Lợi ích và thách thức từ các FTA

20/01/2010 11:59 - 902 lượt xem

Gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chỉ là điều kiện, là tiền đề cho những bước đi tiếp theo của hội nhập kinh tế. Với những gì đã và đang diễn ra hiện nay có thể thấy xu thế khu vực hóa đang chiếm ưu thế và sẽ định hướng tự do hóa thương mại trong cả thập kỷ tiếp theo. Và Việt Nam cần xác định những định hướng của mình khi tham gia vào tiến trình chung này.

Xu thế đàm phán thiết lập các khu vực mậu dịch tự do (FTA)

Vòng phát triển Doha (DDR) đã lỡ đích 2005 và để ngỏ thời điểm kết thúc. Khả năng kết thúc vòng đàm phán đầu tiên trong khuôn khổ WTO trở nên khó dự báo hơn do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sự quay lại của xu thế bảo hộ.

Đó là một trong những lý do khiến một số quốc gia lựa chọn giải pháp tự do hóa thương mại thông qua đàm phán các hiệp định FTA. Theo con số của Ban Thư ký WTO, hiện có 194 FTA đã đăng ký với WTO và vẫn đang còn hiệu lực.
Trong đó 153 hiệp định có hiệu lực sau năm 1995, khi WTO ra đời. Và điều đáng lưu ý là xu hướng đàm phán các thỏa thuận khu vực tiếp tục gia tăng sau 2002, giai đoạn vòng Doha về toàn cầu hóa diễn ra (bảng 1).
Nguyên nhân trước tiên để các nước lựa chọn giải pháp FTA cho tự do hóa thương mại bắt nguồn từ những lợi ích cơ bản của toàn cầu hóa: mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao hiệu quả nhờ sản xuất quy mô lớn, củng cố các quan hệ chính trị…

Bên cạnh đó, đàm phán FTA có quy mô không quá lớn, giữa các nước có điều kiện tương đồng nên dễ tìm được tiếng nói chung hơn. Nội dung đàm phán được thiết lập gần với lợi ích và mối quan tâm các bên hơn so với đàm phán trong WTO.
 
    
Một lý do khác để nhận định đàm phán FTA sẽ là xu thế ít nhất trong thập niên tới căn cứ trên thực tế các cuộc đàm phán FTA không chỉ gia tăng về số lượng mà còn có nội dung ngày càng mở rộng về phạm vi vấn đề thảo luận cũng như các tiêu chí, mức độ tự do hóa. Các quốc gia theo đuổi chủ trương đàm phán FTA phục vụ mục tiêu phát triển thị trường, mở rộng xuất khẩu đã thiết lập các tiêu chí đàm phán mới về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động… với mức độ tự do hóa cao hơn nhiều trong WTO. Điển hình là Khu vực tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp định Thương mại tự do song phương Hoa Kỳ - Hàn Quốc (KORUS), Hiệp ước đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)…

Nắm bắt xu hướng khu vực hóa, nhiều quốc gia đã chủ động xây dựng các chiến lược đàm phán FTA có định hướng rõ ràng để phục vụ mục tiêu phát triển đặc thù của mình. Singapore, Chile… là những quốc gia tiêu biểu trong việc theo đuổi chính sách FTA theo mô hình “trục nan hoa”. Họ đàm phán FTA với tất cả các đối tác có thể trên phạm vi toàn cầu và hình thành một hệ thống các thỏa thuận tự do hóa thương mại với bản thân là trục của “hệ nan hoa” các FTA.

Nhờ vậy, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tại những quốc gia này được hưởng điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều khi tiếp cận thị trường các nước trong “hệ nan hoa” so với nhà đầu tư tại các nước khác. Và trong trường hợp này, FTA không chỉ tạo cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài mà còn tăng đáng kể sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. FTA trên thực tế đã góp phần làm tăng tính hấp dẫn của môi trường thương mại các quốc gia này.

Đặc biệt trong thời đại thương mại có ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội và quan hệ quốc tế, FTA ngày càng được nhìn nhận như công cụ hỗ trợ cho các quan hệ chính trị. Ý tưởng thiết lập một thị trường chung khổng lồ cho toàn châu Mỹ (AAFTA) rõ ràng thể hiện tham vọng tăng cường ảnh hưởng của Hoa Kỳ với khu vực Mỹ Latinh. Trung Quốc, sau khi gia nhập WTO đã tận dụng đà cải cách, mở cửa để đàm phán và ký kết một loạt các FTA.

