Đối phó với kiện thương mại
01/04/2010 12:00
Các vụ kiện phòng vệ thương mại có xu hướng gia tăng đã và đang gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu.
Năm 2009 được xem là năm cao điểm của các vụ kiện thương mại đối với hàng hóa Việt Nam. Nguy cơ đối mặt với “kiện” tiếp tục được cảnh báo trong năm 2010, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phục hồi.
Nhiều mặt hàng “nhạy cảm”
Theo đại diện của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, nguy cơ mặt hàng gỗ bị kiện phòng vệ thương mại tại Hoa Kỳ là rất lớn. Trong vòng 10 năm qua, lượng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đã tăng gấp 10 lần, giá cả thấp hơn nhiều so với giá của các nước thứ 3 (nước để so sánh, có nền kinh tế thị trường đầy đủ). Mặt khác, khi một số doanh nghiệp sản xuất mặt hàng trên tại Trung Quốc bị Hoa Kỳ kiện, họ đã chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam (tại Nhơn Trạch, Bình Dương, Đồng Nai) khiến nguy cơ bị kiện càng cao.
Ở Hoa Kỳ và EU, hai thị trường xuất khẩu trọng điểm, trong khi những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp trước đây (đối với cá, tôm, túi nhựa, giày dép, xe đạp, đèn compact...) chưa có dấu hiệu kết thúc, đã lại xuất hiện nhiều cảnh báo về các nguy cơ, diễn biến mới có ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Một nguyên nhân khác, theo Luật gia Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khi kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện về kinh tế để thực hiện vụ kiện. Năm 2009, lần đầu tiên Việt Nam bị kiện về trợ cấp đối với mặt hàng túi nhựa PE và kéo theo nguy cơ các mặt hàng khác cũng sẽ bị kiện về trợ cấp ở Mỹ và cả các thị trường khác.
Được biết, đến nay, đã có 42 vụ kiện chống bán phá giá đối với các ngành hàng của Việt Nam. So với các nước trên thế giới con số này là không đáng kể, tuy nhiên đây là nguy cơ cần báo động, bởi kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Chia sẻ kinh nghiệm và thông tin nắm bắt được tại thị trường Hoa Kỳ về hàng hóa các nước nhập khẩu vào nước này, Tiến sĩ Peter John Koeing, Công ty Luật Squire Sanders nhận định: “Việt Nam cần lưu ý một số mặt hàng “nhạy cảm” như: dệt may, thép, đồ gỗ, đinh và ốc vít… có thể bị điều tra trong thời gian tới”.
Đối với mặt hàng dệt may và thép, đây là sản phẩm các doanh nghiệp Hoa Kỳ sản xuất không nhiều. Riêng đối với mặt hàng đồ gỗ và đinh, ốc vít, Hoa Kỳ đang áp thuế chống bán phá giá đối với Trung Quốc. Vụ kiện sản phẩm đồ gỗ của Trung Quốc đang trong quá trình rà soát cuối kỳ 5 năm và Trung Quốc đang viện cớ Việt Nam mới là nước xuất khẩu nhiều nhất mặt hàng này sang Hoa Kỳ. Bộ Thương mại Hoa Kỳ mong muốn tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ của Trung Quốc và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, sản phẩm túi nhựa cũng được Hoa Kỳ rà soát cuối kỳ với hàng hóa xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia… Quốc gia nhập khẩu cũng đang tìm kiếm thông tin để kiện các nhà cung cấp khác.
Không đơn giản chỉ là giá
Năm 2009 được coi là năm kỷ lục về số lượng các vụ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam với 7 vụ ở 6 thị trường. Trong năm 2009, một số ngành khác cũng được đặt trong tình trạng "báo động" về nguy cơ kiện phòng vệ thương mại (giấy, thủy sản, gốm sứ...).
