Cảnh báo dự thảo Quy định của Chính phủ về việc thực hiện đảm bảo sản phẩm Halal của Indonesia

26/11/2024 09:30 - 35 lượt xem

Nhằm thực hiện nghĩa vụ cảnh báo sớm cho Hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý có liên quan, Trung tâm WTO và Hội nhập xin gửi dự thảo Quy định của Chính phủ về việc thực hiện đảm bảo sản phẩm Halal của Indonesia, cụ thể như sau:  

 

Ngày 31/10/2024, Indonesia đã gửi thông báo cho các nước thành viên WTO mã thông báo G/TBT/N/IDN/131/Add.2 về Quy định của Chính phủ Indonesia liên quan đến việc thực hiện đảm bảo sản phẩm Halal đã có hiệu lực kể từ ngày 17/10/2024. Đây là bản sửa đổi của Quy định số 8839 năm 2021 đã được thông báo trước đó tại mã G/TBT/N/IDN/131/Add. 1 và G/TBT/N/IDN/131. Quy định này nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm được người Indonesia tiêu thụ, đặc biệt là người Hồi giáo, phải tuân thủ các tiêu chuẩn Halal và mang đến cho người tiêu dùng sự chắc chắn về các sản phẩm Halal trên thị trường.

 

Các điều khoản chính được quy định trong Quy định số 42 năm 2024 của Chính phủ Indonesia bao gồm:

 

- Cơ quan Thực hiện đảm bảo sản phẩm Halal (BPJPH) có trách nhiệm quản lý hệ thống Đảm bảo sản phẩm Halal, đảm bảo tuân thủ tất cả các sản phẩm được chứng nhận.

 

- Tách biệt cơ sở chế biến Halal và không Halal: Địa điểm, cơ sở vật chất và thiết bị cho Quy trình Sản phẩm Halal (PPH) phải khác biệt với những địa điểm, cơ sở và thiết bị được sử dụng cho các quy trình không phải Halal. Điều này bao gồm việc tách biệt các khu vực giết mổ, chế biến, bảo quản, đóng gói, phân phối, bán hàng và trưng bày.

 

- Thủ tục đăng ký và gia hạn chứng nhận Halal: BPJPH x lý đơn xin cấp chứng nhận Halal mới và gia hạn, đảm bảo sản phẩm duy trì sự tuân thủ theo thời gian.

 

- Các quy trình chứng nhận Halal đơn giản hóa được cung cấp cho các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ đáp ứng các tiêu chuẩn Halal của BPJPH.

 

- Ghi nhãn Halal: Các sản phẩm được coi là Halal phải có nhãn Halal, trong khi các sản phẩm không Halal phải có thông tin không Halal rõ ràng trên bao bì.

 

- Hợp tác liên ngành: BPJPH hợp tác với nhiều bộ khác nhau (Công nghiệp, Thương mại, Y tế, Nông nghiệp, Hợp tác xã và Doanh nghiệp vừa và nhỏ) và các cơ quan chính phủ có liên quan, bao gồm các cơ quan quan lý giam sát thực phẩm và dược phâm, tiêu chuẩn hóa, đánh giá tuân thủ, công nhận, LPH và Hội đồng Ulema Indonesia (MUI).

 

- Chứng nhận và đăng ký sản phẩm nhập khẩu: Các sản phẩm nước ngoài phải trải qua chứng nhận Halal và đăng ký để được bán ở Indonesia.

 

- Chỉ định các danh mục sản phẩm phải có chứng nhận Halal, nêu chi tiết các giai đoạn chứng nhận Halal cho tất cả các sản phẩm được phân phối và bán ở Indonesia.

 

Dự kiến, dự thảo sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hoá liên quan sang thị trường Indonesia. Để đảm bảo quyền lợi và lợi ích của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) rất mong Quý doanh nghiệp đóng góp ý kiến đối với Dự thảo.

 

Các góp ý của doanh nghiệp xin gửi về Trung tâm WTO và Hội nhập trước ngày 10/12/2024 qua email hoặc qua đường bưu điện tới:

 

Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI)
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Địa chỉ: Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024-35771458
Email: banthuky@trungtamwto.vn

 

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Doanh nghiệp.

 

Dự thảo được đính kèm dưới đây:

Tải tài liệu
Dự thảo Quy định của Chính phủ về việc thực hiện đảm bảo sản phẩm Halal của Indonesia
Quảng cáo sản phẩm