Hoa Kỳ yêu cầu tham vấn lên WTO về trợ cấp của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp điện gió nội địa
26/01/2011 12:00
Ngày 22/12/2010, Hoa Kỳ thông báo đã đệ trình lên WTO yêu cầu can thiệp giải quyết vấn đề Trung Quốc hỗ trợ cho ngành công nghiệp điện gió nội địa. Theo ông Ron Kirk, đại diện thương mại Hoa Kỳ cho biết nước này đã gửi yêu cầu tham vấn tới Trung Quốc liên quan tới khoản hỗ trợ đặc biệt của nước này cho chương trình phát triển sản xuất điện gió. Đây là bước đầu tiên trong thủ tục giải quyết tranh chấp theo Cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các hỗ trợ chính thức nhằm phát triển ngành công nghiệp sản xuất điện gió thông qua các khoản hỗ trợ tài chính và các lợi ích khác. Trong đơn kiện, Hoa Kỳ cáo buộc chính sách trợ cấp và hỗ trợ khác về tỷ lệ sử dụng linh kiện có xuất xứ Trung Quốc là vi phạm Hiệp định về chống trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM). Đồng thời, Hoa Kỳ cáo buộc việc Trung Quốc không thông báo chính sách trợ cấp này lên WTO là vi phạm nghĩa vụ của Trung Quốc theo Hiệp định SCM.
Sau 60 ngày kể từ khi tham vấn (có thể ngắn hơn nếu các bên đồng ý), Hoa Kỳ có thể yêu cầu WTO thành lập Ban Hội thẩm. Nếu Ban Hội thẩm đồng ý với Hoa Kỳ hoặc nếu Trung Quốc không kháng án thành công, Hoa Kỳ có quyền tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Mức độ trả đũa thương mại của Hoa Kỳ phụ thuộc vào kết luận của Ban Hội thẩm về bất kỳ thiệt hại nào của nước này. Hoa Kỳ có thể sẽ đáp trả với qui mô lớn do chương trình hỗ trợ của Trung Quốc lên đến hàng trăm triệu đô la.
Vụ việc lần này bắt nguồn từ cuộc điều tra theo điều 301 Bộ luật Thương mại 1974 của Hoa Kỳ do Nghiệp đoàn công nhân ngành thép liên bang (USW) khởi xướng ngày 15/10/2010. Nếu cuộc điều tra theo Mục 301 kết luận có bằng chứng cáo buộc vi phạm hiệp định thương mại thì theo luật, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa kỳ (USTR) sẽ phải tham vấn chính thức để giải quyết tranh chấp.
Qui mô vụ kiện của USW rộng hơn vụ kiện lần này của chính phủ Hoa Kỳ. USW cáo buộc Trung Quốc vi phạm các cam kết WTO khi áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu đối với tài nguyên khoáng sản sử dụng trong sản xuất một số sản phẩm công nghệ sạch bao gồm pin cải tiến, pin năng lượng mặt trời và bóng đèn huỳnh quang. Hơn nữa, USW cáo buộc Trung Quốc thực hiện các trợ cấp trực tiếp và gián tiếp bị cấm đối với ngành công nghiệp năng lượng sạch, bao gồm hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu – phát triển, triển khai các khoản vay với lãi suất thấp và bảo lãnh tín dụng xuất khẩu. Đồng thời, USW cũng cáo buộc Trung Quốc phân biệt đối xử đối với các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các hỗ trợ và yêu cầu về chuyển giao công nghệ. Theo USW, các biện pháp này gây tổn hại nghiêm trọng tới lợi ích của Hoa Kỳ.
USTR tuyên bố rằng nước này có thể giải quyết hiệu quả một phần lớn các khiếu kiện của USW trong cuộc điều tra theo Mục 301 thông qua cam kết song phương với Trung Quốc (bao gồm xác nhận rằng đã chấm dứt 02 chương trình trợ cấp khác ). Đối với các khiếu nại còn lại, USTR sẽ tiếp tục điều tra và nếu có dẫn chứng thuyết phục, có thể sẽ khởi kiện thêm lên WTO, mặc dù hiện tại không có bất kỳ hành động chính thức nào theo Mục 301.
Động thái ngày 22/12 vừa rồi phản ánh rõ nét mối quan hệ Trung – Mỹ. Các doanh nghiệp sản xuất hoặc kinh doanh liên quan tới năng lượng gió, sản phẩm công nghiệp sạch sẽ theo dõi sát sao vụ kiện này. Vụ kiện tác động tổng thể tới quan hệ thương mại giữa 2 quốc gia và các biện pháp trả đũa thương mại sắp tới cũng có thể sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và đầu tư không chỉ liên quan tới công nghệ sạch.
Động thái này đồng thời cũng cho thấy sự tái khôi phục lại các vụ kiện theo điều 301 như là một công cụ để Hoa Kỳ giải quyết các tranh chấp thương mại. Trong một vài năm gần đây, Hoa Kỳ thường bỏ qua các khiếu kiện theo điều 301, và bởi vậy Mục 301 được coi như là một công cụ giải quyết tranh chấp thương mại kém hiệu quả. Tuy nhiên, động thái này cho thấy Hoa Kỳ đang dần coi trọng khiếu kiện theo Mục 301.
Ngọc Hường dịch
27/12/2010
Nguồn: Mayer Brown
Các tin khác
- Ai Cập tiếp nhận Hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng lốp xe ô-tô tải và xe buýt có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam (07/05/2025)
- Bộ Công Thương tổ chức phiên tham vấn công khai vụ việc ĐTADCBPG đối với sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc (05/05/2025)
- Bộ Công Thương ban hành QĐSĐBS QĐ ADTCBPG tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc (05/05/2025)
- Bộ Công Thương ban hành QĐSĐBS QĐADTCBPG tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (05/05/2025)
- Hàn Quốc ban hành kết luận cuối cùng về ĐTCBPG giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam (05/05/2025)