Xuất khẩu rau quả cần có chiến lược bài bản

28/12/2009 12:00 - 728 lượt xem

Theo Quy hoạch phát triển xuất khẩu rau quả của Chính phủ điều chỉnh năm 2007, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả đến năm 2010 đạt 760 triệu USD, giảm 340 triệu so với mức phê duyệt Quy hoạch ban đầu hồi năm 1999 là 1 tỷ USD. Phải chăng mục tiêu đề ra quá xa vời so với hiện thực!
 

Nhìn lại thực tế xuất khẩu rau quả trong 5 năm qua, tuy mức kim ngạch đạt được luôn theo chiều hướng tăng năm sau cao hơn năm trước (năm 2008 đạt 390 triệu USD, năm 2009 đạt khoảng 400 triệu USD). Song thực ra việc thực hiện mục tiêu đề ra chỉ đạt 50%. Đâu là nguyên do gây cản trở tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng chính yếu này?

Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng theo các chuyên gia thương mại vấn đề cốt lõi là do các doanh nghiệp của ta vẫn chưa có chiến lược bài bản trong xuất khẩu mặt hàng này!

Việt Nam là quốc gia được thiên nhiên ưu đãi nên sản vật rau hoa quả rất phong phú đa dạng và đặc biệt rất thơm ngon. Các loại rau quả của Việt Nam đã có mặt tại hơn 50 thị trường trên thế giới. Tuy nhiên để đứng chắc chân được tại những thị trường này thì lại là cả vấn đề đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam. Khi thì không đủ nguồn hàng đáp ứng kịp thời, lúc lại không đáp ứng được yêu cầu về mẫu mã, bao gói và cả thời hạn giao hàng… nên nhiều khi bỏ lỡ những cơ hội, thời cơ tốt. Chẳng hạn, trong tháng vừa qua, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết giá xuất khẩu rau quả đang tăng trở lại và lượng đơn đặt hàng với số lượng lớn tăng cao so với những tháng trước. Nhưng đáng tiếc là hiện nay các doanh nghiệp trong nước lại chỉ đáp ứng được 1/2 đơn hàng. Giải thích về điều này, các doanh nghiệp cho rằng năm nay do mùa mưa đến sớm nên rau bị vàng, giập không thể khai thác hết.

Một nguyên nhân quan trọng dẫn tới việc kim ngạch xuất khẩu rau quả của ta không tăng cao được là do khâu vận chuyển (chi phí và thời gian tăng làm giảm lợi nhuận thu về). Theo phân tích của một giám đốc doanh nghiệp: xuất khẩu rau quả phải đi bằng đường hàng không thì mới đảm bảo được độ tươi, ngon, còn nếu vận chuyển bằng đường thuỷ sẽ không đảm bảo, ví dụ một chuyến hàng hoa quả đi từ Việt Nam sang Hoa Kỳ bằng đường thuỷ thường mất khoảng 20 ngày, lúc cập cảng rau quả không còn tươi. Đây chính là một trở ngại không nhỏ đối với doanh nghiệp rau quả.

Thời gian vận chuyển quá dài đã làm giảm thời gian lưu thông hàng hoá tại nước sở tại. Mối quan tâm hàng đầu hiện nay là tìm phương pháp vận chuyển, với thời gian ngắn hơn cùng chi phí thấp hơn. Một vấn đề nữa cũng cần được chú trọng đó là xây dựng thương hiệu. Sản phẩm rau quả Việt Nam sẽ rất khó thuyết phục đối tác nước ngoài khi sản phẩm đó thậm chí còn chưa có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam. Vì vậy, để xây dựng thương hiệu cho rau quả Việt Nam, cần phát triển chiến lược “dài hơi” về nâng cao chất lượng sản phẩm.

Kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả của Việt Nam trong năm 2009 được đánh giá là khả quan, dự kiến sẽ đạt khoảng 400 triệu USD. Số lượng các đơn hàng trong tháng cuối năm này đang khá cao, các mặt hàng có đơn đặt hàng số lượng lớn tập trung nhiều vào nhóm hàng chế biến như hoa quả cô đặc, rau quả puree, dứa khoanh, vải thiều nước đường... Nhu cầu rau cấp đông và khoai tây cấp đông xuất khẩu sang thị trường Nhật cũng tăng mạnh với nhiều đơn đặt hàng số lượng lớn (mỗi tháng lên đến cả ngàn tấn). Trung Quốc vẫn là thị trường chính của rau quả Việt Nam, tiếp đó là Mỹ, Nga, Nhật Bản, Đài Loan... Chỉ tính riêng thị trường Trung Quốc, trong 10 tháng/2009 đạt khoảng 42,7 triệu USD, mặt hàng chủ yếu là: thanh long, dừa, khoai các loại vẫn là những mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường này. Bên cạnh đó, một số loại rau như súplơ, cà tím cũng là mặt hàng đang được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.

Hiện đã có 47 mặt hàng rau hoa quả xuất khẩu sang thị trường Mỹ, con số này phần nào nói lên được sự cố gắng của các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, vẫn chưa thể hiện hết được khả năng cung ứng đa dạng các sản phẩm rau hoa quả của VN. Trong các nhóm hàng rau hoa quả xuất khẩu sang thị trường Mỹ thì kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi vẫn còn nhiều hạn chế do những yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm... XK sang thị trường Nga cũng đạt kim ngạch khá lớn và khá đa dạng, như trái cây đóng hộp, trái cây tươi, khoai lang sấy khô, dưa chuột đóng hộp và một số loại rau khác. Tiếp đến là Nhật Bản với kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt 25,8 triệu USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ 2008. Đây là thị trường nhập khẩu chủ yếu các loại hoa, rau chế biến và củ các loại.

Các chuyên gia dự báo, năm 2010, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam xuất khẩu có thể đạt 760 triệu USD và đạt 1,2 tỷ USD vào năm 2020. Thời gian tới, các mặt hàng như trái cây đóng hộp, trái cây sấy khô, khoai lang sấy khô và dưa chuột đóng hộp vẫn là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ngoài ra, một số loại trái cây như thanh long, bưởi, nhãn, sầu riêng, hồng xiêm, rau tươi và sấy khô cũng là những mặt hàng đạt mức tăng trưởng tốt. Đáng chú ý, hiện nay nhóm trái cây có múi (bưởi, cam, chanh) được giá vì ít chịu sức ép của những sản phẩm trái cây nhập ngoại. Tuy nhiên để đạt mục tiêu này các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cần khắc phục những nhược điểm nêu trên: cùng việc xây dựng một thương hiệu vững mạnh, tiếp đó là có một quy trình sản xuất, chế biến nghiệm ngặt để rau, quả mang thương hiệu Việt không chỉ đẹp về mẫu mã mà còn đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Nguồn: Báo công thương điện tử
Quảng cáo sản phẩm