Chính sách thương mại của Ma Cao tại WTO: Được rà soát lần thứ 4

06/06/2013 04:06 - 865 lượt xem

Macao, Trung Quốc chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ ngày 1/1/1995 và đã trải qua 3 phiên rà soát chính sách thương mại. Giữa tháng 5 vừa qua, các thành viên WTO đã tiến hành phiên rà soát lần thứ 4.

Macao, Trung Quốc là nền kinh tế mở với thuế suất áp dụng 0% và chỉ có một số ít hạn chế về thương mại và đầu tư. Trong giai đoạn 2007- 2012, nền kinh tế Macao đã đạt tăng trưởng mạnh với tốc độ 2 con số (ngoại trừ năm 2008 và 2009) chủ yếu do sự tăng mạnh của xuất khẩu dịch vụ, nhất là du lịch và sòng bạc. Sự cạnh tranh giữa các chủ sòng bạc đã góp phần kích thích sự tăng trưởng của ngành dịch vụ: xuất khẩu dịch vụ tăng lên mức 38 tỷ USD năm 2011, so với mức 7,5 tỷ USD năm 2004 khi lần đầu tiên có đầu tư nước ngoài vào sòng bạc và từ mức 4,3 tỷ USD năm 2002 khi kinh doanh sòng bạc được tự do hóa. Chương trình “Du lịch cá nhân” trong khuôn khổ Thỏa thuận Đối tác kinh tế thắt chặt (CEPA) giữa Đặc khu hành chính Macao (SAR) với Trung Quốc được đưa ra từ năm 2004 đã góp phần làm gia tăng đáng kể số lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc.

Tình hình kinh tế

Đặc khu hành chính Macao phụ thuộc chủ yếu vào thương mại. Năm 2011, thương mại (xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ) đạt khoảng 160% GDP. Macao SAR vẫn duy trì thặng dư tài khoản vãng lai vì sự tăng trưởng mạnh của xuất khẩu dịch vụ, trong khi thâm hụt thương mại hàng hóa cho thấy sự thu hẹp của ngành sản xuất chế biến. Xuất khẩu hàng hóa đã giảm 65% trong suốt giai đoạn rà soát. Nhìn chung, FDI có gia tăng trong đó một nửa FDI đổ vào ngành kinh doanh sòng bạc, các doanh nghiệp bán buôn và bán lẻ đứng thứ hai về nhận FDI.

Sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế và ưu thế của ngành kinh doanh sòng bạc đã đặt ra áp lực về giá cả, nhất là giá đất đai và lao động. Đơn vị tiền tệ của Macao SAR là pataca, được neo giữ theo đôla Hongkong vì vậy không tính trực tiếp với đôla Mỹ, do đó trong giai đoạn rà soát, đồng pataca giảm giá so với tiền tệ của các đối tác thương mại chính của Macao SAR, kể cả với Trung Quốc. Chỉ số CPI, một công cụ để đo lường lạm phát, đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, Macao SAR không có chính sách tiền tệ riêng vì hệ thống tỷ giá của nền kinh tế này.

Giá của các nhân tố sản xuất trong nước tăng cao gây đe dọa đến khả năng cạnh tranh của các ngành không phải kinh doanh sòng bạc, bao gồm cả ngành sản xuất chế biến. Mặc dù Macao SAR là một cảng tự do, hàng hóa có thể được nhập khẩu với thuế suất bằng 0 và một số ít các biện pháp tại biên giới, nhưng ngành sản xuất chế biến tiếp tục bị thu hẹp chủ yếu do chi phí sản xuất tương đối cao trong khi quy mô lãnh thổ và dân số nhỏ, ngành du lịch và kinh doanh sòng bạc vẫn phát triển. Sự đóng góp của ngành sản xuất chế biến trong GDP đã giảm từ 2,9% năm 2007 xuống 0,7% năm 2011 và tỷ lệ này trong tổng việc làm đã giảm từ 7,1% xuống 3,9%.

