Xung quanh chuyện xuất gạo sang Nhật
04/02/2013 12:00
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng chỉ xuất sang Nhật được 20 triệu USD, chiếm khoảng 3% kim ngạch nhập gạo của Nhật Bản, không tương xứng với quan hệ kinh tế- thương mại giữa hai nước.Sống và làm việc ở Nhật, ai cũng biết câu chuyện người Nhật phát minh ra mì ăn liền.
Sau Thế chiến thứ hai, đất nước bị tàn phá nặng nề, dân Nhật quen ăn cơm nhưng thiếu gạo. Nhật nhận được viện trợ bột mì từ phương tây. Để có thể dùng mì thay lương thực gạo, họ tìm cách chế biến mì thành những món ăn hằng ngày, không chịu ăn mì luộc hay “bánh nắp hầm” như ở Việt Nam năm nào. Và, người Nhật đã làm ra mì ăn liền. Ngày nay, thế giới tiêu thụ hàng tỷ gói mì ăn liền hằng năm. Đây có lẽ là bài học biết tận dụng những gì mình đang có!
Nông nghiệp Nhật dần được khôi phục, sản xuất đủ gạo ăn cho 125 triệu dân. Các chính phủ Nhật Bản luôn chủ trương giữ chính sách sản xuất gạo đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Công nghiệp phát triển “thần kỳ” trong những năm 60- 70 thế kỷ trước, thanh niên nông thôn gia nhập lực lượng lao động công nghiệp ồ ạt, mặc dù kỹ thuật canh tác nông nghiệp phát triển tiên tiến, chất lượng và năng suất cao, nhưng gạo sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu, chế biến thực phẩm và làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi.
Cơ cấu GDP từ nông nghiệp của Nhật Bản đã giảm dần từ 13% năm 1961 xuống còn 1% như hiện nay. Dù bảo hộ cao ngành nông nghiệp lúa gạo, nhưng Nhật Bản hiện nay càng ngày càng có xu hướng nhập khẩu gạo từ nước ngoài. Kim ngạch nhập khẩu gạo của Nhật có thể tăng 11 lần nếu dỡ bỏ thuế nhập khẩu gạo theo các thỏa thuận thương mại tự do như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam và Nhật cùng tham gia. Năm 2012, Nhật Bản phải nhập 520 triệu USD gạo từ Mỹ, Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam.
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng chỉ xuất sang Nhật được 20 triệu USD, chiếm khoảng 3% kim ngạch nhập gạo của Nhật Bản, không tương xứng với quan hệ kinh tế- thương mại giữa hai nước. Tuy vậy, sự khởi đầu này cũng đáng mừng, vì sau nhiều năm, gạo Việt Nam đã quay trở lại thị trường Nhật, do vướng mắc lớn nhất là Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản rất nghiêm ngặt.
Chúng ta không thể chỉ chờ Nhật Bản xem xét nới lỏng quy chế vệ sinh an toàn thực phẩm khi nhập khẩu hàng hóa vào Nhật, mà cả hai bên cùng phải quan tâm tháo gỡ bằng việc triển khai các chương trình hợp tác kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa và chấp nhận kết quả kiểm nghiệm của nhau. Đây là cách làm hiệu quả đáp ứng các tiêu chí an toàn thực phẩm. Một số trung tâm chiếu xạ đã được cả hai bên sử dụng chiếu xạ cho quả thanh long có thể coi là mô hình tốt để đáp ứng các tiêu chí an toàn thực phẩm, vấn đề mấu chốt để gạo nói riêng, nông sản, thủy sản Việt Nam nói chung, tăng nhanh vào thị trường Nhật Bản.
Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cũng phải lưu tâm nâng cao chất lượng gạo bằng giống gạo ngon, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu chất lượng cao dành riêng xuất khẩu những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc có thể xuất khẩu chế phẩm từ gạo như tinh bột hay bánh quy bột, vì người Nhật quen dùng, tìm các đối tác Nhật Bản trực tiếp phân phối vào hệ thống bán lẻ của họ.
Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết nhiều thỏa thuận kinh tế quan trọng, đặc biệt là những hiệp định đã ký giữa hai nước trong chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cuối năm 2011 tại Nhật Bản. Đây là những thuận lợi cho hợp tác thương mại Việt- Nhật, tăng xuất khẩu nông sản Việt Nam sang nước này. |
Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn
Các tin khác
- Mỹ áp thuế 50% lên đồng nhập khẩu, cảnh báo tăng thuế 200% cho dược phẩm (09/07/2025)
- Mỹ: Nhập khẩu hàng hóa theo container đường biển từ Trung Quốc tiếp tục giảm (09/07/2025)
- Hàn Quốc đề nghị Mỹ giảm thuế với ôtô, thép và các mặt hàng xuất khẩu chủ lực (09/07/2025)
- Ông Trump sẽ gửi đợt thư thông báo thuế đầu tiên cho các nước vào tối nay (08/07/2025)
- Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, tăng trưởng 14,4% trong 6 tháng đầu năm (07/07/2025)