Nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam là yếu tố quyết định đối với các vụ kiện phòng vệ thương mại

13/12/2023 03:27 - 36 lượt xem

Những mặt hàng dễ dàng bị tổn thương nhất, dễ bị điều tra nhất chính là những mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu nhanh, mạnh. Trong hoàn cảnh đó, nếu doanh nghiệp chỉ mong muốn xuất khẩu và thu lợi nhuận sẽ rất nguy hiểm. Do đó, nhận thức của doanh nghiệp thực sự quan trọng trong các vụ kiện phòng vệ thương mại.

 

Với chủ trương đúng đắn của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, xuất khẩu đã trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh qua từng năm; nếu như năm 2001 mới đạt hơn 30 tỷ USD, năm 2011 đã lên tới 200 tỷ USD; 730,2 tỷ USD năm 2022. Xuất khẩu của nước ta đã tăng từ mức 15 tỷ USD vào năm 2001 lên hơn 96 tỷ USD năm 2011 và đạt 371,30 tỷ USD vào năm 2022.

 

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh đồng nghĩa phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài.

 

Bộ Công Thương cho biết, tính đến tháng 10/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 234 vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài từ 24 thị trường. Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng, từ mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tủ gỗ, gỗ dán, pin năng lượng mặt trời, tôm, cá tra, cá basa, máy xịt rửa áp lực cao… đến các mặt hàng có kim ngạch nhỏ hơn như đệm mút, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá, hạt nhựa EPS, mật ong…

 

Một số thành công bước đầu

 

Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xử lý hiệu quả vụ việc PVTM nước ngoài.

 

Tính đến nay, Việt Nam đã tiến hành khiếu nại 5 biện pháp PVTM của nước ngoài ra cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), trong đó, có 4 vụ việc đã có phán quyết với kết quả tích cực cho Việt Nam.

 

Trong các khuôn khổ thích hợp, Bộ Công Thương cũng đề nghị các quốc gia xem xét công nhận nền kinh tế thị trường cho Việt Nam để trong các vụ việc điều tra PVTM, cơ quan điều tra nước ngoài không lựa chọn nước thay thế, sử dụng giá trị thay thế của nước ngoài để tính biên độ phá giá cho doanh nghiệp Việt Nam, dẫn đến mức thuế cao cho doanh nghiệp. Tính đến nay, Việt Nam đã được 72 quốc gia trên thế giới công nhận nền kinh tế thị trường, đặc biệt, có các nền kinh tế lớn như Anh, Australia…

 

Với các nỗ lực của Chính phủ, theo Bộ Công Thương, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về PVTM đang dần được nâng cao. Mặt khác, ta cũng ghi nhận nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Nhờ đó, doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp so với cáo buộc ban đầu hoặc so với các nước khác cùng bị áp thuế, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

 

Một số kết quả đạt được trong năm 2022 và đầu năm 2023, điển hình như Hoa Kỳ kết luận thép dây không gỉ Việt Nam không lẩn tránh thuế PVTM đang áp dụng với Hàn Quốc; một số sản phẩm ống thép không lẩn tránh thuế PVTM đang áp dụng với Đài Loan (Trung Quốc), doanh nghiệp pin mặt trời lớn của Việt Nam không lẩn tránh thuế và miễn thuế tạm thời với mặt hàng này, Chính phủ Việt Nam không trợ cấp đối với doanh nghiệp xuất khẩu lốp xe được rà soát trong năm 2021; Ấn Độ dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá với thép mạ hợp kim nhôm kẽm của Việt Nam; Úc chấm dứt thuế chống bán phá giá với nhôm định hình và chấm dứt điều tra chống bán phá giá amoni nitrat…

 

Nhận thức của doanh nghiệp thực sự quan trọng trong ứng phó với phòng vệ thương mại

 

Theo ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài (Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương), thời gian tới, những mặt hàng lợi thế và xương sống của Việt Nam như: thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, các sản phẩm kim loại cơ bản như là thép, nhôm, các sản phẩm liên quan đến dệt may và một số sản phẩm hóa chất... sẽ là những sản phẩm truyền thống sẽ tiếp tục đối diện các nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại trong tương lai, ngay cả trong các FTA và thị trường CPTPP.

