hết và họ sẽ quay vòng để đặt hàng trở lại trong năm 2024, đặc biệt là quý 3 năm nay. Chính những tín hiệu này tạo hi vọng, củng cố niềm tin cho doanh nghiệp rằng đơn hàng sẽ quay trở lại.

 

Đồng quan điểm, ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2- cũng cho biết, so với năm ngoái, hiện các đơn hàng cho quý 1/2024 của doanh nghiệp đã “tạm ổn”. Theo ông Hiệp, mặc dù thị trường chung khó khăn nhưng Việt Nam có lợi thế đối ngoại rất tốt nên đối tác vẫn chọn chúng ta để mua hàng.

 

Còn với Công ty TNHH Đức Thiện, ông Lê Hà Trọng Châu, Phụ trách Kinh doanh của doanh nghiệp này thông tin, hiện doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 6/2024. Với những diễn biến hiện tại, công ty dự kiến trong năm 2024 sẽ đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 20%.

 

Càng khó càng phải tìm cách thích nghi

 

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, theo ông Điền Quang Hiệp, năm nay xuất khẩu gỗ vẫn phải đối diện với những tồn tại nối tiếp của năm 2023 như xung đột chính trị, chiến tranh, căng thẳng Biển Đỏ… Đáng quan ngại hơn, sự gián đoạn của vận tải liên quan khu vực Biển Đỏ đang làm đội chi phí vận chuyển hàng đi châu Âu. “Đầu ra của sản phẩm gỗ vốn đã khó thì nay lại càng khó hơn và điều quan trọng với doanh nghiệp lúc này phải thận trọng, bình tĩnh để đưa ra chiến lược kinh doanh có hiệu quả”- ông Hiệp nói.

 

Thực tế, lo lắng của ông Hiệp cũng là vấn đề mà những doanh nghiệp gỗ đang quan tâm hiện nay. Cụ thể, theo ông Trần Quốc Mạnh, không chỉ cước tàu biển đi châu Âu bị đội lên mà ngay cả thị trường Mỹ cũng đã tăng trên 200% so với trước (tăng từ mức 1.000 USD/cont lên 4.000 USD/cont 40ft) - trong khi đó cả 2 thị trường này đều là thị trường chủ lực của ngành gỗ Việt Nam. Một thách thức khác là thời gian giao hàng đang bị kéo dài hơn trước đây và số cont quay lại cũng khan hiếm. Tất cả đang áp lực rất lớn cho doanh nghiệp.

 

Tuy vậy, đối với các doanh nghiệp gỗ, năm 2024 là năm thứ 3 của giai đoạn khó khăn. Lúc này doanh nghiệp không thể nói “đứng trước khó khăn” mà phải “thích nghi” với khó khăn. Vì vậy, theo các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, vấn đề hiện nay của họ là làm sao nhà máy tiếp tục tồn tại, phát triển được.

 

Ông Điền Quang Hiệp cho hay, doanh nghiệp này đã và đang kiện toàn bộ máy và tìm mọi cách để tiết giảm chi phí sản xuất. Theo đó, dù khó vẫn phải dành ngân sách nhất định để đầu tư máy móc nhằm giảm chi phí nhân công, song song đó thực hiện truyền thông cho người lao động để tạo sự đồng lòng, quyết tâm cùng doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất.

 

Trong khi đó, với Công ty SADACO, ông Trần Quốc Mạnh cho biết doanh nghiệp này không đánh mạnh vào các đơn hàng dài hạn như trước đây, mà thay vào đó làm các đơn hàng ngắn hạn, làm hàng mẫu theo yêu cầu của khách hàng. “Đơn hàng hiện khác trước rất nhiều, không còn xuất khẩu ồ ạt hàng chục hay hàng trăm cont mà thay vào đó doanh nghiệp tập trung vào hàng mẫu để phù hợp với nhu cầu của thị trường”- ông Mạnh chia sẻ.

 

Chú trọng mở thị trường mới, tăng xúc tiến thương mại

 

Trong kế hoạch đề ra trong năm 2024, ngành gỗ đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD, đây là chỉ tiêu khá cao, đặc biệt trong bối cảnh xung đột chính trị đang leo thang và khó đoán định, cả yếu tố đầu ra và đầu vào của xuất khẩu đều khó khăn. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đều có chung nhận định rằng, một trong những việc cấp thiết cần chú trọng đó chính là mở rộng những thị trường mới, tăng cường đa dạng hóa các kênh bán hàng từ truyền thống và phi truyền thống. Do đó, công tác xúc tiến thương mại cho ngành gỗ thông qua tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước cũng như quốc tế là rất cần thiết. “Việc tham gia hội chợ là ngách để tìm kiếm khách hàng nên dù chi phí có thể tăng nhưng doanh nghiệp vẫn tham gia”- ông Hiệp khẳng định.

 

Cũng như Minh Phát 2, ông Trần Quốc Mạnh khuyến cáo, xu hướng thị trường xuất khẩu gỗ hiện đã có nhiều thay đổi. Do đó, việc tham gia xúc tiến thương mại sẽ giúp doanh nghiệp cập nhật xu hướng mới, nắm bắt thị hiếu của khách hàng để có những chiến lược kinh doanh phù hợp. “Việc tham gia các hội chợ là cách quảng bá thương hiệu tốt nhất cho doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm thị trường hiện nay. Qua các hội chợ chúng tôi đã tìm được khách hàng, đi đến những ký kết hợp đồng sau đó”- ông Mạnh cho biết thêm.

 

Nguồn: Báo Công Thương

Quảng cáo sản phẩm