Nhiều tiềm năng đầu tư từ hành lang kinh tế Bắc - Nam của 5 quốc gia thuộc GMS

23/05/2011 12:00 - 939 lượt xem

Trong hai ngày 19 và 20/5, các quan chức trung ương và địa phương trên tuyến Hành lang kinh tế Bắc – Nam của năm quốc gia thuộc Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) sẽ họp tại Côn Minh- Trung Quốc để thảo luận về những nội dung ưu tiên và việc phát triển hơn nữa tuyến hành lang. Hội nghị do ADB tổ chức và được sự hỗ trợ của Tổ chức Phát triển Quốc tế Ôx-trây-lia (AusAID)

Đây là tuyến hành lang được đánh giá sẽ đem đến những cơ hội đầu tư rộng mở trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, năng lượng, dịch vụ hậu cầnvà công nghiệp chế tạo.Những lĩnh vực trên đã được xác định trong chiến lược vàkế hoạch hành động trên tuyến Hành lang kinh tế Bắc - Nam  do Hội nghị Bộ trưởng GMS thông qua tại Thái Lan vào năm 2009. Việc đầu tư trong các lĩnh vực này có thể giúp bổ sung và hoàn thiện các dự án về cơ sở hạ tầng đang được thi công trên tuyến hành lang.

Các lĩnh vực được đưa ra để thu hút đầu tư của khu vực tư nhân là nông nghiệp và chế biến nông sản, bao gồm chế biến thực phẩm và hợp đồng tiêu thụ nông sản; các ngành công nghiệp tài nguyên, bao gồm chế biến khoáng sản và lâm sản; các ngành công nghiệp liên quan đến năng lượng; các ngành công nghiệp nhẹ, chẳng hạn như dệt may, giày dép, giấy, linh kiện và hàng tiêu dùng; vật liệu xây dựng, bao gồm xi-măng, sắt thép; máy và thiết bị nông nghiệp; các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, chẳng hạn như phụ tùng ô tô, điện tử và linh kiện điện tử; các ngành công nghiệp dịch vụ, chẳng hạn như du lịch và dịch vụ hậu cần, và các ngành thủ công nghiệp liên quan đến du lịch có sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương.

Hành lang Kinh tế Bắc – Nam bao gồm các tuyến hành lang Côn Minh – Chiềng Rai – Băng Cốc (cánh phía Tây), Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng (cánh trung tâm), Nam Ninh – Hà Nội (cánh phía Đông). Đây là vị trí thuận lợi để là một cửa ngõ cho quan hệ thương mại giữa ASEAN với Trung Quốc, mối quan hệ được dự kiến sẽ mở rộng nhanh chóng với việc thực thi hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc.

Ôx-trây-lia là một đối tác quan trọng trong việc phát triển các tuyến hành lang kinh tế của GMS. Thông qua AusAID, Ôx-trây-lia đang cung cấp hơn 346 triệu đô-la cho các dự án thương mại và hạ tầng quan trọng trong GMS. Sự hỗ trợ của Ôx-trây-lia sẽ giúp tăng cường hội nhập kinh tế, khả năng tiếp cận thị trường và các dịch vụ cơ bản, cũng như cung cấp các cơ hội việc làm cho những người dân nghèo trong khu vực tiểu vùng.

Nguồn: Báo công thương điện tử

 

Quảng cáo sản phẩm