Xuất khẩu thép lao đao vì liên tiếp bị kiện phòng vệ thương mại

24/08/2022 02:01 - 13 lượt xem

Trong tháng qua, thép XK của Việt Nam liên tục “dính” vào 2 vụ việc phòng vệ thương mại, nâng tổng số vụ việc phòng vệ thương mại ngành này phải đối mặt từ năm 2004 đến nay lên con số 68. Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, đặc biệt ở khu vực châu Âu và Mỹ đã và đang ngày càng đặt ra nhiều khó khăn cho XK thép.

 

2 ngày 2 vụ kiện

 

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2022, XK sắt thép các loại đạt hơn 613 tấn, tương đương hơn 644 triệu USD, giảm 28,7% về lượng và giảm 29,4% về trị giá so với tháng trước đó. Tính chung 7 tháng năm 2022, XK đạt hơn 5,4 triệu tấn, trị giá trên 5,6 tỷ USD, giảm 22,6% về lượng và tăng 1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

 

Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa đánh giá, từ đầu năm đến nay, tình trạng giải ngân đầu tư công chậm khiến nhu cầu thép trong nước giảm, gây ảnh hưởng khá lớn đến tiêu thụ. Đáng chú ý, tình hình thế giới có nhiều thách thức cùng các yếu tố bất ngờ cũng khiến ngành thép đứng trước không ít khó khăn. Đó là chủ nghĩa bảo hộ tiếp tục gia tăng, nhất là ở châu Âu và Mỹ; sự bất ổn, khó lường của thị trường thép Trung Quốc; cuộc xung đột Nga – Ukraine đẩy giá đầu vào tăng cao, trong khi giá sản phẩm liên tục giảm…

 

Nhìn lại toàn cảnh “bức tranh” sản xuất, XK thép từ đầu năm đến nay, điểm đáng chú ý là ngành này ngày càng phải đối diện với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại. Điển hình như ngày 28/7/2022, Bộ Kinh tế Mexico đã đăng công báo chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép cán nguội NK từ Việt Nam trên cơ sở đơn kiện của ngành sản xuất trong nước. Sản phẩm bị cáo buộc là các sản phẩm thép cán nguội có mã HS: 7209.16.01, 7209.17.01, 7209.18.01, 7209.26.01, 7209.27.01, 7209.28.01, 7209.90.99, 7211.23.03, 7211.29.99, 7211.90.99, 7225.50.07 và 7226.92.06.

 

Ngay sau đó, ngày 29/7/2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) lại thông báo khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép, chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 NK từ Việt Nam. Nguyên đơn gồm các DN sản xuất ống thép lớn tại Hoa Kỳ đã cáo buộc Việt Nam NK thép cán nóng (HRS) - là nguyên liệu chính để sản xuất ra ống thép từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép và xuất sang Hoa Kỳ nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại tương ứng mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ.

 

Theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong thời gian từ 2004-7/2022, thép XK của Việt Nam đã phải đối diện 68 vụ việc phòng vệ thương mại từ nước ngoài. Trong đó, kiện chống bán phá giá 38 vụ; kiện chống trợ cấp 3 vụ; kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp 6 vụ; kiện điều tra áp dụng biện pháp tự vệ 13 vụ; kiện chống lẩn tránh thuế 8 vụ.

 

Chủ động dựng “khiên” chắn

 

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhìn nhận, thời gian qua, các DN ngành thép đã nỗ lực phát triển thương hiệu ra thị trường thế giới. Các DN cũng chủ động nắm bắt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA)… thúc đẩy XK. Thép nằm trong nhóm ngành đứng đầu về tận dụng ưu đãi thuế quan. Hiện, sản phẩm thép của Việt Nam đã vươn tới 30 thị trường. “Dù còn rất nhiều khó khăn song 15 FTA đã ký kết và có hiệu lực đang mở ra cơ hội lớn về thị trường cho ngành thép”, bà Cẩm Trang nói.

 

Đại diện VSA phân tích, hiện các sản phẩm thép Việt Nam không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á mà còn mở rộng ra hơn hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu với các thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ... Việc tăng nhanh kim ngạch XK thép lại là lý do khiến nhiều quốc gia chú ý, gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

 

Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, thép là mặt hàng có truyền thống bị khởi kiện. Nguyên nhân là do các nước đều có chủ trương phát triển ngành sản xuất nội địa trong khi thép là ngành công nghiệp cơ bản. Thép cũng là đầu vào của nhiều ngành khác nhau, cho nên khi khởi kiện, áp thuế cho sản phẩm thép nghĩa là gián tiếp bảo hộ ngành hạ nguồn.

 

Từ góc độ DN, đại diện Công ty cổ phần Tôn Đông Á cho biết, việc các thị trường thực hiện khởi kiện, áp thuế với các sản phẩm thép XK của Việt Nam đã có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất tôn thép trong nước. Nhiều nhà máy thép bị hạn chế XK đi các nước châu Âu, Mỹ và cả khu vực Đông Nam Á. "Rất có thể tình hình này sẽ tiếp tục kéo dài. Mỗi DN cần có phương án, chiến lược riêng nhằm ứng phó hiệu quả”, vị này nói.

 

Khẳng định hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã và đang tích cực hỗ trợ DN trong kết nối thông tin, giao thương, đẩy mạnh XK, đồng hành cùng DN ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại, bà Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, muốn khắc phục các khó khăn nội tại, tận dụng cơ hội XK, ngành thép cần phát triển, hoàn thiện chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, đổi mới sáng tạo. DN phải cải tiến công nghệ, mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm XK, chuẩn hóa nguồn cung nguyên liệu nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường NK. DN cũng cần chủ động tìm kiếm cơ hội từ các FTA về cắt giảm thuế quan, đáp ứng quy tắc xuất xứ; tuân thủ nghiêm ngặt quy định của các thị trường NK…

 

Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép lưu ý, tỷ lệ cao DN trong ngành thép là DN nhỏ và vừa, hiểu biết và sự quan tâm cho phòng vệ thương mại vẫn chưa nhiều. Do vậy, khi có thông tin các vụ kiện phòng vệ từ nước ngoài, họ dễ rơi vào trạng thái bị động. Lúc này, sự chủ động, phối hợp liên kết với nhau giữa các DN trong ngành và cơ quan chức năng phòng vệ trong nước rất quan trọng. “Bản thân DN phải xây dựng một hệ thống kế toán minh bạch cùng những kiến thức về phòng vệ. Làm được điều đó, DN sẽ dựng lên “tấm khiên” cho chính mình trước các vụ kiện từ thị trường quốc tế; đồng thời, bảo vệ sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng NK”, ông Sưa nói.

 

Ông Lê Triệu Dũng khẳng định, thời gian tới, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện, vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại. Vị này cũng khuyến nghị các DN XK luôn theo dõi sát thông tin, thường xuyên trao đổi với đối tác NK để nắm bắt thông tin sớm về khả năng bị kiện, vận động sớm để cơ quan điều tra không khởi xướng vụ việc…

 

Nguồn: Báo Hải Quan

Quảng cáo sản phẩm