Xuất khẩu thủy sản: Chông chênh vì chộp giật, kháng sinh

20/06/2016 12:00 - 988 lượt xem

Tình trạng sử dụng kháng sinh, tạp chất tràn lan cũng như cảnh bán buôn chộp giật, cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các DN được đánh giá là những điểm yếu “chí tử”, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển bền vững của thủy sản trong tương lai.

Tôm “tắm” kháng sinh

Nói tới thủy sản, suốt từ đầu năm đến nay, ấn tượng nổi bật nhất có lẽ là số lô hàng XK bị các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… cảnh báo khá nhiều mà lý do chủ yếu là bởi sản phẩm xuất đi không đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thống kê của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT cho thấy: Mặc dù quý I-2016, số lô hàng thủy sản XK nhiễm vi sinh, kháng sinh cấm đã giảm so với quý IV-2015, song vẫn có tới 31 lô hàng cá tra và tôm bị các thị trường NK cảnh báo, trong số đó một nửa là bị cảnh báo về kháng sinh.

Trên thực tế, câu chuyện sản phẩm thủy sản XK, đặc biệt là mặt hàng tôm bị cảnh báo về chứa tạp chất, kháng sinh không hề mới. Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú: Việc bơm chích tạp chất như Agar (bột rau câu) vào tôm là vấn nạn dai dẳng nhiều năm của ngành tôm, cùng với đó là nạn cắm tăm tre, tăm dừa vào tôm. Đây chính là nguyên nhân khiến cho không ít thị trường XK “quay lưng” với tôm Việt để chuyển sang mua tôm của các thị trường khác như Philippines và Ấn Độ, dù giá tôm của hai thị trường này có thể cao hơn giá tôm Việt từ 2,5-3 USD/kg. “Đã có những trường hợp, khách hàng cam kết sẽ mua tôm của Công ty Minh Phú nếu DN đảm bảo được 100% tôm không dính tạp chất và không bị cắm tăm tre, tăm dừa. Tuy nhiên, điều này khá khó khăn bởi DN XK cả nghìn container mỗi năm, song chỉ cần một lô hàng cảnh báo cũng đã không được”, ông Quang nói.

Đi sâu phân tích nguyên nhân tại sao việc kiểm soát tạp chất, kháng sinh trong tôm, đặc biệt là mặt hàng tôm sú lại chật vật, nhiều năm vẫn chưa thể khắc phục, ông Quang cho rằng, muốn đảm bảo chất lượng tôm thì phải kiểm soát được toàn bộ quá trình từ các hộ nuôi cho tới nhà máy chế biến. Trong khi đó, nhiều hộ dân nuôi tôm theo kiểu quảng canh. Có khi mỗi hộ mỗi ngày chỉ thu được từ 5-7 kg. Kiểm soát các hộ đã khó khăn, đến khâu thương lái cũng có thể xảy ra tình trạng bơm chích tạp chất. Bên cạnh đó, dù DN đã tăng cường máy móc để kiểm soát chất lượng tôm, song chi phí giám sát, kiểm tra tạp chất, kháng sinh trong tôm cũng tương đối cao khoảng hơn 8.000 đồng/kg, làm giảm sức cạnh tranh cho tôm khi XK.

Cá tra lập lờ mua bán

Ngoài tôm, câu chuyện về một trong những mặt hàng thủy sản XK chủ lực khác là cá tra cũng không mấy khả quan. Bao năm nay, mặc dù cá tra Việt Nam gần như ở thế “một mình một chợ”, được các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU ưa chuộng, song lại không thể chủ động trong điều tiết giá cả. Đã có thời điểm, giá XK cá tra ở mức 10 USD/kg, song hiện tại chỉ còn khoảng dưới 3 USD/kg.

