Xuất siêu chưa vội mừng, xuất khẩu đối mặt với rủi ro tiềm tàng

27/01/2021 12:00 - 113 lượt xem

Khép lại một năm 2020 xuất siêu đầy ấn tượng, song cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn giới chuyên gia đều cho rằng không nên quá vui mừng. Mấu chốt trong năm 2021 cũng như cả thời gian xa hơn là phải nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại để kịp thời khắc phục, thúc đẩy XK hàng hóa mạnh mẽ, bền vững hơn.

Nhiều hạn chế, khó khăn

Năm 2020, Việt Nam đạt kết quả xuất siêu đầy ấn tượng trên 19 tỷ USD. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí mới đây về câu chuyện xuất siêu này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, mặc dù hoạt động XK đạt được nhiều kết quả khả quan, song cũng không thể vội mừng, vì "trong cơ luôn có nguy và trong nguy cũng luôn có cơ".

Ở bối cảnh hiện tại, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng quan trọng là cần nhìn nhận một số hạn chế khó khăn để chung tay tháo gỡ trong thời gian tới. Một số ngành trong nhiều năm là động lực tăng trưởng XK như sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, đặc biệt là điện thoại di động đã không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như giai đoạn trước.

Ngoài ra, các nước ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, bảo hộ sản xuất trong nước. Hàng hóa XK của Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn do nhiều nước chuyển sang áp dụng các hình thức mới thay vì áp dụng các hàng rào kỹ thuật như áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại...

Đáng chú ý, người đứng đầu ngành Công Thương đánh giá, việc đàm phán, ký kết các FTA đã mang lại nhiều thuận lợi, tuy nhiên, năng lực cạnh tranh, hoạt động thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chưa có sự cải thiện rõ rệt để tận dụng tối đa lợi ích mang lại. "Vẫn còn nhiều DN chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến mẫu mã sản phẩm, phương thức marketing trong thương mại quốc tế cũng như chưa chủ động kết nối với các DN trong nước và các DN có vốn đầu tư nước ngoài để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, XK vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) đã không ít lần khẳng định xuất siêu ấn tượng của Việt Nam đáng vui mừng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều lo ngại. Điển hình như, Việt Nam xuất siêu cao chủ yếu do DN FDI. Nhiều năm nay, DN FDI xuất siêu cao, DN nội địa nhập siêu lớn. Hiệu của 2 bên là xuất siêu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam xuất siêu vào rất nhiều thị trường có khả năng khiến hàng Việt bị cảnh báo, hạn chế.

Tăng tốc thúc đẩy xuất khẩu

Theo Bộ Công Thương, bước sang năm 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được khắc phục hoàn toàn trong ngắn hạn. Các hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục được thực hiện trong trạng thái “bình thường mới”. XK năm 2021 vẫn tiếp tục đối mặt với những rủi ro tiềm tàng.

Tuy nhiên, sang năm 2021, XK của Việt Nam có những cơ sở để tin tưởng vào một kết quả tích cực. Các FTA thế hệ mới Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam-EU (EVFTA) đã trải qua giai đoạn thực thi ban đầu, với ưu đãi về thuế quan và các điều kiện tiếp cận thị trường mở ra cơ hội đẩy mạnh XK các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế sang thị trường các nước thành viên. "Đặc biệt, nếu tình hình dịch bệnh ở châu Âu khả quan hơn nhờ hiệu quả của việc sử dụng vắc xin trong tiêm chủng phổ thông thì cơ hội này càng trở nên rõ rệt", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Ngoài ra, năm 2021 cũng kỳ vọng sự dịch chuyển luồng đầu tư của các DN FDI từ các nước trong khu vực sang Việt Nam, định vị lại chuỗi cung ứng cũng như tận dụng các ưu đãi mang lại từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Một trong những giải pháp điển hình nhằm thúc đẩy XNK năm nay được Bộ Công Thương nhắc tới là củng cố và mở rộng thị trường XK, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết; đa dạng hóa thị trường XNK, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách; đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm XK, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm XK, phát triển thương hiệu...

"Tư lệnh" ngành Công Thương nhấn mạnh, thời gian tới Bộ Công Thương bên cạnh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên cũng thông qua hệ thống Thương vụ, cơ quan đại diện thương mại tại nước ngoài tiếp tục theo sát diễn biến tình hình thị trường, đặc biệt là tình hình phòng chống dịch Covid-19 ở các thị trường đối tác lớn, quan trọng của Việt Nam để kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động triển khai các biện pháp để tận dụng cơ hội thị trường, giảm thiểu khó khăn, tác động bất lợi đối với hoạt động XNK của Việt Nam.
 
Quảng cáo sản phẩm