Nỗ lực của Macao trong việc đa dạng hóa nền kinh tế bao gồm các biện pháp tạo thuận lợi cho phát triển của các dịch vụ ngoài kinh doanh sòng bạc, như hội chợ và triển lãm, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, y học cổ truyền và các dịch vụ thương mại khác. Hợp tác khu vực (như hợp tác với vùng Quảng Đông của Trung Quốc) là một kênh quan trọng để Macao SAR vượt qua các hạn chế và cải thiện khả năng cạnh tranh. Chính phủ đã thông qua một số biện pháp nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh hấp dẫn, với các biện pháp nhằm giảm chi phí kinh doanh như cơ cấu thuế đơn giản, phí hành chính thấp, cũng như mở cửa thị trường viễn thông. Macao SAR cũng đã thông qua các biện pháp nhằm đưa cạnh tranh vào khu vực công. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện trong khi hầu hết điện vẫn phải nhập khẩu, Chính phủ đang chuẩn bị thực hiện “tự do hóa từng phần” thị trường điện. Theo thỏa thuận mới ký với nhà cung ứng điện, năm 2010, Chính phủ có thể quyết định khi nào mở cửa thị trường về mạng lưới điện và nhập khẩu điện cho các nhà đầu tư khác.

Chế độ thương mại và đầu tư

Khuôn khổ chính sách và thể chế của Macao SAR không có thay đổi lớn từ phiên rà soát năm 2007. Theo Luật cơ sở, Macao SAR vẫn là một cảng tự do, theo đuổi chính sách thương mại tự do, và đảm bảo sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, tài sản hữu hình và vốn. Việc thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế và tăng cường hợp tác khu vực vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Macao. CEPA với Trung Quốc mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Macao SAR trong tương lai.

CEPA gồm 3 phần: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư. Hiệu ứng lớn nhất của CEPA đối với nền kinh tế Macao SAR là thông qua Chương trình du lịch cá nhân: các hạn chế về thị thực với khách du lịch từ Trung Quốc đại lục đã được dỡ bỏ làm tăng số lượng khách đến Macao SAR. Các cơ quan quản lý đang cố gắng sử dụng các nguồn lực và cơ hội mà CEPA này mang lại để khuyến khích các nhà sản xuất, chế biến phát triển các ngành công nghiệp mới. Dệt và may mặc vẫn bị thu hẹp kể từ khi Hiệp định về Dệt và May mặc hết hiệu lực năm 2005. Các số liệu từ các cơ quan quản lý cho thấy đối xử ưu đãi trong khuôn khổ CEPA đã tạo điều kiện cho một số ngành công nghiệp mới phát triển, như chế biến thực phẩm và cà phê. Macao SAR xuất khẩu dịch vụ nhiều hơn hàng hóa và có thể là ngành dịch vụ và cung ứng dịch vụ tới khu vực Châu thổ sông Pearl gần tỉnh Quảng Đông, chứ không phải ngành chế biến sẽ sử dụng tiếp cận ưu đãi hiệu quả hơn với thị trường Trung Quốc trong khuôn khổ các điều khoản dịch vụ của CEPA.

Chính sách thương mại và thực tiễn áp dụng


Chế độ thương mại và đầu tư của Macao SAR vẫn tương đối mở. Tất cả hàng nhập khẩu đều miễn thuế. Tuy nhiên, phạm vi ràng buộc thuế quan của Macao SAR vẫn bị hạn chế, với khoảng 70% số dòng thuế không ràng buộc. Trong giai đoạn rà soát, Macao SAR đã thông báo tới WTO rằng các sản phẩm dược bổ sung đã bị ràng buộc thuế quan theo Hiệp định Dược phẩm.

