Nga sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc
29/05/2011 12:00
Thủ tướng Nga Vladimir Putin sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc vào ngày 1-7 tới.
Là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ ba thế giới nên động thái này của Nga sẽ làm tăng nguồn cung thực phẩm khi hạn hán và lũ lụt liên tục đe dọa mùa màng của châu Âu và Mỹ thời gian gần đây.
Phát biểu trên truyền hình Nga vào ngày 28-5, Thủ tướng Putin khẳng định tình hình hiện tại cho phép Nga thu hồi lệnh cấm xuất khẩu này. Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, lúa mạch, ngô, lúa mạch đen và bột mì của Nga được ban hành vào tháng 8-2010, sau khi xảy ra đợt hạn hán và cháy rừng nghiêm trọng tại 28 tỉnh thành của Nga và làm giảm sản lượng ngũ cốc của nước này đến 37%.
Lệnh cấm ban đầu được đặt thời hạn đến cuối tháng 12 năm ngoái, nhưng được gia hạn vì lo sợ sẽ bị hụt trữ lượng thu hoạch năm nay. Trước đó, một bộ trưởng Nga đã đề nghị nên kéo dài lệnh cấm đến hết mùa hè.
AFP cho biết Thủ tướng Putin đã chỉ thị Phó thủ tướng thứ nhất phụ trách nông nghiệp Viktor Zubkov giám sát chặt chẽ để đảm bảo mọi nông dân Nga có thể tiếp cận các khoản vay hỗ trợ của chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu về hạt giống và đất canh tác cho vụ mùa mới.
Theo Phó thủ tướng Zubkov, trong đợt thu hoạch vụ mùa xuân sản lượng đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, dự trữ đã vượt quá 6 triệu tấn, còn kế hoạch vụ mùa đông sẽ diễn ra tốt đẹp. Bloomberg cũng dẫn một báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Nga ước tính trong năm nay nước này sẽ thu hoạch tổng cộng khoảng 85-90 triệu tấn ngũ cốc.
Ông Zubkov nói hiện một số loại ngũ cốc của Nga có giá rẻ nhất thế giới và việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu sẽ mang lại nguồn lợi cho nông dân nước này.
Trước đó ba ngày, AFP cho biết Ukraine - vốn được xem là vựa lúa mì của châu Âu - cũng tuyên bố sẽ sớm dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu lương thực. Ngày 25-5, Chính phủ Ukraine đã hủy bỏ hạn ngạch xuất khẩu đối với tất cả mặt hàng ngũ cốc được áp dụng tháng 10 năm ngoái. Trước đó, trong khuôn khổ lệnh cấm nên các doanh nghiệp nước này chỉ được phép xuất khẩu 500.000 tấn đại mạch và tiểu mạch cùng 2 triệu tấn bắp.
Các nhà phân tích nói lệnh cấm xuất khẩu của Nga chính là một nguyên nhân dẫn đến giá lương thực tăng nhanh chóng vào năm ngoái, và cũng là một trong các yếu tố đằng sau cuộc nổi dậy tại các nước Ả Rập.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
Các tin khác
- Ai Cập tiếp nhận Hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng lốp xe ô-tô tải và xe buýt có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam (07/05/2025)
- Bộ Công Thương tổ chức phiên tham vấn công khai vụ việc ĐTADCBPG đối với sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc (05/05/2025)
- Bộ Công Thương ban hành QĐSĐBS QĐ ADTCBPG tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc (05/05/2025)
- Bộ Công Thương ban hành QĐSĐBS QĐADTCBPG tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (05/05/2025)
- Hàn Quốc ban hành kết luận cuối cùng về ĐTCBPG giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam (05/05/2025)