Bộ Thương Mại Hoa Kỳ đề xuất thay đổi quy định liên quan tới điều tra chống bán phá giá
24/01/2011 12:00
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đang trưng cầu ý kiến về 02 đề xuất thay đổi quy định liên quan tới quy trình điều tra chống bán phá giá có ảnh hưởng tới cả các công ty trong và ngoài Hoa Kỳ. Đề xuất thứ nhất thay đổi cách thức lựa chọn “nhóm các bị đơn bắt buộc” trong các cuộc điều tra chống bán phá giá và rà soát hàng năm, đề xuất này sẽ tăng khả năng các nhà xuất khẩu nhỏ cũng được lựa chọn là bị đơn. Đề xuất thứ hai chỉ liên quan tới các các nhà xuất khẩu của nước có nền kinh tế phi thị trường như Trung Quốc và Việt Nam, đó là yêu cầu các nhà xuất khẩu cung cấp nhiều thông tin hơn để chứng minh không chịu sự kiểm soát của chính phủ. Cả 2 đề xuất này đều dẫn đến khả năng thuế chống bán phá giá cao hơn.
Mặc dù việc trưng cầu ý kiến mới được tiến hành ngày 16/12/2010, thực tế các đề xuất thay đổi này đã được đưa ra từ đầu năm, như một phần thực hiện “ Sáng kiến Xuất khẩu Quốc gia” của chính quyền Obama. Theo một thông báo của chính phủ hồi tháng 8 vừa qua, hai đề xuất thay đổi này cùng với hàng loạt thay đổi khác nhằm mục tiêu “thúc đẩy thương mại và duy trì tính cạnh tranh cho các công ty của Hoa Kỳ”.
Thay đổi cách chọn mẫu bị đơn bắt buộc – Tăng số lượng các công ty bị kiện
Đề xuất đầu tiên sẽ mở rộng phạm vi chọn mẫu bị đơn bắt buộc trong các cuộc điều tra chống bán phá giá và rà soát, theo đó thay vì chỉ lựa chọn các công ty lớn nhất, Bộ Thương mại được chỉ định điều tra “hầu như toàn bộ các công ty bị kiện”. Quy định Pháp luật hiện hành về phương pháp chọn mẫu lại hoàn toàn khác. Phương pháp chọn mẫu khá quan trọng vì không phải tất cả các công ty xuất khẩu sản phẩm bị kiện đều tham gia vào quá trình điều tra và rà soát thực tế. Có rất nhiều bị đơn trong một vụ kiện, tuy nhiên nguồn lực của DOC có hạn, do đó thông thường DOC chỉ lựa chọn từ 2 đến 4 bị đơn bắt buộc trong điều tra thực tế. Việc lựa chọn bị đơn bắt buộc như thế nào sẽ quyết định tới kết quả quá trình điều tra, hay thuế chống bán phá giá. Mức thuế suất này sẽ áp dụng cho những nhà xuất khẩu còn lại.
DOC có quyền lựa chọn điều tra một mẫu bao gồm các nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc sản phẩm với điều kiện mẫu này “hợp lệ về mặt số liệu” dựa trên nguồn thông tin mà Bộ có được tại thời điểm lựa chọn. Theo phương pháp lấy mẫu mới được đề xuất, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ sẽ chọn mẫu dựa trên các tiêu chí sau: (1) ngẫu nhiên, (2) phân tầng (theo lượng nhập khẩu vào Hoa Kỳ) và (3) tương ứng với quy mô (phương pháp PPS). DOC lý giải việc lấy mẫu ngẫu nhiên đảm bảo rằng toàn bộ các công ty bị kiện có khả năng được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc như nhau, chọn mẫu phân tầng theo lượng nhập khẩu đảm bảo mẫu được chọn bao gồm các công ty có các mức kim ngạch nhập khẩu vào Hoa Kỳ khác nhau và phương pháp PPS đảm bảo khả năng mỗi công ty được lựa chọn tương ứng với tỷ trọng hàng nhập khẩu của công ty đó trong tổng kim ngạch nhập khẩu vào Hoa Kỳ.
