Xuất khẩu thủy sản trong năm 2021 sẽ tăng 10%?

25/12/2020 12:00 - 186 lượt xem

Năm 2021 với những yếu tố tích cực từ thị trường cùng với những lợi thế mà Việt Nam sẽ có được thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ đạt trên 9,4 tỷ USD, tăng 10% so với 2020.

Vượt thách thức duy trì xuất khẩu trong năm 2020

Có thể nói, năm 2020 dịch bệnh Covid-19 căng thẳng trên thế giới, nhất là ở những thị trường nhập khẩu trọng điểm của Việt Nam như EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tác động rõ rệt đến thương mại thủy sản của Việt Nam với các nước.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - đánh giá: Do tác động của Covid, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý I và quý II năm nay giảm lần lượt 10% và 7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu giảm sâu nhất vào tháng 3, tháng 5 (giảm lần lượt 48% và 16% so với cùng kỳ năm 2019). Tuy nhiên, từ tháng 7, xuất khẩu bắt đầu hồi phục và tăng trong 3 tháng gần đây (với mức tăng trưởng 10% đến 13%), điều đó cho thấy các công ty thủy sản ở Việt Nam đang thích ứng, vượt qua thách thức và nắm bắt được các cơ hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid vẫn đang bùng phát trên thế giới.

Theo ông Hòe, năm 2020 xuất khẩu thủy sản hồi phục được nhờ con tôm duy trì tăng ổn định và các sản phẩm hải sản cũng có tín hiệu khả quan từ tháng 8/2020. Từ đó đưa tổng xuất khẩu thủy sản đến cuối tháng 11 chạm mức tương đương cùng kỳ năm 2019 là trên 7,8 tỷ USD. Do đó chúng tôi ước tính xuất khẩu thủy sản cả năm 2020 sẽ đạt tương đương năm 2019 là 8,58 tỷ USD.

Các thống kê của VASEP cũng cho thấy, trong top 6 thị trường chính của thủy sản thì chỉ có thị trường Mỹ và Trung Quốc còn duy trì được tăng trưởng dương so với năm 2019. Cụ thể, ở thị trường Mỹ, ước tính cả năm đạt 1,66 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2019 và Trung Quốc ước đạt 1,48 tỷ USD, tăng gần 5% so với 2019. Các thị trường còn lại đều sụt giảm do tác động của Covid làm ảnh hưởng đến nhu cầu thủy sản và hoạt động giao dịch.

Riêng với thị trường EU, dù sụt giảm nhưng đã cho thấy sự bứt phá mạnh kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực kể từ tháng 8/2020. Theo đó, thị trường EU hồi phục mạnh từ tháng 9 với mức tăng 19-30%. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu sang EU đạt 900 triệu USD, giảm 3,8%. Ước tính xuất khẩu sang EU (trừ Anh) trong năm 2020 đạt khoảng 991 triệu USD, giảm 2,5% so với năm 2019.

“EVFTA có hiệu lực đang mang lại những tín hiệu rất tích cực đối với kết quả xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU. Bởi lẽ trong 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU liên tục sụt giảm mạnh, có thời điểm giảm tới 26% do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, từ tháng 8/2020, xuất khẩu có xu hướng tăng rõ rệt so với cùng kỳ năm 2019. Việc này ngoài sự điều chỉnh thích ứng với sự thay đổi nhu cầu thị trường do dịch Covid thì yếu tố chính tác động đến tăng trưởng xuất khẩu sang EU là thuế nhập khẩu giảm” - ông Hòe đánh giá.

Nhiều cơ hội đan xen thách thức trong 2021

Nhìn về những cơ hội của ngành thủy sản trong 2021. VASEP phân tích, năm 2020, thế giới trải qua đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu ước giảm khoảng 3,8%. Theo dự báo của các chuyên gia, kinh tế thế giới có thể sẽ phục hồi với mức tăng khoảng 3,1% vào năm 2021. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế quốc tế, hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu sẽ còn dai dẳng. Tăng trưởng GDP có thể đối mặt với triển vọng ảm đạm trong năm 2022-2023.

Dù vậy, ngành thủy sản vẫn có những cơ hội từ các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định EVFTA, và gần đây nhất là FTA giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA)… Các FTA này đều đang có tác động tốt đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản trong thời gian tới.

Với những yếu tố tích cực từ những cơ hội Việt Nam có thể có và tận dụng được, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2021 sẽ tăng 10% đạt trên 9,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm vẫn có mức tăng trưởng mạnh nhất: tăng 15%, đạt 4,4 tỷ USD, cá tra sẽ hồi phục với mức tăng 5%, đạt khoảng 1,6 tỷ USD, xuất khẩu các mặt hàng hải sản dự báo sẽ tăng 6%, đạt 3,4 tỷ USD.

Trong đó, với mục tiêu đề ra cho xuất khẩu tôm, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta - khẳng định sẽ đạt được bởi năm 2020 con tôm đã đạt được thành quả tốt nhờ thực hiện tốt khâu nuôi trồng, sản xuất chế biến đảm bảo chất lượng.

Còn với ngành cá tra, các chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, nhu cầu có thể tăng trưởng trở lại. BSC đưa ra phân tích, kênh dịch vụ (nhà hàng, khách sạn,…) vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong phân phối thủy sản sẽ tiếp tục hồi phục về mức trước dịch. Thêm vào đó, ảnh hưởng tích cực từ Hiệp định EVFTA trong dài hạn sẽ tạo mức chênh lệch thuế lớn giữa cá tra Việt Nam với các nước đối thủ.

Bên cạnh những thuận lợi, ông Hòe cho biết, ngành thủy sản sẽ phải đối mặt với các rào cản như: Thuế chống bán phá giá tôm và cá tra tại thị trường Mỹ chưa có dấu hiệu chấm dứt trong 5 năm tới; ngoài ra, thẻ vàng IUU chưa được gỡ cũng ít nhiều ảnh hưởng tới xuất khẩu hải sản. Hiện tại dù Chính phủ và các cơ quan quản lý ngành cũng như doanh nghiệp, cộng đồng ngư dân đang rất nỗ lực khắc phục nhưng khó có thể giải quyết nhanh một sớm một chiều; cùng với đó, thị trường Trung Quốc dù có nhu cầu nhập khẩu thủy sản ngày càng tăng, nhưng đồng thời sẽ siết chặt kiểm tra thủy sản nhập khẩu…

Do vậy cộng đồng doanh nghiệp thủy sản sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong việc nâng cao chất lượng thủy sản, kiểm soát tốt nguồn gốc xuất xứ và quy trình sản xuất bền vững, đảo bảo các tiêu chuẩn về lao động, về môi trường và an sinh xã hội… để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra trong 2021.
 
Quảng cáo sản phẩm