Hạn chế quyền tài phán tại các bang đối với các công ty sản xuất nước ngoài của Hoa Kỳ

01/07/2011 12:00 - 996 lượt xem

Theo nguồn tin của hãng luật Sidley, ngày 27/06/2011 vừa qua, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã đưa ra hai quan điểm quan trọng trong việc xác định quyền tài phán của các Tòa án bang đối với các nhà sản xuất nước ngoài tại Hoa Kỳ. Hai quan điểm này cho rằng, Tòa án các bang của Hoa Kỳ cần xác định lợi ích có chủ đích của các nhà sản xuất nước ngoài; cũng như hoạt động bị cáo buộc của bị đơn tại bang đó.

Theo đó, nguồn tin này dẫn chiếu tới hai vụ việc liên quan.

Trong vụ việc thứ nhất, vụ McIntyre v. Nicastro, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã đưa ra phán quyết rằng bang New Jersey không thể thực hiện quyền tài phán đối với công ty J. McIntyre, một nhà sản xuất nước ngoài có sản phảm tiêu thụ ở New Jersey thông qua các nhà phân phối tại Hoa Kỳ. Trong phán quyết này, bốn trên tổng số 6 thẩm phán đã bác bỏ quyền tài phán của Tòa án bang New Jersey với lý do công ty McIntyre không hướng tới thị trường New Jersey. Bốn thẩm phán này đều nhấn mạnh tính cần thiết phải xác định sự tồn tại “lợi ích có chủ đích” của bị đơn đối với bang, đó sẽ là cơ sở để phân tích quyền tài phán của Tòa án bang. Đồng thời phán quyết cũng ủng hộ quan điểm của thẩm phán Justice O’Connor’s về “dòng chảy thương mại” trong vụ Asabi Metal Industry Co. v. Superior Court of Cal. (1987) qua việc đánh giá “sự công bằng và tính có thể dự đoán trước”. Ngoài ra, bốn thẩm phán này nhấn mạnh sự cần thiết xem xét các hành động của bị đơn và ý định cung cấp hàng đối với một bang hay một thị trường riêng lẻ. Hai thẩm phán còn lại trong vụ việc trên dù không ủng hộ việc xác định “lợi ích có chủ đích” nhưng vẫn bỏ phiếu bác bỏ quyền tài phán của Tòa án bang New Jersey. Cũng như bốn thẩm phán ở trên, các thẩm phán này cũng nhấn mạnh rằng thẩm quyền tài phán riêng đòi hỏi phải tập trung vào từng bị đơn và hoạt động của bị đơn tại bang đó.


Như vậy, cả 6 thẩm phán của Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã bác bỏ quan điểm cho rằng một bang có thể thực hiện quyền tài phán riêng đối với nhà sản xuất nước ngoài chỉ dựa trên thực tế duy nhất là các sản phẩm của họ tiêu thụ trong một bang thông qua các hành động của một nhà phân phối độc lập.

Trong vụ thứ hai, Goodyear v Brown, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã bỏ phiếu đồng thuận bác bỏ quyền tài phán của bang North Carolina đối với các chi nhánh nước ngoài của một tập đoàn Hoa Kỳ do các cáo buộc không liên quan đến hoạt động của các chi nhánh tại bang này. Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cho rằng không có bất kỳ bằng chứng nào về hoạt động kinh doanh theo hệ thống và tiếp diễn của các chi nhánh này, do vậy Tòa án bang không có thẩm quyền tài phán chung trong vụ việc. Tòa án Tối cao đã chỉ ra rằng: Tòa án bang North Carolina đã đưa ra phán quyết không phù hợp với việc xác định quyền tài phán chung và riêng biệt. Việc yêu cầu xem xét quyền tài phán chung này nhằm loại bỏ khả năng bị kiện với bất kỳ nhà sản xuất các sản phẩm thiết yếu hay nhà kinh doanh hàng hóa nào nếu chỉ xem xét tới cáo buộc đối với sản phẩm phân phối đó.

Trung tâm WTO - VCCI

Quảng cáo sản phẩm