Đa dạng thị trường từ FTA: “Tấm khiên” ứng phó cuộc chiến thương mại

23/05/2025 05:17 - 2 lượt xem

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu xáo trộn bởi thuế quan và căng thẳng địa chính trị, việc tận dụng FTA không chỉ là cơ hội, mà còn là lối thoát chiến lược cho hàng Việt.

 

Vượt qua sức ép từ cuộc chiến thương mại bằng cánh cửa FTA

 

Hàng Việt xuất khẩu đang đối mặt với hàng loạt thách thức, áp lực. Từ tháng 4/2025, Mỹ áp dụng loạt thuế quan cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam: thuế cơ bản 10%, thuế đối ứng lên tới 46% với phần lớn nhóm hàng, cùng mức thuế 25% cho mặt hàng thép, nhôm. 

 

Bên cạnh đó, Trung Quốc - thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam cũng tăng cường các rào cản kỹ thuật và kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu. Động thái này khiến các doanh nghiệp Việt không khỏi lo lắng, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, nhu cầu tiêu dùng suy giảm trầm trọng.

 

Theo chuyên gia thị trường Trần Mạnh Hùng, chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến thương mại không tuyên bố, nơi các rào cản phi thuế quan và hàng rào kỹ thuật trở thành vũ khí. Trong bối cảnh đó, yêu cầu cấp bách đặt ra là Việt Nam phải nhanh chóng chuyển hướng để tránh lệ thuộc vào một vài thị trường lớn.

 

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế (Bộ Công thương) hoạt động xuất khẩu của nước ta dự báo sẽ gặp khó khăn sau khi Mỹ tuyên bố mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này. 

 

"Việc Mỹ tạm hoãn thuế 90 ngày và áp mức 10% trong thời gian đàm phán tạo cơ hội cho Việt Nam thương thảo, đa dạng hóa thị trường và tái cấu trúc chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro; khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có, mở rộng thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống và thích nghi với những chuẩn mực thương mại ngày càng cao. Đặc biệt, các FTA không chỉ giúp đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, mà còn tạo điều kiện thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao từ các đối tác lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore...tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Anh nhấn mạnh.

 

Ông Trần Quốc Toản – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, thực tế thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng khá tốt ưu đãi thuế từ các FTA. Tỷ lệ sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ mẫu châu Âu 1 theo Hiệp định EVFTA đã vượt 53%, với CPTPP là 45%. Điều này cho thấy năng lực chuyển hướng thị trường của chúng ta đã có cải thiện rõ rệt.

 

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Minh Anh, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng việc khai thác các FTA vẫn chưa tương xứng với tiềm năng do các doanh nghiệp còn thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về các quy tắc xuất xứ, thủ tục ưu đãi thuế quan; các rào cản phi thuế quan ngày càng gia tăng như yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, lao động…đặt ra thách thức lớn cho khả năng đáp ứng của hàng Việt; tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành còn thấp, ảnh hưởng đến khả năng tận dụng ưu đãi FTA đã ký.

 

Doanh nghiệp chủ động dịch chuyển thị trường

 

Thực tế cho thấy, chuyển hướng thị trường không phải khẩu hiệu, mà là bài toán thực tiễn. Một lãnh đạo công ty chuyên sản xuất đồ nội thất xuất khẩu tại Bình Dương cho biết, Mỹ vốn là thị trường xuất khẩu chủ yếu của công ty. Tuy nhiên, do biến động thị trường Mỹ nên trong 2 tháng qua, công ty đã chuyển hướng tăng các đơn hàng đi Nhật Bản và Australia. 

 

Bên cạnh đó, giám đốc một doanh nghiệp da giày cũng chia sẻ: "Chúng tôi từng phụ thuộc 70% vào thị trường Mỹ, nhưng sau khi Mỹ tăng thuế, đơn hàng giảm 40%. Nhờ tận dụng CPTPP, chúng tôi mở rộng sang một số thị trường như Nhật Bản, Australia... Hiện doanh thu từ hai thị trường này chiếm hơn 35% và giúp công ty ổn định sản xuất".