Theo ông Peter John Koeing, việc bán sản phẩm với giá cao không phải là giải pháp hay, bởi nếu làm đơn hàng giá cao, doanh nghiệp dần bị mất khách, sản phẩm giảm tính cạnh tranh và ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của công ty. Một bất lợi nữa cho Việt Nam, khi nước khởi kiện tính toán để áp thuế đối với mặt hàng xuất khẩu nào đó, họ sẽ dựa trên số liệu của một nước thứ 3 bất kỳ - chỉ cần là một nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Giá thành sản phẩm của nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ sẽ khác với giá thành sản phẩm cùng loại ở nước chưa hoàn toàn có nền kinh tế thị trường.
Ông Trần Hữu Huỳnh cho biết: “Một số biện pháp để hạn chế bị kiện áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là: đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không làm hàng giá rẻ và lưu ý khi cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam sản xuất các mặt hàng đang bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp”…
Hợp tác và đối phó
Cũng bàn về giải pháp chống bị kiện, ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nên phối hợp chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp nhập khẩu ở nước ngoài trong vấn đề trao đổi thông tin để cùng bảo vệ lẫn nhau. Sắp tới, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ triển khai thực hiện hệ thống cảnh báo sớm về những mặt hàng có nguy cơ cao để doanh nghiệp chủ động đối phó. Còn theo ông Huỳnh, phía doanh nghiệp, đặc biệt là hiệp hội doanh nghiệp, cần phải lưu ý tới yếu tố kinh tế để tránh bị kiện phá giá. Đơn cử, không nên nhận những đơn hàng có giá quá thấp. Bởi vì, làm hàng giá thấp người lao động không được lợi, nền kinh tế có thể rơi vào bẫy phát triển thấp và đó cũng là cái cớ để các thị trường nhập khẩu khởi kiện.
42 vụ kiện chống bán phá giá đối với các ngành hàng của VN tính đến thời điểm này
Thực tế, mỗi vụ điều tra phòng vệ thương mại là một thử thách lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và hiệp hội liên quan. Đối với các ngành có sản phẩm bị kiện phòng vệ trong năm 2009 của Việt Nam, không ít các doanh nghiệp lúng túng trong quá trình kháng kiện. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội không hiểu hoặc hiểu không đầy đủ về tính chất và tác động của các vụ kiện phòng vệ thương mại, nên đã có cách hành xử tiêu cực, gây ra những hậu quả bất lợi về toàn cục. Đối với một số thị trường nhỏ, do doanh nghiệp cũng như các đơn vị hỗ trợ chưa có nhiều thông tin và mạng lưới cộng tác viên pháp luật tại đó nên việc tìm luật sư tư vấn thích hợp cho vụ kiện tương đối khó khăn.
Phía cơ quan Chính phủ cũng phải có những hành động khẩn trương, quyết liệt như trong vụ kiện túi PE vừa qua. Chính phủ cũng phải cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất khả năng áp dụng trợ cấp không phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong trường hợp bị kiện không đúng với nguyên tắc WTO thì chúng ta... đi kiện. Đơn cử như đầu năm 2010, lần đầu tiên sau nhiều lần bị kiện về chống bán phá giá và trợ cấp hàng xuất khẩu, Việt Nam đã quyết định đứng ở vị trí nguyên đơn khi gửi tham vấn quan ngại về ba vấn đề: Quy về 0; chọn mẫu và đối chất toàn quốc đối với quyết định chống bán phá giá tôm Việt Nam của Mỹ ra WTO vào ngày 1/3. Tuy không chắc chắn sẽ thắng kiện, nhưng đây cũng là bước tập dượt, đồng thời thể hiện ý chí và quan điểm của các doanh nghiệp Việt Nam.
Các tin khác
- NÓNG: Mỹ - Trung giảm thuế đối ứng lẫn nhau 115% (13/05/2025)
- Tăng cảnh báo từ sớm, từ xa cho doanh nghiệp khi Ấn Độ siết phòng vệ (12/05/2025)
- Nông sản Việt trước bài toán tiêu chuẩn, chất lượng của EU (12/05/2025)
- Tìm cách gia tăng nhập khẩu nông sản từ Mỹ (12/05/2025)
- Tăng trưởng xuất khẩu tại nhiều thị trường mới (12/05/2025)