Ngành thép ứng phó với những vụ kiện về phòng vệ thương mại

17/08/2022 02:23 - 317 lượt xem

Hiện nay, các sản phẩm thép Việt Nam không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á, mà còn mở rộng ra ở hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu với các thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ... Do đó, việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép cũng là lý do khiến nhiều quốc gia đặc biệt chú ý và gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành này.

 

Theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong thời gian từ năm 2004 – 7/2022, nước ngoài kiện thép xuất khẩu của Việt Nam với tổng số 68 vụ việc; trong đó, kiện chống bán phá giá 38 vụ, kiện chống trợ cấp 3 vụ, kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp 6 vụ, kiện điều tra áp dụng biện pháp tự vệ 13 vụ, kiện chống lẩn tránh thuế 8 vụ.

 

Mặc dù phải đối phó với đại dịch Covid-19, song ngành thép Việt Nam vẫn có những bước đột phá khi xuất khẩu thép trong 7 tháng vẫn đạt gần 4,4 triệu tấn, với giá trị 5 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, sản lượng thép xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm hơn 9%, giá trị hơn 11,4% toàn ngành.

 

Đại diện VSA cho hay, hiện các sản phẩm thép Việt Nam không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á, mà còn mở rộng ra hơn hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu với các thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ... Do đó, việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép cũng là lý do khiến nhiều quốc gia đặc biệt chú ý và gia tăng điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành này.

 

Mới đây nhất, tháng 7 vừa qua, ngành thép Việt Nam liên tục nhận 2 vụ kháng kiện. Cụ thể, ngày 29/7/2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép - chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 - nhập khẩu từ Việt Nam. Trước đó, ngày 28/7/2022, Bộ Kinh tế Mehico cũng đã đăng công báo chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam trên cơ sở đơn kiện của ngành sản xuất trong nước.

 

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho hay: Bên cạnh Liên minh châu Âu (EU), Mỹ là thị trường xuất khẩu tiềm năng của các doanh nghiệp thép Việt Nam. Tuy nhiên, việc sản lượng xuất khẩu gia tăng, đồng nghĩa các mặt hàng thép trong nước phải đối diện nhiều hơn các vụ điều tra phòng vệ từ chính thị trường này.

 

Mặt hàng thép có truyền thống bị khởi kiện, không phải là vấn đề mới xuất hiện những năm gần đây. Theo ông Dũng, nguyên nhân là do các nước đều có chủ trương phát triển ngành sản xuất nội địa trong khi thép là ngành công nghiệp cơ bản. Thép cũng là đầu vào của nhiều ngành khác nhau, cho nên khi khởi kiện, áp thuế cho sản phẩm thép tức là gián tiếp bảo hộ ngành hạ nguồn.

 

Một trong những doanh nghiệp thuộc VSA, đại diện Công ty cổ phần Tôn Đông Á cho biết, việc các thị trường thực hiện kiện, áp thuế chống bán phá giá với các sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam đã có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất tôn thép trong nước. Nhiều nhà máy thép đã bị hạn chế xuất khẩu đi các nước châu Âu, Mỹ và cả khu vực Đông Nam Á.

 

"Để phòng vệ, mỗi doanh nghiệp cần có phương án, chiến lược riêng để ứng phó trong tình hình hiện nay. Rất có thể tình hình này sẽ tiếp tục kéo dài bởi xu thế chiến tranh thương mại vẫn chưa có dấu hiệu ngã ngũ và đang có nhiều diễn biến phức tạp", đại diện Công ty cổ phần Tôn Đông Á cho hay.

 

Ông Nguyễn Văn Sưa - Chuyên gia ngành thép cho hay, đa số các doanh nghiệp trong ngành thép đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên sự hiểu biết và quan tâm về phòng vệ thương mại chưa nhiều. Khi những vụ kiện phòng vệ từ nước ngoài xảy ra, họ dễ rơi vào trạng thái bị động nếu trở thành đối tượng bị điều tra. Ứng phó với tình huống ấy, việc cần làm là phải xoay chuyển sang thế chủ động, phối hợp liên kết với nhau giữa các doanh nghiệp trong ngành cùng với cơ quan chức năng về phòng vệ thương mại ở trong nước. Chính doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng hệ thống kế toán minh bạch và cập nhật các kiến thức về phòng vệ thương mại. Đó chính là cách thức tự bảo vệ bản thân trước những vụ kiện từ thị trường nước ngoài; đồng thời, bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu.

 

Nguồn: Tạp chí Khoa Học Phổ Thông online

Quảng cáo sản phẩm