Không ngại khi nhập siêu trở lại

11/06/2021 12:00 - 73 lượt xem

Theo các chuyên gia, việc Việt Nam nhập siêu trở lại trong 5 tháng đầu năm nay sau quá trình dài liên tiếp xuất siêu không có gì đáng lo ngại, bởi Việt Nam chủ yếu nhập khẩu linh phụ kiện, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu.

Theo Bộ Công Thương, sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất và sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước đã khiến hoạt động nhập khẩu gia tăng mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm 2021.

Về mặt con số, tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu đạt 115,26 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng 5 tháng đều tăng như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 24,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 35,9%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 51,3%...

“Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 5/2021 ước tính nhập siêu 2 tỷ USD. Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu khiến cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 369 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,87 tỷ USD)”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Như vậy, sau quá trình liên tục xuất siêu từ năm 2012 đến nay (trừ năm 2015), 5 tháng đầu năm nay Việt Nam đã chứng kiến nhập siêu trở lại.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan xung quanh câu chuyện nhập siêu này, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, mức độ nhập siêu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm là con số khá nhỏ.

So với tổng kim ngạch xuất khẩu gần 131 tỷ USD, nhập siêu chỉ chiếm dưới 0,3%. Trong khi đó, mục tiêu của Việt Nam là kiểm soát nhập siêu dưới 4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

“Nhập siêu trở lại nhưng không có gì đáng quan ngại. Từ trước đến nay, Việt Nam là quốc gia đang phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá nên nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Nền kinh tế Việt Nam chủ yếu vẫn là gia công, lắp ráp nên phải nhập khẩu nhiều linh phụ kiện, nguyên phụ liệu. Bởi vậy, nhập khẩu vượt xuất khẩu một chút không phải vấn đề lớn”, TS. Lê Quốc Phương nói.

Nhìn vào cơ cấu nhập khẩu thấy Việt Nam chủ yếu nhập khẩu tư liệu sản xuất. Nhập khẩu hàng tiêu dùng cũng tăng mạnh trong 5 tháng qua, song chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu nói chung.

Vị chuyên gia này phân tích thêm, làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát ở Việt Nam từ cuối tháng 4/2021, nhiều ngành sản xuất công nghiệp bắt đầu phục hồi trở lại như dệt may, da giày, điện tử, điện thoại di động… cũng bị ảnh hưởng phần nào.

Tuy nhiên, chỉ một số bộ phận bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp xuất khẩu có đơn hàng đương nhiên phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh phụ kiện về để sản xuất. Trên thực tế, việc nhập khẩu tăng lên thậm chí còn là tín hiệu đáng mừng chứ không phải đáng lo.

“Suốt từ năm 2012 đến nay, Việt Nam liên tục xuất siêu (trừ năm 2015) nên có thể có những ý kiến cảm thấy lo ngại khi nhập siêu trở lại, song tôi cho rằng nhập siêu lần này là nhập siêu tốt”, chuyên gia Lê Quốc Phương nói.

Tương tự, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, việc nhập siêu trong tháng 5/2021 cũng như tính chung 5 tháng đầu năm không có đột biến và không đáng ngại

Điều này không có gì quá bất thường vì hiện nay các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều chủ yếu là các nguyên liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất, đặc biệt trong đó phục vụ cho sản xuất của nhóm hàng xuất khẩu.

“Ví dụ như linh kiện điện tử, các nguyên phụ liệu trong ngành dệt may, da giày là những ngành hiện nay đang có đà phục hồi tăng trưởng rất mạnh mẽ. Do vậy, sự gia tăng nhập khẩu cũng là điều tất yếu…" , ông Trần Thanh Hải nói.
 
Quảng cáo sản phẩm