Hiện Trung Quốc đã ký FTA với tám đối tác là các quốc gia, vùng lãnh thổ, nhóm nước và tiếp tục đàm phán với sáu đối tác. Có thể nhận thấy các đối tác này không chỉ là các thị trường xuất khẩu mà còn là nguồn cung nguyên liệu quan trọng cho kinh tế Trung Quốc: Chile, Úc, các nước vùng Vịnh, châu Phi…

FTA không nhất thiết phải có điều khoản ràng buộc về nguyên liệu, nhưng một liên kết kinh tế bền vững bên cạnh việc tạo thị trường đầu ra sẽ giúp tăng cường tính ổn định của nguồn cung nguyên liệu, một yếu tố không kém phần quan trọng đối với một nền kinh tế khổng lồ có mức tăng trưởng cao như Trung Quốc.

Tình hình đàm phán FTA của Việt Nam

Về cơ bản, chúng ta cũng có những thuận lợi như Trung Quốc trong đàm phán FTA nhờ tận dụng được đà cải cách, mở cửa theo cam kết WTO. Hệ thống chính sách, cơ chế điều hành thương mại phù hợp thông lệ quốc tế là nền tảng để Việt Nam tham gia vào các thỏa thuận khu vực. Khó khăn cơ bản vẫn là năng lực của nền kinh tế. Nếu như WTO đã là thách thức thì cam kết trong FTA với mức độ tự do hóa cao hơn sẽ thách thức lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, với những FTA đã ký kết trong khuôn khổ đàm phán giữa ASEAN và các đối tác (gọi tắt là ASEAN+) Việt Nam đều giành được sự linh hoạt về lộ trình mở cửa do thuộc nhóm nước kém phát triển hơn (cùng với Lào, Campuchia, Myanmar).
 
    
Biểu đồ so sánh cho thấy với các FTA đã ký, lộ trình cắt giảm thuế của chúng ta đều dài hơn 5-6 năm so với các đối tác. Thời điểm từ nay tới năm 2012 thuận lợi hơn cho Việt Nam khi các đối tác đã dỡ bỏ hầu hết thuế nhập khẩu trong khi chúng ta mới chỉ ở giai đoạn đầu cắt giảm. Ví dụ, hiện thuế nhập khẩu với 90% mặt hàng từ ASEAN vào Trung Quốc đã giảm về 0-5% trong khi ta mới đưa vào cắt giảm xấp xỉ 30% dòng thuế. Từ 2011-2012 Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn cắt giảm sâu để hoàn thành các cam kết mở cửa trong khoảng năm 2016-2018.

Đánh giá đầy đủ về tác động của các FTA thời gian qua không đơn giản do khủng hoảng tài chính tác động mạnh và làm thay đổi nhiều luận cứ khi xây dựng cam kết. Tuy nhiên, từ phân tích trên có thể rút ra một số kết luận quan trọng: (i) Nhập siêu tăng mạnh thời gian qua không phải do tác động của các FTA chúng ta đã ký bởi chúng ta đang được lợi thế tiếp cận thị trường trong khi chỉ mới trong giai đoạn đầu cắt giảm hàng rào thuế. Bởi vậy, giải quyết nhập siêu phải từ chính những vấn đề nội tại của kinh tế; (ii) Nhập siêu tăng mạnh ngay trong giai đoạn chúng ta được lợi về tiếp cận thị trường cho thấy Việt Nam chưa tận dụng tốt các cơ hội FTA. Nguyên nhân vẫn là những hạn chế kinh niên của cơ chế và nền kinh tế. Tuy nhiên, đó là những yếu tố mà cơ quan hoạch định phải tính đến khi xây dựng chiến lược đàm phán nhằm đảm bảo chúng ta có thể tận dụng được lợi ích từ các FTA.

Những lựa chọn cho Việt Nam

Trong giai đoạn “hậu WTO” cần phải định hình một lộ trình mới cho hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với trào lưu khu vực hóa hiện nay. Từ những phân tích về xu thế đàm phán FTA nói chung và thực tiễn một số nước, có thể thấy sự cần thiết phải có một sách lược rõ ràng, cụ thể cho đàm phán FTA của Việt Nam. Có như vậy chúng ta mới có thể chủ động phối hợp giữa các diễn đàn kinh tế và ngoại giao, kết hợp cải cách trong nước với đàm phán thương mại, tránh bị động do bị cuốn theo trào lưu. Về cơ bản, sách lược này cần gắn với một số mục tiêu phát triển sau.

