Nga sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu rau quả từ EU

27/06/2011 12:00 - 1035 lượt xem

Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã thông báo về việc Nga sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu rau quả từ Liên minh châu Âu (EU) được đưa ra trong tháng trước do bùng phát khuẩn E coli.

Tuy nhiên, Nga cũng khẳng định rõ rằng giao dịch sẽ chỉ được thực hiện một khi họ thấy được các chứng nhận chứng minh thực phẩm đó là an toàn. Theo EC, hoạt động xuất khẩu sẽ bắt đầu trong tuần này nhưng Nga lại cho rằng họ có thể sẽ không bắt đầu sớm thế. Ông Frederic Vincent - phát ngôn y tế của Ủy ban, cho biết “Chúng tôi đang hướng tới một sự bắt đầu lại nhanh chóng các hoạt động nhập khẩu rau quả từ châu Âu dựa trên những chứng nhận của EU giúp thanh minh cho các nhà chức trách của Nga rằng tại mỗi quốc gia thành viên của EU sẽ có các phòng thí nghiệm và một hệ thống giám sát và chứng nhận”.

EU cho hay mỗi quốc gia thành viên xuất khẩu rau sạch tới Nga sẽ phải xác nhận về nguồn gốc sản xuất và đảm bảo không có khuẩn E coli gây ra bùng phát. Tuy nhiên, theo ông Gennady Onishchenko - giám đốc của cơ quan giám sát bảo vệ tiêu dùng quốc gia, Nga sẽ chỉ bắt đầu nhập khẩu rau từ EU một khi Brussels cung cấp cho họ một danh sách các cơ quan chức năng và các phòng thí nghiệm được phép cấp chứng nhận về an toàn thực phẩm. “Tất cả phụ thuộc vào họ. Thỏa thuận này không có nghĩa rằng tất cả sẽ ngay lập tức trở lại với thị trường Nga”, ông cho biết. EU cũng tiết lộ rằng họ đang trong quá trình cung cấp cho cơ quan y tế của Nga tên của các cơ quan và phòng thí nghiệm quốc gia được thừa nhận giám sát rau.

Nga là một thị trường quan trọng cho các nhà sản xuất rau. Theo ước tính của EU, giá trị xuất khẩu rau sạch tới Nga đạt 600 triệu Euro mỗi năm, chiếm 1/3 tổng xuất khẩu. Trong đó, Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Ba Lan là các quốc gia xuất khẩu lớn nhất.

Bùng phát khuẩn E.coli tới nay đã khiến 35 người tử vong và 3.000 người nhiễm bệnh. Ban đầu, nguyên nhân của dịch bệnh được cho là do dưa chuột từ Tây Ban Nha nhưng sau đó đã được xác định là do giá đỗ từ một nông trại hữu cơ ở phía Bắc nước Đức. EC đã phải cung cấp 210 triệu Euro cho các nông dân châu Âu hứng chịu thiệt lại nặng nề do hậu quả của cuộc bùng phát xảy ra vào đầu tháng 5 này.

Nguồn: Báo công thương điện tử
Quảng cáo sản phẩm