Xuất khẩu sang Trung Quốc: Giải pháp mới
27/07/2009 04:00
Trung Quốc ngày càng trở thành đối tác thương mại quan trọng đối với Việt Nam, tuy nhiên nhập siêu của Việt Nam quá lớn. Để quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc hướng cân bằng hơn, giải pháp tăng xuất khẩu là rất quan trọng.
Hội nghị giữa lãnh đạo Bộ Công Thương và các tỉnh biên giới phía Bắc về việc thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hôm 24/7 đã đưa ra nhiều biện pháp cụ thể.
Tham dự hội nghị quan trọng này với Bộ Công Thương có đại diện lãnh đạo 7 tỉnh phía Bắc giáp biên giới với Trung Quốc. Đây là những tỉnh có vai trò lớn trong việc thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị nhằm trao đổi với các địa phương, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để bàn biện pháp tháo gỡ. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong thời gian qua, các địa phương trên đã chủ động xử lý và có nhiều đề xuất với Chính phủ để đưa ra chính sách phù hợp
Một vấn đề lớn trong thương mại Việt Nam – Trung Quốc là tình trạng nhập siêu của Việt Nam. Năm 2008, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 11 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2009, con số này là 5 tỷ USD. Trung Quốc hiện là thị trường Việt Nam nhập siêu lớn nhất, chủ yếu là các mặt hàng nguyên, vật liệu phục vụ cho xuất khẩu. Vấn đề đặt ra là phải cải thiện quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc theo hướng cân bằng hơn, trong đó, tăng xuất khẩu là biện pháp quan trọng.
Thay đổi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu được xem là biện pháp quan trọng. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc gồm 3 nhóm hàng chính là nguyên nhiên liệu và khoáng sản, chiếm trung bình 55%; nông sản, thủy sản chiếm 15%; hàng công nghiệp chiếm 10%. Theo đánh giá của của ông Đào Trần Nhân –Phó vụ trưởng Vụ châu Á – Thái Bình Dương, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc ít thay đổi, trong khi nhập khẩu rất đa dạng.
Do đó, muốn tăng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cần có cơ cấu hàng hóa mới, đưa thêm nhiều mặt hàng mới. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nói: “Nếu tiếp tục duy trì cơ cấu hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam khó có thể tăng thêm”. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh nghiên cứu cơ cấu xuất khẩu để đưa thêm nhiều mặt hàng mới.
Ông Phan Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, lâu nay xuất khẩu của Việt Nam chỉ là những gì chúng ta có, chứ chưa làm được việc xuất những gì Trung Quốc cần, chúng ta có thể mua hàng hóa của nước thứ ba rồi tái xuất cho Trung Quốc. Năm 2008, kim ngạch tái xuất sang Trung Quốc đạt 3,6 tỷ USD. Đây là lợi thế lớn của các tỉnh biên giới phía Bắc. Ngoài ra, ông Chinh cũng khuyến cáo DN nên chuyển đổi thương mại với Trung Quốc sang hình thức làm ăn chính thống, vừa tăng kim ngạch vửa giảm rủi ro. Mặt hàng rau quả vừa qua là một ví dụ thành công, năm 2008 đã đạt trên 500 triệu USD, tăng hơn 180%, trong khi vấn đề thanh toán được đảm bảo.
Xuất khẩu sang Trung Quốc chưa được như mong muốn một phần là do hạ tầng phục vụ cho thương mại tại các tỉnh biên giới phía Bắc còn yếu, đặc biệt là giao thông, vận tải, kho bãi, bảo quản, đóng gói… Lào Cai có kim ngạch trao đổi thương mại với Trung Quốc trên dưới 1 tỷ USD mỗi năm nhưng hạ tầng hiện rất yếu, đường sắt đáp ứng được 1/3 nhu cầu trong khi đường bộ tắc thường xuyên.
Ngay Lạng Sơn, một đầu mối giao thương mang tầm quốc gia, quốc tế với Trung Quốc, cũng gặp thách thức về hạ tầng. Ông Nguyễn Văn Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, năng lực của hạ tầng thương mại cản trở lớn đến vị thế cầu nối ASEAN với Trung Quốc của tỉnh. Đại diện của 7 tỉnh biên giới phía Bắc tham dự hội nghị đều bày tỏ khó khăn về hạ tầng tại các cửa khẩu trong thương mại với Trung Quốc.
Do đó, hướng đề xuất với Chính phủ là tạo thuận lợi cho đầu tư các loại hình khu hợp tác kinh tế biên giới, quy hoạch hệ thống cửa khẩu, chợ biên giới để tạo thêm động lực và sự yên tâm cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ cần rà soát hệ thống văn bản hợp tác với Trung Quốc, nếu cần có thể sửa đổi, bổ sung để tránh tình trạng điều hành, chỉ đạo quản lý nhà nước lúng túng.
Một biện pháp không thể thiếu để đẩy mạnh XK là hoạt động XTTM. Ông Đỗ Thắng Hải – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, tại Việt Nam và Trung Quốc có nhiều hội chợ tốt cho quảng bá và giới thiệu sản phẩm Việt Nam tới người tiêu dùng Trung Quốc như Vietnam Expo, Hội chợ ASEAN – Trung Quốc… Theo ông Hải, mặc dù Việt Nam luôn nhập siêu từ Trung Quốc nhưng các hợp đồng được ký tại các kỳ hội chợ thường là hợp đồng xuất khẩu với giá trị hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, để hỗ trợ tốt cho xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, hoạt động XTTM qui mô quốc gia hay địa phương cần phải tích cực hơn nữa.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thông báo, về phần Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện cho XTTM, nghiên cứu đặc thù thương mại biên giới để tham mưu cho Chính phủ những chính sách phù hợp, đào tạo nhân lực và cung cấp thông tin thương mại cho các tỉnh.
Nguồn: Báo Công thương điện tử
Các tin khác
- Bộ Công Thương dự thảo siết chặt nhập khẩu thuốc lá điếu và xì gà (14/05/2025)
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (14/05/2025)
- Cá rô phi bước vào thị trường thịt trắng toàn cầu (14/05/2025)
- Australia vừa công nhận quả bưởi Việt Nam đủ điều kiện an toàn sinh học để nhập khẩu (14/05/2025)
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời' (14/05/2025)