ASEAN và hành lang kinh tế Nam Trung Quốc

09/02/2011 12:00 - 913 lượt xem

Khối ASEAN muốn đẩy mạnh kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực tiếp giáp với phía Nam Trung Quốc nhằm thúc đẩy đầu tư, mậu dịch và du lịch.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vừa có chuyến khảo sát hành lang mậu dịch giữa khối này và Nam Trung Quốc, đi qua Lào, Myanmar và Thái Lan.

Kế hoạch tổng thể gắn kết kinh tế ASEAN với kinh tế Trung Quốc tạo ra một thị trường có tổng GDP hơn 6 nghìn tỷ USD và gần 2 tỷ người tiêu dung. Kế hoạch này bao gồm các dự án phần cứng và phần mềm. Phần cứng là cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, nhà ga, sân bay, cảng biển, hệ thống đường hỏa xa. Phần mềm là các thủ tục thông quan, di trú, kiểm dịch tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông.

Liên kết kinh tế có mục đích đẩy mạnh giao thương, dựa trên các thủ tục nhanh gọn, tiện lợi nối ASEAN với miền Nam Trung Quốc - qua đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không.

Theo ông Nirmal Ghost, phóng viên thường trú tại Bangkok của báo Straits Times, ASEAN cần giữ vai trò cầu nối giữa hai thị trường lớn nhất châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc; cần khôn ngoan để thu lợi từ hai thị trường có tiềm năng đầu tư vô cùng to lớn này.

Về chuyến đi khảo sát nói trên, phóng viên Nirmal Ghost nói: “Chuyến đi thực địa của các vị ngoại trưởng ASEAN có thể coi là nỗ lực nhằm mở rộng các vùng chưa được khai phá như Bắc Lào. Vùng này cho đến nay vẫn chưa tiếp cận với kinh tế thị trường. Lợi ích chung là tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông, thúc đẩy dòng chảy đầu tư, dòng người qua lại. Phát triển như vậy cũng có nghĩa là tạo cầu nối đưa hàng vào các tỉnh phía Nam Trung Quốc, một trong những thị trường lớn nhất thế giới”.

Ông Nirmal Ghost cho rằng tự coi mình là cầu nối giữa Nam Á và Trung Quốc, ASEAN cần khôn ngoan để thu lợi từ hai thị trường có tiềm năng đầu tư vô cùng lớn. ASEAN cần có chiến lược lợi dụng hai “công xưởng sản xuất, hai thị trường hàng đầu thế giới”, cần nắm bắt cơ hội kiến tạo thị trường, tạo nhân tố thúc đẩy dự án trong lĩnh vực dịch vụ. Các chiến lược gia kinh tế coi đây là cơ hội không thể trì hoãn, đặc biệt là đối với một số vùng nằm sâu trong đất liền, thiếu cơ hội phát triển trong nhiều chục năm qua, nay cần phải mở cửa.

Về việc Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yeo nêu ra một số khó khăn trong việc đồng bộ hóa thủ tục hải quan, kiểm dịch, di trú giữa các thành viên ASEAN và  coi đây là những trở ngại hàng đầu cần được dỡ bỏ, phóng viên Nirmal Ghost cho rằng “cần có thời gian để giải quyết những trở ngại này”.  Theo ông, Myanmar, Ấn Độ, Trung Quốc sẽ cần khá nhiều thời gian để đồng bộ hóa thủ tục. Các nước này có nhiều trạm kiểm soát biên giới, nhiều câu hỏi trên tờ khai và đây là thách thức không nhỏ. Xây dựng đường sá thì nhanh, nhưng thông suốt về thủ tục lại cần nhiều thời gian hơn.

Các bộ trưởng tham dự chuyến khảo sát sẽ báo cáo cho chính phủ nước họ, tìm giải pháp đối với thông quan cửa khẩu, tờ khai hải quan, câu hỏi về thuế khóa, để hàng hóa, con người qua lại một cách tiện lợi nhất, giống như biên giới giữa các nước trong Liên minh châu Âu hiện nay.

Nguồn: http://vietbao.vn

 

Quảng cáo sản phẩm