Kiểm soát dư lượng hóa chất độc hại trong thủy sản nuôi đáp ứng được yêu cầu của EU

13/05/2010 12:00 - 758 lượt xem

Văn phòng Thực phẩm và Thú y (FVO), Tổng vụ sức khỏe và bảo vệ người tiêu dùng Ủy ban Châu Âu (DG-SANCO) đánh giá chương trình kiểm soát dư lượng hóa chất độc hại trong thủy sản nuôi Việt Nam đang được triển khai đẩy đủ và đáp ứng các quy định của EU.

FVO, DG-SANCO đã chính thức công bố Báo cáo cuối cùng về chuyến thanh tra tại Việt Nam đánh giá hoạt động kiểm soát dư lượng hóa chất độc hại trong thủy sản nuôi từ ngày 19 - 29/10/2009.

FVO, DG-SANCO cho rằng, về cơ bản, hệ thống văn bản pháp lý, năng lực cơ quan thẩm quyền, năng lực các phòng kiểm nghiệm tham gia vào Chương trình kiểm soát dư lượng và điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản vào EU được đáp ứng được yêu cầu. Chương trình kiểm soát dư lượng hóa chất độc hại trong thủy sản nuôi Việt Nam đang được triển khai đẩy đủ và đáp ứng các quy định của EU.

Bên cạnh đó, FVO cũng khuyến cáo một số sai lỗi còn tồn tại và yêu cầu phía Việt Nam cần khắc phục, trong đó nhấn mạnh, Việt Nam cần tăng cường kiểm soát việc phân phối, sử dụng các sản phẩm thuốc thú y tại cơ sở kinh doanh thuốc thú y, cơ sở nuôi thủy sản, tăng cường chế tài xử lý các cơ sở lạm dụng hóa chất, kháng sinh cấm. Ngoài ra, Việt Nam cần bổ sung kiểm soát các nhóm chất và chỉ tiêu có khả năng bị lạm dụng vào Chương trình kiểm soát dư lượng.

Để khắc phục các sai lỗi theo khuyến cáo của FVO, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU chủ động cung cấp cho Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng phụ trách địa bàn và Cơ quan Chất lượng Nông lâm thủy sản tỉnh/thành phố kết quả tự kiểm tra của doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện mẫu nguyên liệu thủy sản nhiễm hóa chất kháng sinh không được phép sử dụng, doanh nghiệp cần kịp thời cung cấp thông tin tới các cơ quan trên và phối hợp thực hiện truy xuất đến các đại lý, cơ sở nuôi cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cần chủ động bổ sung kiểm soát các mối nguy về dư lượng hóa chất độc hại vào kế hoạch HACCP của doanh nghiệp dựa trên cảnh báo của cơ quan thẩm quyền và thông tin về việc lạm dụng các hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 3 tháng đầu năm 2010, EU vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam với khối lượng nhập khẩu 75,22 nghìn tấn tương đương 221 triệu USD, tăng 7,6% về khối lượng và 8,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay EU chiếm 24,8% tổng giá trị thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Nguồn: http://www.vasep.com.vn
Quảng cáo sản phẩm