Châu Á lo ngại xung đột kinh tế Mỹ-Trung

21/06/2011 11:21 - 1060 lượt xem

Thái Bình

Nền hòa bình không dễ dàng giữa Trung Quốc và Mỹ có thể nhường chỗ cho những căng thẳng và phần còn lại của châu Á đang quan sát một cách thận trọng vì lo ngại bị chèn ép nếu xảy ra xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mối lo về sự đổ vỡ trong quan hệ Trung-Mỹ đã trở thành tâm trạng chung xuyên suốt Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á vừa diễn ra tại Jakarta, Indonesia đầu tuần này.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng, hai bên “cho đến nay đã tránh đụng độ” về một trong những vấn đề gai góc nhất: giá trị của đồng nhân dân tệ Trung Quốc mà Mỹ muốn thấy nó tăng giá nhanh hơn. Tuy nhiên danh sách những sự va chạm tiềm tàng đang ngày một dài ra.

Mỹ và Trung Quốc có chung một mối quan hệ nhiều ngàn tỉ đô la về thương mại và đầu tư. Nước Mỹ ngập trong nợ nần cần cái hầu bao đầy tiền của Trung Quốc, còn xuất khẩu của Trung Quốc cần người tiêu dùng Mỹ. Dù không tin cậy nhau nhưng nguy cơ cả hai cùng thiệt hại đã buộc hai bên phải ứng xử với nhau một cách lịch thiệp.

Căng thẳng liên quan tới tỷ giá hối đoái và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là mới, nhưng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, người ta tạm gác bất đồng đó để tập trung giải quyết những vấn đề nghiêm trọng hơn. Bây giờ, khủng hoảng đã tạm lắng thì vấn đề cũ lại được xới lên.

Jaspal Bindra, tổng giám đốc châu Á của Ngân hàng Standard Chartered tại Hồng Kông nhận xét, sự tính toán tới lợi ích quốc gia một lần nữa lại vượt lên trên các ưu tiên quốc tế.

Trong những tháng tới, cả Mỹ và Trung Quốc đều phải có những quyết định kinh tế khó khăn mà nếu không được xử lý tốt có thể đụng đến những vấn đề nhạy cảm.

Washington phải tìm cách vực dậy đà tăng trưởng mong manh giữa lúc các nhà lập pháp đang cãi nhau chung quanh chuyện cắt giảm ngân sách – có khả năng đây sẽ là đề tài trung tâm của các cuộc vận động bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới. Bắc Kinh cũng đang cần duy trì một sự tăng trưởng vừa đủ để làm nguội đà lạm phát mà không bóp nghẹt nền kinh tế - một nhiệm vụ gian nan ngay trước cuộc chuyển giao quyền lực lãnh đạo đất nước cũng vào năm tới.

Nếu Trung Quốc siết chặt tín dụng quá mạnh, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại ở khắp châu Á và có thể cả trên toàn cầu. Còn ngược lại, nếu họ lỏng tay, tín dụng có thể thổi bùng bong bóng giá bất động sản còn nguy hiểm hơn.

Tương tự, nếu tình trạng tê liệt về chính trị hiện nay của Mỹ dẫn tới một sự vỡ nợ tạm thời trong mùa hè này, đồng đô la Mỹ sẽ lao dốc, lãi suất trên toàn cầu sẽ vọt lên cao vì trái phiếu chính phủ Mỹ được coi là “chuẩn” để đo lường các loại trái phiếu khác. Và nếu kinh tế Mỹ đột ngột xấu đi nghiêm trọng, Hệ thống Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) – tức ngân hàng trung ương nước này – sẽ không có lựa chọn nào khác là bơm ra thị trường thêm nhiều tiền nữa.

Các thị trường đang nổi lên ở châu Á đã than phiền một cách cay đắng rằng, đợt tung tiền mua trái phiếu mới đây của Fed đã gây ra lạm phát giá tài sản khắp nơi. Do vậy, Thủ tướng Lý Hiển Long thúc giục người Mỹ “dọn dẹp nhà cửa cho ngăn nắp” để giúp châu Á kiềm chế lạm phát.

Ian Bremmer, chủ tịch công ty tư vấn về rủi ro chính trị Eurasia Group còn nêu ra hai điểm có tiềm năng “kích nổ” xung đột Mỹ-Trung. Một là, cái “thỏa thuận” cũ giữa hai nước, theo đó các công ty Mỹ sẽ chia sẻ công nghệ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường tiêu dùng rộng lớn của Trung Quốc. Giờ đây Trung Quốc sử dụng công nghệ phương Tây nhưng lại ngăn cản nước ngoài tiếp cận thị trường của mình. Hai là, sự gia tăng các cuộc tấn công trên mạng, như những vụ tấn công gần đây vào hệ thống của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tập đoàn Google và các công ty khác, được coi là xuất phát từ Trung Quốc.
Phần còn lại của châu Á ý thức rất rõ rằng, trâu bò húc nhau thì ruồi muỗi chết.

Cesar Purisima, bộ trưởng tài chính Philippines – nước có quan hệ thương mại mật thiết với cả Mỹ và Trung Quốc – nói rằng: “Cả hai bên cần phải linh hoạt bởi vì nếu các vị không linh hoạt, các vị sẽ tạo ra thêm nhiều vấn đề cho tất cả chúng tôi”.

Oh Joon, đại sứ Hàn Quốc tại Singapore thì nói rằng các nước châu Á ghét bị buộc phải chọn một bên nếu quan hệ Trung-Mỹ xấu đi. “Chúng tôi đều có những kỷ niệm buồn về thời Chiến tranh Lạnh”, ông Joon nói.

Còn ông Yang Xiyu, nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, nói rằng ông vẫn hy vọng sự trỗi dậy của Trung Quốc là hòa bình và theo ông, hai nền kinh tế Mỹ-Trung đã quyện vào nhau chặt chẽ đến mỗi nếu một bên cố gây thương tổn cho bên kia thì cả hai đều đau đớn. “Đó là điều ngăn cản quan hệ Mỹ-Trung biến thành đối đầu”, ông Yang nói.

Nhưng điều hài hước là, sự tái cân bằng được coi là thiết yếu cho sự ổn định kinh tế toàn cầu đang làm thay đổi cán cân đó. Khi Trung Quốc thúc đẩy tiêu dùng nội địa và Mỹ cắt giảm nợ nần thì sự phụ thuộc lẫn nhau giữa họ cũng nhạt nhòa đi.

Đó là một trong những lý do tại sao ông Bremmer nhìn thấy xung đột đang tiềm ẩn. Khi được hỏi liệu quan hệ Mỹ-Trung sẽ tốt lên hay xấu đi thì 3 trong 4 chuyên gia về châu Á tham dự Diễn đàn ở Jakarta hôm thứ Hai cho rằng, nó sẽ xấu đi. Câu trả lời của ông Bremmer cũng vậy: “Tôi đứng về phía xấu đi”.

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn
Quảng cáo sản phẩm