 

Tương tự, trong ngành dệt may, nhiều doanh đã tận dụng EVFTA, nhanh chóng ký thêm hợp đồng với các nhà nhập khẩu như Pháp, Hà Lan, Czech, Ba Lan, đón đầu xu hướng "Trung Quốc cộng 1" tại châu Âu. Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, EVFTA như chiếc cầu nối, đưa hàng dệt may Việt Nam đi xa hơn. Thị trường Liên minh châu Âu đòi hỏi cao nhưng rất tiềm năng nếu doanh nghiệp chịu đầu tư bài bản.

 

"Có thể thấy, FTA là động lực để Việt Nam chuyển đổi mô hình xuất khẩu từ chiều rộng sang chiều sâu, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu. Trong thời đại kinh tế hội nhập, những quốc gia biết đa dạng hóa thị trường sẽ là những quốc gia duy trì được tăng trưởng bền vững, bất chấp biến động toàn cầu", ông Hùng nhấn mạnh.

 

Cần chiến lược bền vững, đòn bẩy chính sách để tiếp cận thị trường

 

Như vậy, giữa sóng gió của chủ nghĩa bảo hộ và xung đột thương mại, thuế quan từ Mỹ tăng cao, FTA đang là điểm tựa quan trọng để tăng trưởng xuất khẩu cho hàng Việt. Song để tận dụng được lợi thế này một cách bền vững, bên cạnh sự chủ động từ doanh nghiệp, rất cần chính sách đồng hành từ nhà nước.

 

Theo ông Hùng, điều quan trọng nhất là chuyển dịch chiến lược từ "tận dụng" sang "làm chủ" các FTA. Tức là không chỉ dựa vào ưu đãi thuế, mà cần chuẩn hóa sản xuất, minh bạch truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn xanh. Các FTA thế hệ mới đặt ra hàng loạt điều kiện phi thuế quan, nên doanh nghiệp nếu không cải tổ, sẽ khó giữ vững lợi thế lâu dài.

 

Đa dạng hóa thị trường không chỉ là việc mở rộng đơn hàng, mà còn là chuyển đổi toàn diện về cách thức tiếp cận và xây dựng hệ sinh thái xuất khẩu mới. Điều này bao gồm từ đổi mới thiết kế sản phẩm phù hợp từng vùng văn hóa, phát triển hậu cần xuyên biên giới đến xây dựng thương hiệu quốc gia gắn với tính bền vững. Các FTA chỉ là cánh cửa và doanh nghiệp phải có năng lực bước qua và trụ vững trong nhà người khác. Muốn vậy, cần hợp tác liên ngành, liên vùng, liên thị trường...

 

Bên cạnh đó, chúng ta cần một chiến dịch quốc gia về FTA, giống như chiến dịch xuất khẩu gạo thời kỳ đầu. Phải có nền tảng dữ liệu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn từng thị trường và tổ chức tập huấn trực tuyến cho doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Hơn thế nữa, hiện vẫn còn phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa từng sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi từ các FTA. Nguyên nhân chủ yếu là do thủ tục phức tạp, thiếu nhân lực chuyên trách và chưa tiếp cận được thông tin kịp thời. Do đó, cần đẩy mạnh số hóa quy trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ, đồng thời phát triển nền tảng hướng dẫn sử dụng FTA theo ngành hàng, vùng miền. Doanh nghiệp cần được tiếp cận công cụ đơn giản, dễ hiểu, dễ triển khai...

 

Đáng chú ý, ở góc độ cơ quan quản lý, ông Trịnh Minh Anh cho rằng, để doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA, cần triển khai 5 nguyên tắc quan trọng là nghiên cứu kỹ các quy định về thuế quan, quy tắc xuất xứ (C/O), tiêu chuẩn kỹ thuật và các cam kết phi thương mại (lao động, môi trường, phát triển bền vững) trong từng FTA; tối ưu hóa quy tắc xuất xứ (C/O), đảm bảo sản phẩm đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan; nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải thiện chất lượng sản phẩm; tuân thủ cam kết phi thương mại và phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước để được hỗ trợ thông tin về FTA và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi./.

 

Nguồn: VTV

Quảng cáo sản phẩm