Những nhóm hàng nhập khẩu chính 8 tháng năm 2016

22/09/2016 12:00 - 1266 lượt xem

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết 8 tháng/2016 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 223,55 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập khẩu đạt 110,34 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng là gần 2,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với tháng trước, nâng trị giá nhập khẩu trong 8 tháng/2016 lên 17,88 tỷ USD, giảm 3,5% so với 8 tháng/2015. Khối doanh nghiệp FDI nhập khẩu 9,68 tỷ USD, giảm 17,7% trong khi khối doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 8,2 tỷ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 8 tháng qua với trị giá là 5,81 tỷ USD, giảm 3,3%; tiếp theo là các thị trường: Hàn Quốc: 3,58 tỷ USD, tăng 3,3%; Nhật Bản: 2,69 tỷ USD, giảm 16,6%; Đài Loan: 888 triệu USD, giảm 12,5%... so với cùng kỳ năm trước.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: Trị giá nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng là 2,6 tỷ USD, tăng 8,3% so với tháng trước. Tính trong 8 tháng/2016, cả nước nhập khẩu 17,64 tỷ USD, tăng 16,2%; trong đó nhập khẩu của khu vực FDI là 16,29 tỷ USD, tăng 16,6% và nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước là 1,35 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hàn Quốc tiếp tục là đối tác lớn nhất cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam với trị giá nhập khẩu là 5,63 tỷ USD, tăng 25,7%; tiếp theo là các thị trường: Trung Quốc: 3,62 tỷ USD, tăng 9,5%; Đài Loan: gần 2 tỷ USD, tăng mạnh 46%; Nhật Bản: 1,69 tỷ USD, tăng 13,4%; Hoa Kỳ: 1,37 tỷ USD, tăng mạnh 47,3%;... so với một năm trước đó.

Vải các loại: Nhập khẩu vải các loại đạt kim ngạch gần 871 triệu USD trong tháng 8/2016, giảm 3% so với tháng trước. Trong 8 tháng năm 2016 xuất khẩu nhóm hàng này đạt gần 6,83 tỷ USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường cung cấp vải các loại cho Việt Nam trong 8 tháng/2016 gồm: Trung Quốc với kim ngạch hơn 3,56 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 1,26 tỷ USD, tăng 1,7%; Đài Loan đạt 975 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước; ...

Sắt thép các loại: Nhập khẩu sắt thép trong tháng 8 là 1,29 triệu tấn, trị giá là 653 triệu USD, giảm 11,9% về lượng và giảm 7,5% về trị giá so với tháng trước.

Tính đến hết tháng 8-2016, lượng sắt thép cả nước nhập về là 12,36 triệu tấn, tăng 24,9% về lượng. Đơn giá nhập khẩu sắt thép các loại bình quân trong 8 tháng/2016 giảm 20,3% nên trị giá nhập khẩu là 5,13 tỷ USD, giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm 2015.

 Sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 8 tháng qua từ Trung Quốc là 7,3 triệu tấn, tăng 22,1%; Nhật Bản: 1,83 triệu tấn, tăng 8,1%; Hàn Quốc: 1,18 triệu tấn, tăng 3,3%...so với 8 tháng/2015.   

Chất dẻo nguyên liệu: Nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu trong tháng 8-2016 đạt 432 nghìn tấn, trị giá 596 triệu USD, tăng 16,9% về lượng và 16,1% về giá so với tháng trước. Tính đến hết tháng 8-2016 nhập khẩu nhóm hàng này đạt 2,87 triệu tấn, trị giá gần 3,93 tỷ USD, tăng 17,2% về lượng, tuy nhiên chỉ tăng 2% về giá.

Các thị trường cung cấp chất dẻo nguyên liệu cho Việt Nam trong 8 tháng/2016 là: Hàn Quốc cung cấp 507 nghìn tấn, trị giá 742 triệu USD, tăng 5,2% về lượng nhưng giảm 4,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; Ả Rập Xê Út cung cấp 569 nghìn tấn, trị giá 609 triệu USD, tăng 12,5% về lượng, giảm 3,8% về giá; tiếp theo là thị trường Đài Loan cung cấp 420 nghìn tấn, trị giá 603 triệu USD, tăng 16,1% về lượng, giảm 0,1% về trị giá; ...

Nguyên phụ liệu dệt may, da, giầy: Nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 8-2016 đạt trị giá 434 triệu USD, tăng 4,3% so với tháng trước. Trong 8 tháng 2016 nhập khẩu nhóm hàng này đạt gần 3,38 tỷ USD tương tự mức nhập khẩu của 8 tháng 2015.

Các thị trường cung cấp nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy cho Việt Nam trong 8 tháng 2016 chủ yếu gồm: Trung Quốc với kim ngạch hơn 1,23 tỷ USD, tăng 3,7% so với năm trước; Hàn Quốc với kim ngạch 536 triệu USD, tăng nhẹ 0,9%; Đài Loan đạt kim ngạch 311 triệu USD, giảm nhẹ 2,1% so với năm trước.

Xăng dầu các loại: Lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng là gần 730 nghìn tấn với trị giá nhập khẩu là 314 triệu USD, giảm 11,9% về lượng và giảm 10,6% về trị giá so với tháng trước.

Tính đến hết 8 tháng/2016, cả nước nhập khẩu 7,96 triệu tấn với trị giá là 3,08 tỷ USD, tăng 23% về lượng và giảm 16,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 8 tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ: Singapo với 3,05 triệu tấn, tăng 12,3%; Malaysia: 2,23 triệu tấn, gấp gần 5 lần; Hàn Quốc: 1,06 triệu tấn, gấp 6,7 lần; Trung Quốc: 772 nghìn tấn, giảm 24,6%; Thái Lan: 657 nghìn tấn, giảm 45%... so với 8 tháng/2015.
Nguồn: Báo điện tử Hải Quan
Quảng cáo sản phẩm