 

Trước xu thế điều tra phòng vệ thương mại gia tăng như hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước đang tăng cường hỗ trợ, đó là một thuận lợi rất lớn với doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp đã có sự va vấp từ sớm, rất nhiều doanh nghiệp, ngành nghề, hiệp hội đã có cơ hội cọ xát với các vụ phòng vệ thương mại nên cũng đã phản ứng rất nhanh và kịp thời khi có việc diễn ra.

 

Tuy nhiên, về khó khăn, ông Phùng Gia Đức cũng phân tích: Hiện pháp luật của mỗi nước mặc dù đều dựa trên quy định chung của WTO nhưng các quốc gia cũng tự nội luật hóa pháp luật của mình với những điều kiện nhỏ, những điều kiện còn khác nhau nên khi đối mặt với việc cụ thể, doanh nghiệp cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về pháp luật phòng vệ thương mại của nước đó.

 

Tiếp đó là vấn đề ngôn ngữ, đây là một vấn đề về nguyên tắc trong các các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Các nước đều sẽ sử dụng ngôn ngữ của mình khi điều tra phòng vệ thương mại gây nên một rào cản rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, do phải thực hiện dịch thuật rất phức tạp.

 

"Khó khăn nhất là nhận thức của doanh nghiệp khi tham gia vào "sân chơi" chung toàn cầu. Nếu doanh nghiệp chỉ mong muốn xuất khẩu và thu lợi nhuận nhanh chóng mà không quan tâm đến lâu dài sẽ rất nguy hiểm. Do đó, nhận thức của doanh nghiệp thực sự quan trọng trong lĩnh vực phòng vệ thương mại", ông Phùng Gia Đức nhìn nhận.

 

Doanh nghiệp đang có sự ủng hộ rất lớn từ Chính phủ

 

Để ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại có thể xảy ra trong tương lai gần, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho rằng: Doanh nghiệp đang có sự ủng hộ rất lớn của Chính phủ, của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương.

 

Cục Phòng vệ thương mại cũng đã và đang thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin nhanh, kịp thời về phòng vệ thương mại tới cộng đồng doanh nghiệp. Vì thế, doanh nghiệp cần tận dụng, quan tâm và tham khảo. Ngoài ra, thông tin từ thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cũng là một nguồn quan trọng, chính thống doanh nghiệp nên tận dụng, nắm bắt.

 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có một mối quan hệ rất chặt chẽ với các đối tác nhập khẩu vì họ là những người nắm thông tin nhanh nhất, thậm chí những thông tin chưa chính thức, những thông tin tin đồn trên thị trường.

 

Ngoài ra, khi xuất khẩu sang thị trường mục tiêu, doanh nghiệp nên dành một nguồn lực để nghiên cứu về pháp luật phòng vệ thương mại của thị trường đó, đây là cách để phòng ngừa trước các nguy cơ bị kiện rất hiệu quả.

 

Về vai trò của Bộ Công Thương, thời gian qua, nhằm bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đẩy mạnh thực hiện Đề án xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM (Đề án 316); Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ (Đề án 824) của Chính phủ. Trong đó, Bộ Công Thương đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của 41 mặt hàng, riêng trong năm 2023, cơ quan này đã đã đưa ra danh sách cảnh báo gồm 18 mặt hàng để thông tin cho các cơ quan chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác có sự chuẩn bị, ứng phó với vụ kiện.

 

Theo ghi nhận của Bộ Công Thương, thông qua công tác cảnh báo sớm, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã chủ động ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài. Bộ Công Thương đã sớm tiếp cận với doanh nghiệp trong ngành để cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; kịch bản có thể xảy ra. Nhờ đó, doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.

 

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng, xu thế sử dụng các biện pháp PVTM ngày càng gia tăng, đây sẽ là áp lực lớn cho cả doanh nghiệp và Chính phủ thời gian tới. Vì thế, Bộ Công Thương xác định, công tác hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với các biện pháp PVTM từ các quốc gia tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển các thị trường xuất khẩu.

 

Nguồn: Báo Chính phủ

Quảng cáo sản phẩm