Xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc: Thay đổi tư duy, tránh phụ thuộc - Kỳ I: Khi tiểu ngạch thành… ngạch chính

14/07/2016 12:00 - 1587 lượt xem

Nhiều năm nay Trung Quốc (TQ) là thị trường chủ lực của nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, hệ quả từ việc “đặt tất cả trứng vào một rổ” đã khiến các doanh nghiệp (DN) nhiều phen dở khóc dở cười. Vì vậy, DN cần phải chuyên nghiệp hơn để tăng khả năng cạnh tranh, tránh phụ thuộc.

Hầu hết các loại nông sản chính của Việt Nam xuất sang TQ đều thông qua con đường tiểu ngạch. Sự thuận lợi của giao dịch biên mậu mặc dù mang lại lợi ích trước mắt cho nhiều DN, nhưng tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ rủi ro thanh toán và biến động cung cầu, gây sức ép lên hoạt động xuất khẩu (XK) chính ngạch vào các thị trường khác.

Thực tế hiện nay, các DN Việt Nam gặp khó khi phải chạy theo các kế hoạch, mục tiêu XK hàng năm. Tuy nhiên, các DN lại không chọn giải pháp mở rộng thị trường mà thường quay lại chọn cách dễ hơn là kỳ vọng vào bán hàng tiểu ngạch, và vô hình trung đã coi bán tiểu ngạch là ngạch… bán chính.

Câu chuyện thứ nhất là cao su. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2015, TQ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với 572.636 tấn, chiếm 50,3% tổng lượng XK (tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2014), giá trị đạt 763,4 triệu USD.

4 tháng đầu năm 2016, TQ vẫn tiếp tục là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với 172.136 tấn, chiếm 55,2% tổng lượng XK (tăng 54,4% so với cùng kỳ), giá trị đạt 204,9 triệu USD (tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2015). Hiện phần lớn các DN XK cao su của Việt Nam chọn phương thức bán mậu biên để hưởng mức thuế suất thấp hơn so với XK chính ngạch và được nhận tiền ngay nhằm có vốn mua hàng quay vòng.

Tuy nhiên, hàng hóa của các DN XK được chuyển đến cửa khẩu phụ thuộc gần như hoàn toàn vào giá mua mà của nhà nhập khẩu (NK). Thực tế, tháng 8/2010 đã có một số DN XK cao su trong nước phải “ngậm quả đắng” khi nhiều container mủ đang trên đường vận chuyển ra cửa khẩu, thì phía TQ bắt đầu hạn chế mua, hòng kéo giá xuống, đẩy DN Việt Nam vào thế buộc phải bán giá thấp, vì nếu găm hàng sẽ tốn tiền phí lưu kho, lãi suất.

Câu chuyện thứ hai là về gạo. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện TQ là thị trường nhập gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% tổng lượng gạo XK. Nếu tính thêm lượng gạo xuất tiểu ngạch có thể chiếm trên 50%. Trong số 131 DN XK gạo hiện có tới gần 40 DN thường xuất tiểu ngạch qua TQ với số lượng lớn.

Theo các DN XK gạo, mặc dù giá thu mua của các thương nhân TQ thường cao, nhưng phần lớn chỉ có hợp đồng miệng dẫn đến hiện tượng bị ép giá, mà không có cơ sở giải quyết khi có tranh chấp. Điển hình như, từ tháng 8/2014, TQ đóng cửa nhập khẩu gạo tiểu ngạch khiến XK gạo qua thị trường này giảm mạnh. Đến tháng 3/2015, TQ có động thái nới lỏng NK và các thương nhân nước này đã liên hệ DN Việt Nam mua hàng. Tuy nhiên, khi DN Việt Nam đưa hàng ồ ạt lên cửa khẩu thì TQ lại bất thình lình thay đổi chính sách khiến khoảng 30.000 tấn gạo ùn tắc tại các cửa khẩu gây thiệt hại rất lớn.

Ngoài các mặt hàng trên rau quả cũng đang XK với số lượng lớn qua TQ. Vào thời điểm cuối tháng 3/2014, hàng nghìn xe chở dưa hấu XK sang TQ bị ách tắc tại cửa khẩu quốc tế Tân Thanh (Lạng Sơn). Hay cuối tháng 4/2015, tại thị xã Vĩnh Châu và TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, 50.000 tấn hành tím đã bị tồn đọng do thương lái TQ bỏ cọc không thu mua khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc giải cứu nhằm giúp nông dân thoát cảnh trắng tay, nợ nần…

Ông Phạm Hoàng Lâm - Tổng giám đốc Công ty CP Hưng Lâm - chia sẻ, dù biết con đường tiểu ngạch sẽ gặp nhiều rủi ro khi đối tác quỵt tiền hoặc gây khó dễ, ép giá… song nhiều DN vẫn chọn phương thức này vì xuất chính ngạch mất quá nhiều chi phí như: thuế NK cao, chính sách tăng cường giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm, chính sách NK… Thậm chí, nhiều DN để XK được qua TQ theo đường tiểu ngạch đã làm theo yêu cầu của đối tác và pha trộn gạo, dẫn đến mất uy tín của ngành gạo trên các thị trường khác.

Đồng quan điểm, ông Tô Quế Lâm - Giám đốc bán hàng Công ty TANS - cho biết, đã có trường hợp khi thỏa thuận đơn hàng, phía bạn hàng TQ không hề đưa ra tiêu chí rõ ràng nào cho TANS, song khi hàng qua cửa khẩu đối tác mới đem đi kiểm tra và báo lại không đạt yêu cầu, trả lại hàng. Điều này khiến DN bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Cụ thể, NK gạo trong hạn ngạch sẽ có mức thuế 1%. Khi vượt hạn ngạch, thuế sẽ lên đến 65% và NK gạo không theo hình thức này sẽ bị coi là không chính thức và trái pháp luật. Dù khi bình thường TQ thường thả lỏng việc NK gạo qua đường tiểu ngạch nhưng khi muốn kiểm soát bảo vệ hàng hóa trong nước, TQ sẽ cấm việc NK gạo theo đúng quy định. Sự phụ thuộc này gây ảnh hưởng đến giá gạo trong nước và đã có không ít DN phải chịu thiệt khi ký “hớ” hợp đồng.
 
Nguồn: Báo điện tử Công thương
Quảng cáo sản phẩm