Xuất khẩu sang Trung Quốc: Cần chuyển mạnh sang chính ngạch

17/09/2021 09:42 - 25 lượt xem

Những thay đổi lớn về chính sách nhập khẩu hàng hóa, cộng với tác động của dịch Covid-19 khiến việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc không còn dễ dàng.

 

Cơ hội gia tăng kim ngạch từ thị trường Trung Quốc

 

Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN. Đối với nông sản, thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng đạt 8,9%/năm trong giai đoạn 2015 - 2020.

 

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm 2021 đạt 4,34 tỷ USD, tăng 25,83% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó 7/8 mặt hàng chủ lực đều có mức tăng trưởng dương 2 con số từ 10,1% đến 91,1%. Hàng xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền đạt gần 1,38 tỷ USD, chiếm 32,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

 

Hiện nay, nhập khẩu nông, thủy sản của Trung Quốc chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch thương mại nông sản, thủy sản toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân 8,8%/năm - là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới về nông, thủy sản. Với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông sản, thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú. Tận dụng lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm, cùng với những lợi thế về địa lý, đa dạng sản phẩm, thời gian tới, nông thủy sản của ta còn dư địa tăng trưởng xuất khẩu để phục vụ nhu cầu của thị trường này.

 

Bên cạnh đó, Trung Quốc là thị trường có quy mô rất lớn với rất nhiều khu vực có trình độ phát triển khác nhau, nhu cầu hàng nông sản, thủy sản đa dạng, thích hợp với nhiều chủng loại mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. 32 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đều có nhu cầu khác nhau đối với từng loại sản phẩm cụ thể. Mỗi địa phương với dân số lớn có thể coi là 1 “thị trường” riêng lẻ như Sơn Đông (90,5 triệu người), Hà Nam (90,4 triệu người), Quảng Đông (104,3 triệu người), Tứ Xuyên (80,4 triệu người), Hà Bắc (71,8 triệu người), Giang Tô (75,6 triệu người), Hồ Nam (65,6 triệu người)…

 

Kinh tế Trung Quốc đã hồi phục và đạt được kết quả tích cực khi kiểm soát tốt dịch bệnh. Tăng trưởng của Trung Quốc 2,3% trong khi kinh tế toàn cầu suy giảm 3,3% năm 2020 và trong 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế Trung Quốc tăng 12,7%. Dự báo nhu cầu của thị trường này đối với hàng hóa nói chung và nông sản, thủy sản nói riêng vẫn tiếp tục tăng cao, đặc biệt, xuất khẩu hàng rau quả trong các tháng cuối năm 2021 và tháng đầu năm 2022 có nhiều triển vọng tăng trưởng nhờ nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc trong thời điểm mùa lễ hội và dịp Tết Nguyên đán.

 

Khắc phục khó khăn

 

Ngoài những khó khăn chung của hoạt động xuất khẩu nông sản, thủy sản trong bối cảnh dịch Covid-19, Cục Xuất nhập khẩu chỉ rõ, hoạt động xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc, nhất là qua các cửa khẩu biên giới giữa hai nước, còn gặp thêm khó khăn khi cả Việt Nam và Trung Quốc đều áp dụng các biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ, thể hiện qua quy trình thông quan và giao nhận hàng hóa, thí dụ như áp dụng kiểm tra 100% đối với trái cây xuất khẩu theo diện trao đổi cư dân, tăng cường kiểm dịch, khử khuẩn đối với hàng hóa, kiểm soát chặt phương tiện và đội lái xe chuyên trách vận chuyển hàng hóa qua biên giới...

 

Bên cạnh đó, là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, có dân số thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng tăng (khoảng hơn 400 triệu), thị trường Trung Quốc đã và đang có yêu cầu ngày càng cao về chất lượng thực phẩm. Các cơ chế, chính sách quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm tra vùng trồng, nhà máy... ngày càng hoàn thiện và triển khai thực thi một cách gắt gao. Điều này đồng nghĩa với việc quan điểm Trung Quốc là thị trường dễ tính đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

 

Chưa kể, nhiều năm nay, Trung Quốc duy trì chế độ ưu đãi cho hình thức trao đổi cư dân qua các cặp chợ biên giới (miễn thuế VAT cho các giao dịch cư dân không qua 8000 Nhân dân tệ/người/ngày) nên từ nhiều năm nay, tại khu vực biên giới Việt - Trung, hình thành việc gom tiêu chuẩn của cư dân để buôn bán lớn qua các cặp chợ. Hàng hóa trao đổi theo hình thức này chủ yếu xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới để vào các chợ đường biên. Do chỉ là hàng hóa "trao đổi cư dân", không phải là hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng với quy cách và điều kiện giao hàng rõ ràng nên việc quản lý cũng không theo thông lệ quốc tế. Chợ có thể đóng, có thể mở, hàng hóa thì lúc cho đi ban ngày, lúc cho đi ban đêm tùy thuộc vào hoàn cảnh của chợ dẫn đến bị động và rủi ro cho các thương nhân Việt Nam xuất khẩu theo hình thức này, nhất là với các sản phẩm có tính mùa vụ cao như trái cây tươi. Trong bối cảnh cả hai bên cùng tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, bất cập của hình thức "trao đổi cư dân" còn thể hiện rõ hơn nữa. Tình trạng tồn đọng, ùn ứ cục bộ hàng hóa, phương tiện tại các cửa khẩu biên giới thường xuyên xảy ra ở cả 2 bên biên giới.

 

Để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc trong thời gian tới, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc triển khai hoạt động đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản theo quy định tại Lệnh số 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài”, Lệnh số 249 “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc từ nay đến cuối năm 2021 (các Lệnh nêu trên có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022), trong đó cần đặc biệt chú ý hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các hợp tác xã xuất khẩu...

 

Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính ưu tiên bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với các tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc có lưu lượng hàng hóa nông sản, thủy sản thông quan lớn. Ưu tiên kinh phí cho Bộ Công Thương để tổ chức thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về thương mại và phổ biến hướng dẫn cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn mới của thị trường Trung Quốc; nghiên cứu, xây dựng báo cáo tổng thể về hoạt động thương mại biên giới và đề xuất giải pháp chuyển hoạt động xuất khẩu từ “tiểu ngạch” sang “chính ngạch”.

 

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với các địa phương vùng trồng nông sản, trái cây trọng điểm trong việc chủ động kết nối, mời các doanh nghiệp nước ngoài ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ hướng dẫn, giám sát quá trình thu mua, đóng gói đáp ứng tốt yêu cầu của nước nhập khẩu nhằm hạn chế tình trạng bị động vào thị trường, chủ động trong công tác tổ chức sản xuất, xuất khẩu các loại trái cây (nhãn, vải, xoài), đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc.

 

Đặc biệt, để phát triển xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, các địa phương cần phải tổ chức lại sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, đặc biệt là công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch. Phải chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch để hạn chế tối đa rủi ro từ thị trường đến hoạt động xuất khẩu.

 

Nguồn: Báo Công Thương

Quảng cáo sản phẩm