Cấp bách xây dựng thương hiệu nông sản Việt

25/03/2024 06:47 - 3 lượt xem

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện nay 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt Nam.

 

Thương hiệu vẫn mờ nhạt

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nhóm hàng nông sản đạt 5,18 tỷ USD, tăng 55,7%; nhóm lâm sản đạt 2,9 tỷ USD, tăng 59,7%; nhóm thủy sản đạt 1,37 triệu USD, tăng 28,9%...

 

Về thị trường, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, tăng trưởng tới 77,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 21,5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Tiếp đến là Trung Quốc, tăng 47,9% và chiếm tỷ trọng 21%; Nhật Bản tăng 29,2%, chiếm tỷ trọng 7,2%...

 

Năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 54 tỷ USD. Hiện, nông sản Việt Nam có 11 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; 6 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD (rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ)...

 

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình nhằm tạo chính sách để phát triển thương hiệu nông sản như: Chương trình sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam từ năm 2020 - 2030.

 

Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định phát triển 3 cấp độ thương hiệu gồm: thương hiệu quốc gia cho sản phẩm chủ lực quốc gia; thương hiệu nông sản chủ lực cấp tỉnh và sản phẩm OCOP với nhóm nông sản quy mô nhỏ.

 

Tuy vậy, thương hiệu nông sản Việt đến nay vẫn rất “mờ nhạt”. Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, hiện có đến 90% nông sản vẫn xuất khẩu dưới dạng thô; 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng.

 

Việc xây dựng thương hiệu nông sản và đăng ký nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ đối với nhiều nông sản chủ lực đang gặp vướng mắc về mặt pháp lý và kinh phí. Đến nay, mới có 2/13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam gồm: nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam (Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu) và gạo Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ sở hữu). Các sản phẩm như cà phê, tôm, cá tra... đang trong quá trình xây dựng.

 

Về xây dựng thương hiệu vùng, miền, địa phương, đến nay có 130 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam. Tính đến giữa năm 2023, có 626 sản phẩm nông sản được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận địa phương; gần 1.900 nông sản được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

 

Nhiều chuyên gia nhận định, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản được đề cập nhiều nhưng vẫn chung chung, chưa cụ thể. Các sản phẩm nằm rải rác ở các quyết định, chương trình; chưa có chiến lược, chương trình tổng thể đặc thù cho nông sản; chưa có sự kết nối, điều phối giữa các bên liên quan…

 

Đề xuất xây dựng nghị định quản lý thương hiệu nông sản

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, thương hiệu nông sản phải đi lên từ chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Thực tế, chúng ta chỉ mới triển khai truy xuất nguồn gốc được 1 - 2 năm gần đây, chất lượng cũng còn nhiều vấn đề (liên quan đến giống cây trồng, cách trồng, cách thu hái, đóng gói, bảo quản).

 

Đơn cử, Chile là nước ở Nam Mỹ nhưng chiếm lĩnh thị trường cherry lớn nhất ở Trung Quốc, mặc dù mặt hàng này không phải chỉ nước này có. Chile phải cạnh tranh với Mỹ, Australia... nhưng họ bảo đảm được giống tốt, công nghệ bảo quản tốt nên có thể vận chuyển đường dài, đóng gói bao bì bắt mắt, giá cả phải chăng. Còn tại Việt Nam, những mặt hàng chế biến chưa có thương hiệu mạnh vì đa số chúng ta sơ chế để xuất khẩu chứ chưa phải là khâu cuối cùng. Công nghệ chế biến cũng chưa đạt mức nước nhập khẩu mong muốn để đưa vào chuỗi siêu thị.

 

Năm 2024, ngành rau quả hướng đến mục tiêu xuất khẩu 6,5 - 7 tỷ USD, trong đó sầu riêng được xác định là mặt hàng trọng điểm, nên rất cần xây dựng và bảo vệ thương hiệu quốc gia, ông Nguyên nhấn mạnh. Theo đó, phải có biện pháp kiểm soát chặt việc thu hái sầu riêng non không đạt chất lượng; đẩy mạnh việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn mặt hàng sầu riêng xuất khẩu; chỉ cấp phép xuất khẩu cho loại sầu riêng có uy tín, có thể tạo ra thương hiệu quốc gia... Đồng thời, Nhà nước cần quan tâm đầu tư cho ngành bằng chính sách, luật lệ, bằng sự quản lý chặt chẽ, tạo nguồn lực cụ thể là tài chính để xây dựng thương hiệu hiệu quả. 

 

Chuyên gia nông nghiệp TS. Nguyễn Đăng Nghĩa nhấn mạnh, việc làm cấp thiết là cần có nhãn hàng chung cho nông sản Việt Nam và phải xây dựng được logo. Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng phải đáp ứng các yêu cầu của đối tác, tổ chức sản xuất để đáp ứng được số lượng, chất lượng, giá cả. Quan tâm khâu tổ chức sản xuất để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cho mỗi loại nông sản đặc thù.

 

Các cơ quan cần quản lý chất lượng cần kiểm soát và giám sát thật chặt chẽ chất lượng nông sản. Phải đáp ứng không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật theo Nghị định 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế và tiếp theo là đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của đối tác nước ngoài. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thậm chí là Bộ Ngoại giao trong câu chuyện xây dựng thương hiệu.

 

Đại diện các địa phương cũng đề xuất, để xây dựng thương hiệu nông sản Việt mang lại hiệu quả, cần rà soát lại thế mạnh nông sản của từng địa phương. Xây dựng khung hệ thống tiêu chuẩn sản phẩm mang tính chất thương hiệu quốc gia; chú ý hệ sinh thái và phát triển thương hiệu, quan tâm đến cơ chế quản lý.

 

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ tiến hành nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành nghị định về xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Bộ cũng tiến hành xây dựng thương hiệu cho xoài và sầu riêng, vì hai loại nông sản này hiện chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân

Quảng cáo sản phẩm