Nguồn cơn của “bức tranh” ảm đạm trên, theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam chính là bởi các DN chế biến, XK cá tra không đoàn kết, cạnh tranh thiếu lành mạnh. “Trên thực tế, giá sàn cá tra đã được quy định, song các DN luôn làm ăn theo lối mạnh ai nấy làm. Thậm chí, ngay cả khi tham gia hội chợ quốc tế, vẫn có những DN sẵn sàng bán dưới giá sàn, miễn là kéo được khách”, ông Thắng nói.

Liên quan tới vấn đề này, ông Quang phân tích thêm: DN chế biến, XK cá tra Việt Nam bề ngoài có vẻ vẫn tuân thủ quy định giá sàn, tuy nhiên thực tế lại tìm nhiều cách kể “lách” như “thối lại” tiền cho khách sau giao dịch. Không chỉ cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm ăn chộp giật cũng là nguyên nhân khiến cho ngành cá tra những năm gần đây lao đao. Trước đây, có giai đoạn nuôi cá tra lãi nên ngành này phát triển nóng, người dân đổ xô nuôi, còn DN đổ xô tham gia chế biến, XK. Trong số đó, có không ít DN làm ăn gian đối, dùng thủ đoạn tăng tỷ lệ mạ băng trong cá để tăng trọng lượng cá, làm ảnh hưởng tới chất lượng, từ đó gián tiếp làm giảm uy tín cá tra XK, khiến thị trường “quay lưng”.

Nhà nước và DN cùng vào cuộc

Một số chuyên gia đánh giá, muốn ngành thủy sản nói chung, ngành tôm và ngành cá tra nói riêng thực sự phát triển bền vững, sự vào cuộc tích cực của cả Nhà nước lẫn cộng đồng DN đóng vai trò quyết định.

Đối với ngành cá tra, những điểm yếu trong khâu liên kết giữa các DN cần phải được khắc phục để từng bước củng cố, khẳng định vị trí đáng có của cá tra Việt Nam, thậm chí tiến tới nắm quyền chủ động trong chi phối thị trường cá tra trên thế giới. Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, điều cần thiết là phải phát triển ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý ngành hàng theo chuỗi ở tất cả các khâu như trại giống, vùng nuôi, nhà máy chế biến… Bên cạnh đó, cần đầu tư nghiên cứu giống cá có khả năng kháng bệnh cao, hạn chế sử dụng kháng sinh; xây dựng bản đồ vùng nguyên liệu, cá giống để liên kết thương mại điện tử, phục vụ cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Với mặt hàng tôm, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ và Bộ NN&PTNT cần có các chương trình cụ thể nhằm nâng cao nhận thức cho tất cả các đối tượng như người nuôi, thương lái, cơ sở chế biến về tôm sạch, hướng tới tạo ra nguồn nguyên liệu tôm không kháng sinh, không tạp chất. Quan trọng nhất là làm sao để mọi đối tượng trong chuỗi giá trị đều phải có ý thức trách nhiệm với việc mình làm và được hưởng lợi từ trách nhiệm đó, tránh lặp đi lặp lại cảnh, vì lợi ích trước mắt và tiếp tay dần hủy hoại cả ngành tôm.

Về góc độ này, ông Quang đưa ra đề xuất, Chính phủ cũng như Bộ NN&PTNT phải quy hoạch mỗi vùng trên cả nước có khoảng 2-5 khu nuôi tôm, mỗi khu có diện tích khoảng 1.000-5.000 ha. Ở các khu này sẽ được tạo cơ chế ưu đãi về thuế, vay vốn…, được trang bị đầy đủ nguồn nước sạch, nước đá đạt tiêu chuẩn cho thu hoạch, bảo quản tôm; có đường giao thông thuận tiện để xe tải 10-20 tấn có thể vào được, tạo thuận lợi cho việc chuyên chở sản phẩm… Làm được như vậy, ngành tôm mới có điều kiện để phát triển bài bản, giảm chi phí sản xuất, đồng thời củng cố, nâng cao chất lượng.
 
Nguồn: Báo điện tử Hải Quan
 
Quảng cáo sản phẩm