Xuất khẩu tôm sang Australia:“Vướng” nhiều rào cản
13/01/2015 12:00
Nhu cầu lớn nên Australia trở thành một trong những thị trường đầy tiềm năng cho xuất khẩu tôm Việt Nam. Tuy nhiên, rào cản từ những quy định khắt khe đã khiến con tôm Việt không dễ vào thị trường này.
Hiện nay, các quy định nghiêm ngặt của Australia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật đang được sử dụng như một hàng rào kỹ thuật đối với các nước xuất khẩu thủy sản vào thị trường này, đặc biệt đối với sản phẩm tôm tươi đông lạnh - thế mạnh của Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Indonesia.
Mỗi năm, Australia có nhu cầu nhập khẩu khoảng 200.000 tấn thủy sản, trị giá hơn 1 tỷ USD. Các loại thủy sản Việt Nam được thị trường Australia ưa chuộng nhất là tôm, cá chẽm, cá basa…. Năm 2014, xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Australia đạt trên 231 triệu USD, tăng khoảng 24% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, tôm là mặt hàng chiếm trên 60% tổng lượng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này và liên tục tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Hiện Việt Nam đứng thứ hai về xuất khẩu tôm sang Australia, chỉ sau Trung Quốc.
Bà Nguyễn Hoàng Thúy - Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, trong mấy năm qua, Chính phủ Australia vì bảo vệ việc nuôi tôm trong nước đã dựng nên hàng rào kỹ thuật là kiểm tra virus đốm trắng (White spot) và đầu vàng (Yellow head) trong tôm tươi của Việt Nam xuất sang Australia, nếu kết quả dương tính sẽ không được nhập vào Australia. Một khó khăn nữa là các phòng lab của Australia kiểm tra virus theo phương pháp Real-time PCR, tức là kiểm AND của virus, khi đó thì virus cho dù đã chết, chỉ còn lại xác vẫn bị coi là dương tính và bị trả hàng về.
“Phương pháp này rất ít phòng lab ở Việt Nam có thể phát hiện được. Do vậy, doanh nghiệp không biết làm thế nào để có thể xuất được tôm tươi đông lạnh vào Australia, nên chỉ có thể xuất tôm đã luộc chín, hoặc tôm tẩm bột, tẩm gia vị mặc dù nhu cầu đối với mặt hàng này thấp hơn nhiều so với tôm tươi” - bà Thúy cho hay.
Để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản nói chung và mặt hàng tôm nói riêng sang Australia, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đang kiến nghị với cơ quan hữu quan Australia xem xét bỏ việc kiểm tra các loại virus trên đối với tôm Việt Nam, vì điều này không đe dọa dịch bệnh cho ngành nuôi tôm nội địa do sản lượng tôm nuôi tại Australia rất ít. Ngoài ra, trong khi chờ xem xét dỡ bỏ việc kiểm dịch nêu trên, VASEP cũng kiến nghị nên có thỏa thuận song phương giữa Australia và Việt Nam về thống nhất phương pháp kiểm virus để tháo rào cản cho doanh nghiệp Việt.
Thương vụ Việt Nam tại Australia: “Tôm nuôi tại Australia thường rất đắt nhưng được ưa chuộng vì tươi và người Australia thích mua hàng thực phẩm trong nước vì uy tín thương hiệu. Mặc dù vậy, ngày càng có nhiều người tiêu dùng chọn tôm đông lạnh nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam do giá thành thấp hơn và chất lượng ngày càng được cải thiện. Việt Nam đang là nước sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới, trong khi người tiêu dùng Australia lại khá ưa chuộng tôm sú to. Vì vậy, tiềm năng xuất khẩu tôm sú sang Australia là rất lớn”.
Nguồn: Báo Công Thương
Các tin khác
- Tổng thống Trump: Hoa Kỳ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (05/07/2025)
- Vương quốc Anh thông báo kết luận rà soát biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm thép nhập khẩu (04/07/2025)
- Hiểu thế nào về mức thuế đối ứng 20% Mỹ áp cho Việt Nam? (04/07/2025)
- Chờ lối đi ‘sắc bén’ hơn cho xuất khẩu trước thỏa thuận thuế quan mới (04/07/2025)
- Tăng trưởng xuất khẩu thủy sản chậm lại, đối mặt nhiều rủi ro từ chính sách thuế của Hoa Kỳ (04/07/2025)