Để hàng thủy sản Việt Nam vững vàng hội nhập quốc tế

24/07/2007 12:00 - 1487 lượt xem

Việt nam đã gia nhập WTO, các rào cản về thuế quan đã được tháo bỏ, cơ hội cho các mặt hàng "Made in Vietnam" hoặc Products of Vietnam" ra thị trường mênh mông của thế giới là rất lớn. Để nắm bắt được cơ hội lớn này, hàng hoá của Việt nam cần phải nâng cao sức cạnh tranh quốc tế.

Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, làm sao vượt qua các thách thức?

Trong các mặt hàng vượt ngưỡng 1 tỷ đô la trong năm qua có mặt hàng thuỷ sản. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay (2007) mặt hàng thuỷ sản đã đạt đến doanh thu hơn 1 tỷ 6 đô la; trong đó hàng xuất sang thị trường Nhật Bản là hơn 1 tỷ đô, vượt qua cả thị trường xuất sang Mỹ và EU.

Tuy nhiên, những khuyến cáo về số hàng vi phạm tiêu chuẩn cũng gia tăng, và gần đây là sự cảnh báo của Nhật bản sẽ kiểm soát 100% hàng thuỷ sản của Việt nam xuầt sang Nhật; các nước khách hàng nhập hàng nông thủy sản Việt Nam cũng có những hành động tương tự. Về phía Mỹ, hàng của các nước xuất sang Mỹ, khi bị từ chối nhập đều được đưa lên danh sách công khai hàng tháng của cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm (FDA) của Mỹ.Thí du chỉ riêng tháng 6 vừa qua, nếu chúng ta vào trang web của FDA http://www.fdagov/ora/oasis/6/ora_oasis_c_vn.html sẽ biết các công ty Việt nam nào đã vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm khi xuất khẩu hàng thực phẩm sang Mỹ (trong đó có mặt hàng thủy sản).

Những vi phạm có từ những năm trước:

Nếu ta tìm ngược lại quá khứ sẽ thấy những vi phạm đã có từ những năm trước. Tuy nhiên số hàng vi phạm không lên đến mức độ báo động nên số hàng không vi phạm vẫn được chấp nhận.

Đến nay số lượng hàng vi pham gia tăng đến độ báo động; do đó những hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm của một số nước khách hàng được dựng lên để kiểm tra hàng của VN. Đây là một điều đáng buồn! Uy tín cho hàng "Made in Viet Nam"; "Products of Vietnam" đang đứng trước thử thách.

Qua báo cáo của FDA, phần lớn các khuyết điểm của hàng thuỷ sản (và nông sản) bị vi phạm về: bao bì, nhãn hiệu, vệ sinh an toàn, nhiễm trùng (Salmonella ....) và hàm lượng kháng sinh cao vuợt mức cho phép (Chloraphenicol ........)

Cần làm gì để nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu?

Để nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu (và cho cả thị trường nội điạ), tôi thiết nghĩ việc tổ chức lại cơ cấu sản xuất và quản lý là cần thiết.

Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà doanh nghiệp và nhà sản xuất để tiến đến việc hình thành những cơ sở sản xuất lớn hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm sản xuất một nguồn hàng có số lượng lớn và đồng nhất về chất lượng.

- Cần thiết phải quản lý được nguyên liệu sản xuất (con giống sạch; thức chăn nuôi đúng quy định), cách nuôi trồng đúng quy định vệ sinh, an toàn.

- Sau đó, khâu chế biến, bao bì, bảo quản (dây chuyền lạnh) phải nghiên túc theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.

Về mặt nhà quản lý, các cơ quan quản lý liên quan đến hàng thực phẩm xuất khẩu như y tế, nông, lâm, thuỷ sản, ngoại thương cần phải mau chóng có Tiêu Chuẩn Quốc Gia (TCQG) luôn luôn ngang tầm đẳng cấp quốc tế với các quốc gia mà nước ta là thành viên như APEC, ASEM,ASEAN, WTO .... Và chặt chẽ áp dụng những tiêu chuẩn này cho các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam. Để có một TCQG đẳng cấp quốc tế là việc làm cấp bách để giữ uy tín cho hàng của ta trên thi trường quốc tế và trong nước.

Về phiá các nhà khoa học kỹ thuật dù ở trong nước hay hải ngoại đều có thể giúp thông tin cho các cơ quan làm luật quản lý nâng cao chất lượng hàng sản xuất và giúp về khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để nâng cao năng lực tổ chức, kỹ thuật sản xuất cho lao động sản xuất và cơ sở sản xuất theo hướng hiện đại hợp vệ sinh an toàn thực phẩm.

Muốn hàng của quốc gia có thương hiệu cao, uy tín (mà Nhật bản là số một) về chất lượng, ta phải nhanh chóng nâng cao chất lượng quản lý; hàng hoá. Vệc này sẽ tạo sức mạnh cạnh tranh cho hàng Việt Nam vào khai thác thị trường mênh mông toàn cầu và tạo được sự hâm mộ của giới tiêu dùng trên thế giới với nhãn hiệu "Made in Vietnam".

Ts Nguyễn Trọng Bình

(Tháng 7 năm 2007, California, USA)

20/07/2007

Nguồn: vietnamnet

Quảng cáo sản phẩm