Các nhà sản xuất bột mì của Indonesia nộp đơn khởi kiện chống bán phá giá lên Ủy ban chống bán phá giá Indonesia

22/06/2012 10:04 - 837 lượt xem

Các nhà sản xuất bột mì của Indonesia sẽ nộp đơn khởi kiện mới lên Ủy ban chống bán phá giá Indonesia (KADI) để điều tra việc các công ty lúa mì của nước ngoài bán phá giá tại thị trường trong nước.

Đơn khởi kiện này được đưa ra sau khi hiệp hội đã quyết định rút lại hồ sơ - nộp tháng 1 năm 2012 - về việc Bộ Tài chính không áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng bột mì nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ, theo khuyến nghị của Bộ Thương mại.

Ngày 01 tháng 6 năm 2012, Bà Ratna Sari Loppies - Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà máy sản xuất bột mì Indonesia cho biết hiệp hội hi vọng các cơ quan chông bán phá giá sẽ điều tra việc nhập khẩu mặt hàng lúa mì từ các nước như Australia, Sri Lanka, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bán phá giá một số lượng lớn bột mì tại thị trường Indonesia khiến cho các nhà sản xuất trong nước nhất là các công ty mới thành lập rất khó để cạnh tranh.

Bà Ratna từ chối cho biết chi tiết của đơn kiện và thời gian nộp đơn kiện lên cơ quan chống bán phá giá, nhưng cho biết rằng hiệp hội sẽ gửi đơn kiện ngay lập tức.

Vụ kiện bắt đầu khởi xướng từ năm 2008 khi ba nhà sản xuất trong nước – PT Eastern Pearl FM, PT Sriboga và PR Panganmas – chiếm 25,3% thị phần nội địa, đã nộp đơn đến Ủy ban chống bán phá giá Indonesia (KADI), yêu cầu điều tra hành vi bán phá giá bởi một số quốc gia bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ.

Kết thúc vụ việc điều tra trong năm 2009, KADI cho biết các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đã bán phá giá sản phẩm bột mì trên thị trường Indonesia. Theo điều tra, Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất khẩu bột mì sang Indonesia với giá thấp hơn từ 18,69 đến 21,99% so với mức giá của thị trường trong nước.

Dựa vào kết quả điều tra, Bộ Thương mại đề nghị Bộ Tài Chính áp thuế chống bán phá giá để đối phó với hành vi này.

Tuy nhiên, ngày 11 tháng 7 năm 2011, thư ký chính phủ Dipo Alam yêu cầu Bộ Tài chính trì hoãn việc áp thuế chống bán phá giá theo yêu cầu của một thỏa thuận song phương giữa Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc không áp dụng thuế chống bán phá giá có thể làm mất 69,12 tỷ Rp (tương đương với 7.4 triệu USD) cho ngân quỹ nhà nước thu được từ thuế bổ sung.

Ông Bachrul Chairi – Chủ tịch KADI cho biết Hiệp hội các nhà máy sản xuất bột mì Indonesia có thể nộp đơn khởi kiện mới, tuy nhiên ủy ban sẽ tiến hành 1 cuộc điều tra mới.

Ông cũng cho biết thêm “Khi Bộ Thương mại kết thúc vụ việc, thì các dữ liệu trong quá khứ không còn hiệu lực, vì vậy chúng tôi phải tiến hành cuộc điều tra mới theo đơn khởi kiện.

Gần đây Bộ Thương mại đã thông báo lên WTO về việc chấm dứt vụ kiện bán phá giá để thực hiện theo các quy định của các cơ quan quản lý thương mại thế giới.

Nguồn: Cục quản lý cạnh tranh

Quảng cáo sản phẩm