Để sử dụng phương pháp lấy mẫu PPS có tiêu chí, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ phải (1) phân loại các công ty theo kim ngạch nhập khẩu, (2) phân loại các công ty theo từng nhóm có kim ngạch nhập khẩu xấp xỉ nhau, (3) lựa chọn 1 công ty mẫu từ mỗi nhóm. DOC dự kiến sẽ chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu. Do vậy, nếu một công ty kim ngạch nhập khẩu hơn 33% tổng kim ngạch, nó sẽ chiếm nguyên một nhóm và các công ty khác sẽ được xếp vào 2 nhóm còn lại và lựa chọn thêm 2 bị đơn bắt buộc từ 2 nhóm này.
Tuy nhiên, trường hợp các cuộc điều tra và rà soát đối với các công ty thuộc quốc gia có nền kinh tế phi thị trường (NME), các công ty thuộc kiểm soát của nhà nước sẽ không được lựa chọn làm mẫu. Bởi vậy, trong trường hợp này, DOC sẽ chỉ lựa chọn các công ty có đệ trình chứng minh không bị chính phủ kiểm soát và yêu cầu được hưởng “thuế suất riêng biệt”.
Ngoài ra, DOC nêu rõ sau khi tiến hành điều tra hoặc rà soát đối với nhóm bị đơn mẫu, Bộ sẽ áp thuế cho các công ty bị kiện còn lại dựa trên “thuế suất lựa chọn” là bình quân gia quyền của các mức thuế tính cho các bị đơn bắt buộc với trọng số là tỷ trọng nhập khẩu.
Theo đề xuất mới này, DOC sẽ tiếp tục lựa chọn bị đơn là các doanh nghiệp lớn nhất nếu (1) DOC quyết định lựa chọn ít hơn 3 doanh nghiệp mẫu do thiếu nguồn lực, (2) các công ty này chiếm ít nhất 75% tổng kim ngạch nhập khẩu, hoặc (3) kết quả điều tra các công ty này có thể đại diện cho toàn bộ các công ty bị kiện khác.
Bộ Thương Mại Hoa Kỳ nhận định đề xuất thay đổi việc chỉ lựa chọn các công ty lớn nhất sang lựa chọn một nhóm công ty mẫu sẽ giúp nhóm bị đơn bắt buộc đa dạng về thành phần hơn. Các nhà xuất khẩu nhỏ và trung bình trước đây chưa từng được lựa chọn sẽ phải đối mặt với khả năng trở thành bị đơn bắt buộc trong vụ kiện. Đồng thời, đề xuất thay đổi này có thể sẽ loại trừ những công ty lớn hơn trước đây đã từng là bị đơn và có động lực hợp tác nhất với Bộ Thương Mại. Ngược lại, sửa đổi này có thể dẫn tới lựa chọn các bị đơn bắt buộc là các công ty nhỏ và do đó nguồn lực tài chính và nhân sự không đáp ứng được gánh nặng tham gia vụ việc.
Bộ Thương Mại Hoa Kỳ trưng cầu ý kiến về đề xuất thay đổi phương pháp chọn mẫu bao gồm (1) cách giải quyết tình huống khi cần thiết phải thay thế một bị đơn (ví dụ do bị đơn không tham gia quá trình điều tra hoặc không đáp ứng đủ tiêu chuẩn), (2) cách ứng xử với các bị đơn tình nguyện và (3) cách sử dụng các thông tin sẵn có trái chiều, mức thuế tối thiểu và mức thuế chống bán phá giá bằng 0 khi tính toán mức thuế mẫu.
Bổ sung tiêu chí xem xét cho doanh nghiệp hưởng mức thuế riêng biệt đối với các nước có nền kinh tế phi thị trường - Ít doanh nghiệp xuất khẩu đạt chuẩn
Trong điều tra chống bán phá giá, việc định giá sản phẩm sản xuất và xuất khẩu từ các nước có nền kinh tế phi thị trường như Trung Quốc và Việt Nam được coi là chịu sự kiểm soát của chính phủ. Bởi vậy, thuế chống bán phá giá toàn quốc đối với các sản phẩm xuất khẩu từ các nước này được xác định theo cách thức riêng đối với các nước NME, trừ phi các doanh nghiệp xuất khẩu chứng minh không chịu sự kiểm soát của chính phủ để được hưởng mức thuế riêng biệt.
