Xuất khẩu tôm 7 tháng đầu năm tiếp tục giảm

11/09/2015 12:00 - 987 lượt xem


Nguyên nhân khiến XK tôm giảm trong 7 tháng đầu năm một phần là do trong một thời gian dài đồng tiền Việt Nam bị neo với đô la Mỹ, trong khi đó các đồng tiền khác đã giảm giá, khiến giá tôm Việt Nam không cạnh tranh được với các nước. Bên cạnh đó, giá XK tôm giảm, nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường lớn ảm đạm trong khi nguồn cung tăng nên tôm Việt Nam phải cạnh tranh với các nước trong khu vực châu Á và Nam Mỹ.
XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 7/2015 đạt 50,9 triệu USD – mức cao nhất trong các tháng kể từ đầu năm đến nay tuy nhiên XK trong 7 tháng đầu năm nay đạt 313,6 triệu USD, giảm 51% so với cùng kỳ năm 2014.
Sáu tháng đầu năm nay, NK tôm vào Mỹ đạt 2,7 tỷ USD; giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2014. NK từ tất cả các nhà cung cấp chính đều giảm trừ Ấn Độ tăng 4,4% nhờ có giá XK cạnh tranh. Nhu cầu NK tôm của Mỹ vẫn chưa tăng do lượng tồn kho còn nhiều. Mùa tiêu thụ tôm cho dịp lễ cuối năm ở Mỹ chậm hơn thường lệ và hiện vẫn chưa bắt đầu. Với khả năng kết quả cuối cùng của POR9 thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh NK từ Việt Nam tới đây sẽ thấp, XK tôm Việt Nam sang Mỹ nửa cuối năm nay dự kiến tăng so với nửa đầu năm, nhưng mức tăng không cao.
XK tôm sang Nhật Bản 7 tháng đầu năm nay đạt 309 triệu USD; giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân XK sang Nhật Bản giảm một phần là do đồng yên giảm xuống mức thấp 6 năm trong tháng 9/2014.
Tổng NK tôm vào Nhật Bản từ Việt Nam năm 2014 đạt 223.423 tấn, giảm 15% (tương đương 100.000 tấn) so với 10 năm trước đó. Tuy nhiên, với lợi thế là nhà cung cấp lâu năm cho thị trường Nhật Bản, nếu tôm Việt Nam duy trì được mức giá cạnh tranh, XK tôm sang Nhật Bản sẽ duy trì được đà tăng trưởng vì giá là yếu tố then chốt để duy trì lượng tôm XK sang thị trường này. Giá tôm tính theo yên dự kiến tăng thêm 10% trước khi mùa tiêu thụ tôm cuối năm diễn ra.
XK tôm sang EU trong 7 tháng đầu năm 2015 đạt 298 triệu USD, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2014. Anh là thị trường có mức tăng trưởng NK tôm từ Việt Nam cao nhất trong khối với 38,4%.
Tôm chân trắng nuôi cỡ 100/200 đang ngày càng là lựa chọn an toàn cho các nhà NK châu Âu do họ muốn thay thế tôm nước lạnh. Vì giá tôm nước lạnh tăng, Anh là thị trường đầu tiên đang tìm cách thay thế mặt hàng này bằng tôm chân trắng cỡ nhỏ. Mặt hàng này được sử dụng trong bánh sandwich ở Anh, salad ở Đức. Các thị trường Đức, Thụy Sỹ, Anh cũng đang có nhu cầu cao đối với tôm sú.
Việt Nam có lợi thế về các sản phẩm giá trị gia tăng. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tăng thị phần trong mảng tôm hấp, tôm ăn liền và thực phẩm được ăn trực tiếp bằng tay (Finger Food) ở châu Âu.
Mới đây, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á-Âu. Theo đó, thuế XK thủy sản sẽ được giảm ngay về 0% từ mức 5,63% hiện nay ngay sau khi FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu có hiệu lực. Đây cũng là một tín  hiệu đáng mừng đối với các DN XK tôm của Việt Nam sang thị trường EU.
Trong 7 tháng đầu năm nay, diện tích và sản lượng tôm sú và chân trắng lần lượt giảm 3,7% và 11,6% do dịch bệnh, nắng nóng, xâm nhập mặn trong khi kết quả XK cũng không mấy khả quan do những biến động thị trường. Diễn biến tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ với euro và yên Nhật còn rất khó lường trong bối cảnh Fed vẫn chưa chính thức tăng lãi suất sẽ tiếp tục là rủi ro đối với các DN XK tôm.
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký ban hành Chỉ thị số 6621/CT-BNN-TY ngày 14/8/2015 về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ với sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
Để ứng phó với biến động tỷ giá, tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ từ đầu năm đến nay đã được tăng thêm 2% và dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ không có thêm đợt điều chỉnh nào nữa. Động thái này của Ngân hàng Nhà nước phần nào giúp hỗ trợ XK thủy sản, trong đó có tôm trước thực tế khó khăn hiện tại.
Ngoài ra, do các thị trường ngày càng đòi hỏi những sản phẩm chế biến gia tăng, trong khi năng lực chế biến của Việt Nam tốt hơn các nước trong khu vực nên đây cũng là một lợi thế mà các DN XK tôm nên tận dụng để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm mới. Bên cạnh đó, việc thâm nhập các thị trường mới như Trung Quốc thay cho các thị trường truyền thống (Mỹ, EU) cũng rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Quảng cáo sản phẩm