Mở rộng “cánh cửa” đưa hàng Việt ra thế giới

03/10/2022 04:29 - 5 lượt xem

9 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa của nước ta tiếp tục xuất siêu, lên tới 6,52 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù kết quả đầy khả quan nhưng dự báo khó khăn vẫn ở phía trước, do đó công tác xúc tiến thương mại cần chú trọng hơn bao giờ hết.

 

Tăng kết nối, tạo vị thế trên thị trường

 

Hiện xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang có nhiều thuận lợi, giúp kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng qua ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

 

Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, thuận lợi là ngay từ đầu năm, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bắt đầu có hiệu lực, với sự tham gia tích cực của Trung Quốc, nên giúp doanh nghiệp Việt Nam thêm nguồn nguyên liệu đầu vào rẻ hơn, từ đó sản xuất hàng hóa xuất khẩu đi các thị trường lớn tại châu Âu, châu Mỹ… có thể tăng thêm lợi nhuận và thị phần. Ngoài ra, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như EVFTA, CPTPP đã và đang bước vào giai đoạn cắt giảm mức thuế quan lớn hơn, ưu đãi nhiều hơn.

 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tình hình căng thẳng chính trị và lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia, chuỗi cung ứng bị đứt gãy nên với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực, tình hình đơn hàng trong vài tháng qua đã sụt giảm lên tới 50% so với trước đây. Do đó, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, những khó khăn này rất cần những giải pháp tháo gỡ kịp thời, cập nhật nhanh nhất thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước, giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

 

Vì thế, nhiều cơ quan, tổ chức và địa phương đã tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trực tiếp và cả trên môi trường trực tuyến. Các chương trình này được tổ chức cả trong nước và ngoài nước, với sự phối hợp của nhiều bên liên quan, giúp nhiều sản phẩm không phải chủ lực đã gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

 

Chẳng hạn, nhiều sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam đã được nhận diện thương hiệu và tìm được chỗ đứng ở các thị trường mới cao cấp như Mỹ, châu Âu... Hay đối với xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ, do nắm được thời cơ khi EU, Nhật Bản và một số nước châu Á tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế cho khí đốt, nên xuất khẩu viên nén, dăm gỗ được hưởng lợi cả về lượng và giá thành… Ngoài ra, nhờ các chương trình giao lưu thương mại, các doanh nghiệp có thể hiểu thị trường nước ngoài đang cần gì để có thể tìm thị trường ngách, xuất khẩu những sản phẩm mới lạ, ít bị cạnh tranh.

 

Về vấn đề này, ông Trần Đắc Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Agroup chia sẻ, nhờ các hoạt động giao thương liên tục được xúc tiến và tổ chức, Công ty đã có điều kiện kết nối, tìm kiếm thêm các doanh nghiệp, đối tác từ Australia; đồng thời còn được tìm hiểu, nắm rõ các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn để đưa hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này.

 

Cần thực chất

 

Theo thông tin từ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), từ đầu năm tới nay, Cục đã hoàn thành việc tổ chức 30 Phiên tư vấn xuất khẩu cùng nhiều sự kiện giao thương trực tuyến. Trọng tâm của các hoạt động này không chỉ giúp doanh nghiệp kết nối đối tác, quan trọng hơn giúp doanh nghiệp hiểu và cập nhật được thông tin về các thị trường, nhất là thị trường có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.

 

Đặc biệt, Cục Xúc tiến thương mại đang đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số tích hợp nhiều nội dung, không những giúp doanh nghiệp thuận lợi và tiết kiệm chi phí hơn trong thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại còn giúp cơ quan chức năng thuận lợi hơn trong triển khai công tác này.

 

Kiến nghị thêm về vấn đề xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp đều mong muốn các hoạt động đi vào thực chất hơn, tránh hình thức chung chung. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam, việc xuất khẩu sang thị trường Nga bị ảnh nghiêm trọng do chiến sự Nga – Ukraine. Trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường xung quanh Nga, dù là các thị trường cũ nhưng vẫn lạ với doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp chè mong muốn các cơ quan chức năng thông tin nhanh chóng giúp doanh nghiệp tìm hiểu rõ hơn về các thị trường này.

 

Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp ngành gỗ kiến nghị, bên cạnh việc hỗ trợ mở rộng thị trường, công tác xúc tiến thương mại cũng cần giúp sức để các doanh nghiệp phòng tránh những vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại. Chẳng hạn như tổ chức đoàn làm việc của cơ quan chức năng, doanh nghiệp thị trường đối tác đến Việt Nam để chứng minh về nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất hợp pháp, minh bạch… giúp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.

 

Hiện việc đa dạng hóa đối tác thương mại luôn được các tổ chức quốc tế khuyến nghị với Việt Nam nhằm giảm nhẹ rủi ro và đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu được duy trì. Do đó, các hoạt động xúc tiến thương mại càng phải phát huy hiệu quả hơn nữa, với những cách làm đi đúng và trúng vào nhu cầu doanh nghiệp. Ngoài ra, việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm của Việt Nam trên thị trường thế giới cũng phải được thực hiện một cách bài bản hơn, không những giúp gia tăng đơn hàng mà còn gia tăng giá trị cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

 

Nguồn: Tạp chí Hải Quan

Quảng cáo sản phẩm