Macao SAR có sử dụng một số ít các biện pháp phi thuế quan tại biên giới và cấp giấy phép nhập khẩu vẫn được duy trì chỉ vì các lý do liên quan đến sức khỏe, sự an toàn, môi trường và quản lý thuế tiêu dùng. Mặc dù thuế tiêu dùng phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu và sản xuất hàng hóa tương tự trong nước, nhưng các thuế này đã giảm một cách không cân đối về nhập khẩu vì có rất ít hoặc gần như không có việc sản xuất trong nước về các hàng hóa này. Một phần phản ánh nỗ lực đa dạng hóa kinh tế nhằm phát triển các ngành du lịch khác (ngoài sòng bạc), Chính phủ đã bãi bỏ thuế tiêu dùng đối với đồ uống có cồn dưới 30%. Vì vậy, việc nhập khẩu các sản phẩm này không đòi hỏi giấy phép nhập khẩu hơn nữa.

Macao SAR không xây dựng các tiêu chuẩn riêng nhưng sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế hoặc nước ngoài, nếu cần thiết. Nhập khẩu xe ô tô và các thiết bị đài viễn thông là đối tượng phải cấp phép nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật. Khi áp dụng giấy phép, kết quả thử nghiệm và chứng nhận do các nhà sản xuất chế biến hoặc các cơ quan quản lý phát hành có thể được xem là có giá trị tham chiếu.

Macao, Trung Quốc không phải là bên ký kết cũng không phải là quan sát viên của Hiệp định WTO về Mua sắm Chính phủ (GPA). Sự hiện diện của người nước ngoài về mua sắm chính phủ đã gia tăng đáng kể trong giai đoạn rà soát. Năm 2011, cung ứng của người nước ngoài chiếm 27% các hợp đồng mua sắm được ký kết bởi Cơ quan Dịch vụ tài chính, so với mức 7% năm 2007. Điều này vẫn nằm dưới mức tỷ lệ cung ứng của người nước ngoài về mua sắm chính phủ vì các công ty nước ngoài đã đăng ký với Cơ quan Dịch vụ tài chính được xem là công ty trong nước (không liên quan đến địa điểm trụ sở) và nước xuất xứ không được công nhận.

Macao SAR vẫn có một cơ cấu thuế đơn giản và thuế suất thấp. Để đối phó với tình trạng giá cả toàn cầu gia tăng, thuế tiêu dùng về nhiên liệu và dầu nhờn đã được bãi bỏ từ tháng 8 năm 2008. Việc mua mới các động cơ mô tô thân thiện với môi trường đã được bỏ thuế động cơ mô tô. Macao đặt ra các biện pháp khuyến khích thuế như miễn/ giảm thuế lợi nhuận. Các biện pháp khuyến khích ngoài thuế như trợ cấp và bảo lãnh tín dụng cũng được áp dụng, chủ yếu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Triển vọng


Là nền kinh tế nhỏ và mở cửa, sự tăng trưởng của Macao SAR trong tương lai sẽ chịu ảnh hưởng mạnh của nhu cầu bên ngoài, từ các đối tác thương mại. Các tổ chức quốc tế như IMF đã đưa ra dự đoán về tăng trưởng thấp ở khu vực Đông Á, Cơ quan tiền tệ Macao (AMCM) cho rằng nền kinh tế có tăng trưởng, thực tế khoảng 9% năm 2012, giảm từ 21,9% năm 2011. AMCM cũng dự báo mức tăng trưởng một con số trong năm 2013. Nhu cầu trong nước, chủ yếu là xây dựng cơ sở hạ tầng và tiện ích cho du lịch được kỳ vọng là một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế. Xuất khẩu dịch vụ được dự báo tăng với tốc độ chậm hơn so với một vài năm gần đây.

Trong giai đoạn rà soát, Macao SAR đã có những cải thiện đáng kể về cơ sở hạ tầng thông qua một số dự án xây dựng của nhà nước, như dự án Quá cảnh nhanh, cải thiện trạm kiểm soát Cổng Biên giới và xây dựng cầu Hongkong - Chu Hải - Macao. Những cải thiện này sẽ cho phép kết nối tốt hơn và hội nhập sâu hơn trong khu vực châu thổ sông Pan-Pearl được xem là rất quan trọng đối với nỗ lực đa dạng hóa kinh tế của Macao SAR.

Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn


Quảng cáo sản phẩm