Một số quy định hải quan đối với các hoạt động xuất nhập khẩu tại EU

20/08/2008 12:00 - 1470 lượt xem

EU là thị trường mở, mang tính cạnh tranh, yêu cầu cao về chất lượng hàng, vệ sinh môi trường, nhãn mác, bao bì... Khung pháp lý về thị trường đã được mở hoàn toàn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam ngoài việc tiếp tục được hưởng ưu đãi GSP.

Tuy nhiên, để có thể tiếp cận thị trường EU, các doanh nghiệp cần hiểu rõ chính sách thương mại, các định chế, quy định và các yêu cầu sau:

Tự do lưu thông: Hàng hoá nhập khẩu vào EU được tự do lưu thông trên lãnh thổ 25 nước thành viên EU như hàng hoá được sản xuất tại EU sau khi đóng các khoản thuế nhập khẩu quy định.

Gia công tại EU: Cho phép hàng bán thành phẩm hoặc nguyên liệu thô được nhập vào EU để gia công và được các nhà sản xuất của EU tái xuất khẩu trong EU mà các nhà sản xuất không cần phải nộp thuế hải quan và VAT đối với hàng hoá đó. Có 2 cách liên quan đến thuế là miễn thuế hoặc đóng thuế trước và được hoàn thuế.

 Gia công dưới sự quản lý của hải quan: Nghĩa là hàng hoá được gia công phải chịu mức thuế thấp hơn trước khi đưa vào tự do lưu thông (ví dụ các vật liệu nhựa PVC chịu mức thuế 8,3% có thể gia công thành phim với mức thuế chỉ 2,7%). Mức thuế nhập khẩu chênh lệch sẽ dành cho việc bảo tồn hoặc thêm mới các hoạt động gia công tại cộng đồng.

Kho Hải quan: Kho hải quan cho phép doanh nghiệp giữ hàng nhập khẩu tại cộng đồng và lựa chọn thời gian đóng thuế hoặc tái xuất hàng hoá.

Khối lượng công việc và gia công cho phép đối với hàng hoá lưu kho hải quan được khống chế trong phạm vi bảo quản hàng hoá. Tuy nhiên cũng có thể tiến hành gia công để bán vào cộng đồng hoặc gia công dưới sự kiểm soát của hải quan tại kho hải quan.

Khu vực tự do: Khu vực tự do là khu vực đặc biệt trên lãnh thổ hải quan EU. Hàng hoá trong khu vực này được miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT và các loại thuế nhập khẩu khác. Hàng hoá nhập khẩu được lưu tại khu vực này được coi là chưa nhập khẩu vào cộng đồng, hàng hoá của cộng đồng lưu tại đây được coi là đã xuất khẩu.

Đối với hàng nhập khẩu, khu vực tự do được dùng như là nơi lưu kho đối với hàng hoá không có nguồn gốc cộng đồng cho đến khi hàng hoá này được đưa vào tự do lưu thông.

Tạm nhập: Tạm nhập là hàng hoá có thể được sử dụng tại Cộng đồng mà không phải nộp thuế nhập khẩu và thuế VAT theo một số điều kiện nhất định và phải tái xuất theo đúng tình trạng mà hàng hóa được nhập vào.

Đối với loại này, EU cho phép sử dụng kê khai bằng lời (nghĩa là trả lời hải quan như trường hợp đối với hành lý xách tay). Tuy nhiên, hải quan có thể yêu cầu liệt kê danh sách hàng hoá để bổ sung cho việc khai bằng lời.

Hàng quá cảnh: Luật hải quan EU cho phép hàng hoá được quá cảnh qua lãnh thổ hải quan EU nếu đáp ứng các quy định về thủ tục quá cảnh:

- Các bảo lãnh riêng;

- Các phương tiện vận chuyển;

- Các bản khai theo quy định;

- Hoàn thành các thủ tục tại hải quan xuất phát, trên đường và tại điểm đến;

- Các thủ tục kiểm soát hàng xuất cảnh.

Doanh nghiệp cũng có thể sử dụng các thủ tục quá cảnh được đơn giản hoá gồm:

- Sử dụng giấy bảo lãnh toàn diện hoặc gia hạn bảo lãnh;

- Sử dụng danh sách vận chuyển đặc biệt;

- Sử dụng dấu niêm phong đặc biệt;

- Miễn áp dụng các quy định để sử dụng lộ trình theo yêu cầu;

- Quy chế người gửi hàng ủy quyền;

- Quy chế người nhận hàng ủy quyền;

- Các thủ tục đơn giản hoá áp dụng cho việc vận chuyển hàng bằng tầu hoặc các công ten nơ loại lớn;

- Các thủ tục đơn giản hoá áp dụng với hàng vận chuyển qua đường hàng không, hàng hải và qua ống dẫn.

19/08/2008
Nguồn: www.thongtinthuongmaivietnam.com.vn
Quảng cáo sản phẩm