Để được hưởng mức thuế suất riêng biệt này, doanh nghiệp phải chứng minh hoạt động kinh doanh và xuất khẩu không chịu sự kiểm soát chính thức và không chính thức từ chính phủ. Các tiêu chí xem xét hiện tại bao gồm:
• Liệu giá xuất khẩu có được xác định dựa trên phê duyệt của cơ quan nhà nước không;
• Liệu bị đơn có quyền thương lượng và ký hợp đồng và các thỏa thuận khác không;
• Liệu bị đơn có quyền tự chủ trong việc đưa ra quyết định lựa chọn đội ngũ quản lý và
• Liệu bị đơn có quyền tự quyết hoạt động xuất khẩu và sử dụng lợi nhuận hoặc bù lỗ.
DOC dự định bổ sung các tiêu chí trong cách đánh giá vấn đề kiểm soát không chính thức của chính phủ. Bởi vậy, các doanh nghiệp muốn hưởng mức thuế riêng biệt phải đáp ứng nhiều tiêu chí hơn ngoài việc chứng minh không chịu sự kiểm soát của nhà nước về hoạt động xuất khẩu. Dù tiêu chí mới như thế nào, việc bổ sung tiêu chí xem xét có thể gây khó khăn hơn cho các bị đơn và kết quả là, nhiều bị đơn phải chịu mức thuế đối với các nước có nền kinh tế phi thị trường.
Nếu DOC bổ sung thêm tiêu chí mới ngoài tiêu chí kiểm soát trực tiếp của chính phủ, DOC cần bổ sung danh sách các câu hỏi hiện tại cho các công ty muốn được áp mức thuế riêng biệt, xem xét thêm các tài liệu khác và xây dựng qui trình mới nhằm xác minh tính xác thực của thông tin. DOC trước đây đã chỉ ra rằng việc xử lý các đơn xin áp dụng mức thuế riêng biệt có thể sẽ là một gánh nặng đối với cơ quan hữu quan, đặc biệt trong vụ kiện chống bán phá giá vốn đã bao gồm rất nhiều thủ tục. Khối lượng thông tin DOC yêu cầu vốn đã rất nhiều và phải được hoàn tất trong thời gian gấp gáp và cứng nhắc, do vậy sẽ có nhiều công ty không thỏa mãn với đề xuất mới này.
Bộ Thương Mại Hoa Kỳ trưng cầu ý kiến bao gồm các tiêu chí nên kiểm tra, các câu hỏi nên đưa ra, các tài liệu nên xem xét và qui trình chứng thực.
Cả hai đề xuất thay đổi này đều không đòi hỏi sửa đổi qui định hiện tại của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ mà có thể sẽ được thực hiện thông qua biện pháp hành chính. Dù vậy, DOC vẫn đang thực hiện trưng cầu ý kiến trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Các công ty hiện hoặc sẽ liên quan tới các vụ kiện chống bán phá giá nên bày tỏ quan điểm của mình để DOC biết. Thời hạn cho việc đóng góp ý kiến này là ngày 31/01/2011.
Ngọc Hường dịch
Nguồn: Sidley Austin LLP
Các tin khác
- Ai Cập tiếp nhận Hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng lốp xe ô-tô tải và xe buýt có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam (07/05/2025)
- Bộ Công Thương tổ chức phiên tham vấn công khai vụ việc ĐTADCBPG đối với sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc (05/05/2025)
- Bộ Công Thương ban hành QĐSĐBS QĐ ADTCBPG tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc (05/05/2025)
- Bộ Công Thương ban hành QĐSĐBS QĐADTCBPG tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (05/05/2025)
- Hàn Quốc ban hành kết luận cuối cùng về ĐTCBPG giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam (05/05/2025)