Các nước xuất khẩu tôm phản ứng mạnh vụ kiện chống trợ cấp tôm

23/01/2013 05:18 - 820 lượt xem

Ngày 28/12/2012, Liên minh khai thác tôm Mỹ (COGSI) đã đệ đơn yêu cầu áp thuế chống trợ cấp đối với tôm từ 7 nước Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Theo đó, Chính phủ nhiều nước hiện đang có những phản ứng mạnh trước vụ kiện này. 
 
COGSI khởi kiện 
 
Mặc dù có hơn 120 nước xuất khẩu tôm và sản phẩm tôm sang thị trường Mỹ, nhưng nguyên đơn chỉ kiện 7 nước bởi theo tính toán của họ, trong năm 2011, 7 nước này đã xuất khẩu tôm vào Mỹ với giá trị đạt 4,3 tỉ đô la Mỹ, chiếm 85% tổng nhập khẩu tôm của Mỹ và chiếm hơn 3/4 về thị phần tại Mỹ. 
 
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ tháng 11/2011 đến tháng 10/2012, Thái Lan chiếm 28,03% tổng kim ngạch nhập khẩu tôm nước ấm của Mỹ, Ecuador chiếm 15,59%, Indonesia chiếm 14,8%, Ấn Độ chiếm 12,29%, Việt Nam chiếm 8,02%, Malaysia 4,49% và Trung Quốc 3,31%. 
 
Do đó, nếu các nước này buộc phải tăng giá hoặc giảm xuất khẩu do bị áp thuế chống trợ cấp thì ngành tôm nội địa Mỹ sẽ được hưởng lợi vì các nước còn lại cũng phải tăng giá theo. 
 
Theo COGSI, từ năm 2009 đến nay, các nước bị kiện đã dành một khoản trợ cấp lên tới 13,5 tỉ đô la cho lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản, trong đó ngành tôm được hưởng lợi lớn nhất để hạ giá bán tôm vào Mỹ nhằm chèn ép thị phần tôm nội địa và hạ giá thị trường nói chung. 
 
Vì vậy mà nếu như cách đây 20 năm, tôm nội địa Mỹ chiếm hơn 80% thị phần tôm tiêu thụ tại Mỹ, thì nay chỉ còn chưa tới 10%. Đồng thời, giá tôm từ năm 2000 đến nay cũng liên tục giảm. 
 
COGSI đã liệt kê hơn 100 chính sách của các nước xuất khẩu mà họ cho là trợ cấp bất hợp pháp. Và theo quan điểm của COGSI: “Việc đánh thuế là cần thiết để bù lại phần lợi thế thương mại bất bình đẳng mà các nước trên giành được. Nộp đơn hôm nay chính là sự sống còn cho toàn bộ ngành công nghiệp tôm của Mỹ”, tờ Bangkok Post dẫn lời Giám đốc điều hành COGSI, C. David Veal. 
 
Nhiều nước lên tiếng 
 
Thông tin trên Business Standard, tờ nhật báo tiếng Anh của Ấn Độ cho biết, xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụt giảm mạnh ở các thị trường như EU, Đông Nam Á và Trung Quốc. Bên cạnh đó, Nhật Bản, thị trường tiêu thụ quan trọng khác lại đang áp dụng rào cản kỹ thuật Ethoxyquin.
 
Cũng theo tờ Business Standard, Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu duy nhất đạt mức tăng trưởng về giá trị của thủy sản Ấn Độ từ tháng 4 - 9/2012 khi đạt 45.540 tấn, trị giá gần 356 triệu đô la, tăng 11,42% về giá trị. Nếu thị trường Mỹ áp thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu thì chắc chắn ngành xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ nói chung, ngành tôm nói riêng sẽ rơi vào khủng hoảng sâu sắc. 
 
Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (SEAI), Ravi Reddy cho biết: “Chúng tôi sẽ mời các luật sư giỏi nhất để đấu tranh chống trong vụ kiện này”. 
 
Hiện, Ấn Độ đang cử một phái đoàn gồm Đại diện Cơ quan Xúc tiến Xuất khẩu Thủy sản (MPEDA) và SEAI sang Mỹ để tìm hiểu các vấn đề pháp lý liên quan sau khi Mỹ xem xét đơn kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng tôm của Ấn Độ. 
 
Sau Ấn Độ, Ecuador cũng đã chính thức lên tiếng phản đối vụ kiện từ phía COGSI. Trên Undercurrentnews.com, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi trồng Thủy sản Ecuador, Antonio Camposano cho biết: “Hiệp hội đang tiến hành mọi biện pháp để đảm bảo có một sự bảo vệ thích hợp cho ngành tôm của Ecuador”. 
 
Còn trên tờ Bangkok Post, Thái Lan cho rằng, tôm nuôi luôn luôn rẻ hơn so với tôm khai thác. Vì vậy ngư dân vùng Vịnh của Mỹ đang cố tình so “táo với cam”. Hiện, Mỹ cũng là một trong những thị trường quan trọng của xuất khẩu tôm Thái Lan khi chiếm đến 46% tổng lượng tôm xuất khẩu. 
 
Phản ứng nào từ Việt Nam? 
 
Trong năm 2012, Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Nhật Bản với giá trị ước đạt hơn 450 triệu đô la, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm. 
 
Có tên trong danh sách các nước bị kiện, dù diễn biến sắp tới như thế nào, ngành tôm Việt Nam vốn đang phải đối diện với nhiều khó khăn chồng chất như: Hội chứng tôm chết sớm (EMS) chưa được khắc phục, vướng mắc dư lượng Ethoxyquin trên thị trường Nhật Bản, thuế chống bán phá giá ở Mỹ… sẽ phải gánh thêm nhiều phí tổn, ít nhất đó là chi phí thuê luật sư và mất thời gian chuẩn bị để đối phó với vụ kiện. 
 
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện VASEP đã thuê một công ty luật có kinh nghiệm chuyên về lĩnh vực này để thay mặt các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vụ kiện. 
 
Tuy nhiên, đối với vụ kiện chống trợ giá này thì vai trò của Chính phủ, cơ quan chính quyền rất quan trọng trong việc quyết định sự thành bại. Vì việc trợ giá gắn liền với một loạt chính sách của Chính phủ, bộ, ban ngành áp dụng lên toàn bộ nền kinh tế, trong đó có ngành tôm. 
 
Khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) điều tra, nếu Chính phủ đứng ra chứng minh không hề có sự trợ giá nào cho doanh nghiệp tôm trong nước thì chắc chắn thuyết phục hơn. 


Nguồn: http://www.vasep.com.vn

Quảng cáo sản phẩm