Xuất khẩu thuỷ sản kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm 2024

01/03/2024 03:48 - 18 lượt xem

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã có những tín hiệu vui ngay từ tháng đầu năm của năm 2024. Trong đó, xuất khẩu 2 mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm và cá tra, basa sẽ phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2023.

Giá trị xuất khẩu tăng gần 70%

Theo Báo cáo của Trung tâm chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ước giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 1 năm 2024 đạt 5,15 tỷ USD, tăng 79,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ước giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 1/2024 đạt 730 triệu USD, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm 2023.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhìn chung, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ cuối năm 2023 đã có tín hiệu phục hồi và nhiều khả năng sẽ tăng trở lại trong năm 2024, đặc biệt trong nửa cuối năm. Trong đó, xuất khẩu 2 mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm và cá tra, basa sẽ phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2023. Dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho thấy, năm 2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng 10 – 15% so với năm 2023, đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm, giá tôm tăng trở lại.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn rất nhiều khó khăn đối với thủy sản Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, năm 2024 sẽ tiếp tục là năm nhiều diễn biến bất thường, nguồn lợi hải sản suy giảm. Tình hình an ninh trật tự trên biển diễn biến phức tạp, khó lường, các nước trong khu vực tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, ngư trường khai thác hải sản của ngư dân ta bị thu hẹp đáng kể.

 

Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giảm chỉ tiêu xuất khẩu thủy sản trong năm 2024 chỉ đạt 9,5 tỷ USD (năm 2023 mục tiêu đạt 10 tỷ USD); tổng sản lượng 9,22 triệu tấn, giữ diện tích nuôi trồng thủy sản là 1,3 triệu hecta.

Lý giải về nguyên nhân điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu, ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, 2024 là năm có nhiều khó khăn, nhất là việc Ủy ban châu Âu (EC) duy trì giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu chưa có dấu hiệu hồi phục, sự cạnh tranh mạnh mẽ của các thị trường và lượng tồn kho của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Đối với nuôi trồng thủy sản, ngoài truy xuất nguồn gốc từ cơ sở nuôi đến nhà máy chế biến và xuất khẩu, cần bảo đảm an toàn thực phẩm, sử dụng đúng và tăng cường sản phẩm vi sinh cho bảo đảm chất lượng.

 

Lợi thế với thị trường Trung Quốc

Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam, ngành hàng tôm cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo đó, tình trạng dư cung trên toàn cầu có thể vẫn tiếp diễn tới ít nhất nửa đầu năm 2024, do sản lượng tôm thế giới sẽ tăng, với mức tăng được dự báo là 4,8% và đạt 5,9 triệu tấn.

 

Bên cạnh đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nước nuôi tôm lớn. Cụ thể, Ecuador và Ấn Độ đang tăng thị phần cả ở Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản. 2 nước này cũng tăng xuất khẩu tôm chế biến dù tỷ trọng còn khiêm tốn. Ngoài ra, ngành tôm còn đối mặt với nỗi lo bị áp thuế chống trợ cấp ở Mỹ, khi nước này đang tiến hành điều tra chống trợ cấp với tôm nhập khẩu từ 4 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

 

Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp ngành tôm đang thực hiện những giải pháp linh hoạt để thích ứng kịp thời và xây dựng các kịch bản cho nhiều tình huống xảy ra. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong nước sẽ tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng và giá trị xuất khẩu theo tháng. Giá bán tôm bình quân có thể duy trì ổn định hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ trong năm 2024 do nhu cầu tiêu dùng phục hồi yếu và phải cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu như Ecuador, Ấn Độ hay Indonesia (giá chiết khấu cao hơn).

 

Đáng chú ý, những căng thẳng trên Biển Đỏ đang gây ra không ít khó khăn trong quá trình vận tải hàng hóa xuất khẩu nói chung và hàng thủy sản nói riêng khi cước vận chuyển tăng cao. Giá bán đến tay người tiêu dùng tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng. Căng thẳng ở Biển Đỏ cũng ảnh hưởng ít nhiều tới xuất khẩu tôm sang Mỹ, EU… Nhưng cũng nhờ đó xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc sẽ có thể phục hồi nhẹ nhờ có thuận lợi về vị trí gần, giảm chi phí logistics so với các đối thủ. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng cần nguồn cung tôm từ Việt Nam khi bị giảm nguồn cung từ Ecuador, do vấn đề an ninh bất ổn tại đất nước Nam Mỹ này và do cả vấn đề vận tải biển khó khăn, chi phí tăng… Do vậy, Trung Quốc sẽ phải bù đắp nguồn cung từ Việt Nam và các nước châu Á khác.

Nguồn: Báo Hải quan

Quảng cáo sản phẩm