- Mở rộng thị trường xuất khẩu. Nền kinh tế trong giai đoạn khôi phục tăng trưởng rất cần thị trường đầu ra. Bên cạnh việc phát triển thị trường nội địa với phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, thị trường quốc tế vẫn có vai trò quan trọng đối với kinh tế nước ta trong điều kiện kim ngạch xuất khẩu tương ứng xấp xỉ 70% GDP. Đặc biệt nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đã khẳng định vị thế, có kim ngạch lớn (nông sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy hải sản…) chỉ có thể phát triển khi mở rộng được thị trường quốc tế. FTA là công cụ hữu hiệu để mở cửa cho hàng Việt Nam tiếp cận các thị trường tiềm năng mà không vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử trong thương mại quốc tế. Bởi WTO thừa nhận quyền các quốc gia dành cho nhau các đãi ngộ ưu đãi trong khuôn khổ FTA.
- Phản ánh nhu cầu khách quan của nền kinh tế. Về bản chất, FTA là sự đánh đổi các cam kết mở cửa thị trường của mình lấy các cơ hội tiếp cận thị trường của đối tác. Việc các doanh nghiệp không phát huy được các cơ hội trong FTA đồng nghĩa với việc ta bị thua thiệt. Bởi vậy, đối tượng và nội dung đàm phán phải được hình thành từ thực tiễn, bắt nguồn từ nhu cầu của nền kinh tế và các doanh nghiệp. Cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp và giới học giả có thể đóng góp ý kiến vào quá trình hoạch định sách lược đàm phán.

- Khắc phục hiệu ứng “chệch hướng thương mại”. Đối ngược với tác động tích cực tạo “tăng trưởng thương mại” của FTA là hiệu ứng gây “chệch hướng thương mại”. FTA đem lại ưu đãi cho hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của các nước thành viên. Vô hình trung nó hướng người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm từ các nước này bởi lợi thế giá rẻ chứ không hoàn toàn do có sức cạnh tranh hơn sản phẩm tương tự từ các nước ngoài FTA.

Điều đáng lưu ý là trong các FTA Việt Nam đã ký có Hàn Quốc và Trung Quốc là hai đối tác ta đang nhập siêu ở mức cao. Trong thời gian tới, FTA sẽ càng tăng sức cạnh tranh của hàng hóa hai nước này trên thị trường Việt Nam, gây khó khăn cho việc kiềm chế nhập siêu từ hai nước này. Ngoài các giải pháp tăng cường xuất khẩu, cần nghiên cứu phương án sử dụng các FTA khác để “lấy độc trị độc”. Mở cửa thị trường cho hàng hóa và dịch vụ cho các đối tác khác sẽ gia tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường Việt Nam, giúp kiềm chế bớt nhập siêu từ các đối tác này.

- Phát triển quan hệ kinh tế để củng cố quan hệ chính trị truyền thống. Có một nhà kinh tế đã nhận định: trong nền kinh tế thị trường, tình bạn dựa trên lợi ích kinh tế bền vững hơn quan hệ kinh tế dựa trên tình bạn. Những mối quan hệ hữu nghị với Liên bang Nga, Lào và Campuchia cần phải được “hiện thực hóa” và củng cố bằng các thiết chế thương mại để phản ánh đúng tiềm năng quan hệ cũng như ý nghĩa chiến lược của các nước này trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Cần nhận thức rõ rằng, tiến trình đàm phán FTA sắp tới sẽ là một bước ngoặt mới, thách thức và đòi hỏi sự quyết tâm, trí tuệ như chúng ta đã từng thể hiện trong đàm phán WTO. Nếu gánh nặng đàm phán WTO thiên về các cải cách thể chế thì đàm phán FTA sẽ chủ yếu tập trung vào mở cửa thị trường với những tác động trực tiếp hơn tới các doanh nghiệp và nền kinh tế. Bởi vậy, cần tạo cơ chế để các doanh nghiệp thông qua các hiệp hội đóng góp ý kiến, trí tuệ của mình cho các cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng định hướng hội nhập giai đoạn “hậu WTO”.

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn
Quảng cáo sản phẩm