Xuất khẩu rau quả vượt bão dịch, tăng tốc trở lại tại các thị trường

07/06/2021 12:00 - 133 lượt xem

Dù tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp cả ở trong nước và nhiều thị trường nhập khẩu, song hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 5 tháng qua đã ghi nhận nhiều khởi sắc.

Xuất khẩu rau quả lấy lại đà tăng

Rau quả là một trong những mặt hàng xuất khẩu chịu tác động nặng nề kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trong năm 2020, khiến kim ngạch xuất khẩu liên tục sụt giảm.

Tuy nhiên, bước sang năm 2021, hoạt động xuất khẩu mặt hàng này đã dần khởi sắc với mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tháng 5/2021 đạt 400 triệu USD, tăng 48,3% so với tháng 5/2020. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp kể từ đầu năm 2021 rau quả duy trì đà tăng so với các tháng cùng kỳ của năm 2020.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 1,77 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. 

Một trong những nguyên nhân mang về mức tăng trưởng ấn tượng này là do hàng rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, thị trường trọng điểm của Việt Nam, đang có nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2021, rau quả xuất khẩu sang thị trường này đạt 866,19 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. 

Tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 63,2%, tăng 2,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. 

Chia sẻ với người viết, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho biết: "So với cùng kỳ năm ngoái, tình hình kiểm soát dịch khi xuất khẩu sang Trung Quốc đã bớt gây gắt nên hàng rau quả nhập khẩu vào đã thuận lợi lưu thông.

Bên cạnh đó, tình hình dịch tại các thị trường xuất khẩu đã ổn định hơn nhờ vắc xin nên kinh tế dần phục hồi, mở cửa và nhất là Trung Quốc, sự phục hồi khá mạnh mẽ, tình hình tiêu thụ rau quả của thị trường này trong năm 2021 được dự báo sẽ phục hồi tương đương trước dịch".

Không chỉ thị trường Trung Quốc, hàng rau quả của Việt Nam cũng đang có nhiều tín hiệu tích cực tại nhiều thị trường lớn, nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trướng như Mỹ, Nga, Australia…đều tăng mạnh lần lượt là 16,6%, 32,4%, 34,3%...

Chia sẻ với người viết, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết: "Trong thời gian dịch bệnh, những sản phẩm rau quả tươi gặp trở ngại lớn trong quá trình bảo quản cũng như vận chuyển bằng đường biển.

Tuy nhiên, công ty đã chuyển sang đẩy mạnh sản phẩm đông lạnh và đạt được tín hiệu thị trường tốt, đặc biệt là sản phẩm sầu riêng đông lạnh nên đã giúp công ty duy trì được tốc độ tăng trưởng".

Cũng theo doanh nghiệp này, để thích nghi với tình hình hiện nay, tỷ trọng xuất khẩu hàng đông lạnh của công ty đã vượt xa hàng rau quả tươi, chiếm đến 70% và chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Dịch bệnh bùng phát có thể gây khó cho hoạt động xuất khẩu

Theo Cục Xuất nhập khẩu, dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam cộng thêm tình trạng dư cung tại thị trường Trung Quốc sẽ làm cản trở đà tăng trưởng của hàng rau quả Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong thời tới.

Cụ thể, dịch COVID-19 bùng phát mạnh làm gián đoạn hoạt động thu hái và sản xuất hàng rau quả tại các khu vực trồng chính.

"Việc giãn cách xã hội khiến việc thu mua rau quả từ tỉnh này qua tỉnh khác gặp khó khăn, sẽ ảnh hưởng đến tốc độ xuất khẩu của ngành hàng. Khả năng tình hình xuất khẩu tháng 6 sẽ giảm so với tháng 5 vừa qua", ông Nguyên chia sẻ.

Đồng thời cho biết thêm đây cũng là thời điểm Trung Quốc đang bước vào vụ thu hoạch rộ trái cây theo mùa như mùa thu hoạch vải thiều của Trung Quốc đã chính thức bắt đầu từ đầu tháng 5/2021. Mùa thu hoạch trái thanh long của Trung Quốc cũng bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11.

"Ngoài ra, các nước xung quanh của Việt Nam hiện cũng tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc nên sẽ tạo sự cạnh tranh lớn cho việc xuất khẩu của chúng ta", Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả cho hay.

Điển hình như Campuchia đang có thêm lợi thế mới khi Trung Quốc chính thức chấp nhận cho 37 công ty có trang trại trồng cây xoài, và 5 công ty có nhà máy xử lý đóng gói quả xoài tươi, đủ điều kiện để xuất khẩu quả xoài tươi trực tiếp vào Trung Quốc.

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ tư đúng vào mùa thu hoạch vải thiều đã và đang khiến hoạt động xuất khẩu đứng trước nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp đang nỗ lực đưa các loại nông sản chính vụ xuất ngoại trong bão dịch, đơn cử như trái vải thiều.

"Ngay từ đầu vụ công ty đã kết nối với vùng nguyên liệu của bà con nông dân và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang để chuẩn bị cho vụ xuất khẩu. Năm nay Chánh Thu dự kiến xuất khẩu sang Nhật Bản hơn 200 tấn vải thiều, so với năm ngoái chỉ khoảng 60-70 tấn", bà Vy cho hay.

Bên cạnh đó, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng sẽ tiến hành đề xuất với các cơ quan của nước này để thúc đẩy việc thông quan được thuận lợi khi trái vải đến Australia. Dự kiến, năm 2021 sẽ có khoảng 100 tấn vải thiều Việt Nam sẽ xuất khẩu sang bang Nam Australia và Tây Australia.

"Khả năng từ cuối quý III, đầu quý IV/2021 xuất khẩu rau quả sẽ tăng mạnh khi dịch bệnh bớt gây gắt hơn cùng với thời điểm vào mùa đông, rau quả của Trung Quốc sẽ ít đi thì cơ hội tăng nhập khẩu từ Việt Nam sẽ cao hơn", ông Đặng Phúc Nguyên dự báo.

Theo đó, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2021, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư vào sản phẩm chế biến, bảo quản hàng rau quả đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, thiên tai dự báo vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2021.

Ngoài ra, theo đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu: "Cần có những chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp, những người trực tiếp sản xuất như tỉnh Bắc Giang hoặc cơ chế riêng về giao thông, đi lại để tạo thuận lợi cho nguồn hàng lưu thông kịp thời trong thời gian dịch bệnh hiện nay".
 
Nguồn: Vietnambiz
Quảng cáo sản phẩm