Quy định về phòng vệ thương mại của Liên minh châu Âu và bài học kinh nghiệm trong việc xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam
23/04/2025 08:28
1. Quy định về phòng vệ thương mại của Liên minh châu Âu
1.1. Các biện pháp phòng vệ thương mại chính của Liên minh châu Âu
Biện pháp phòng vệ thương mại là các công cụ chính sách thương mại được các thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) áp dụng nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước của mình trước những tác động tiêu cực từ hàng nhập khẩu, đặc biệt khi hàng hóa nhập khẩu có sự cạnh tranh không công bằng, gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước.
Giống như nhiều thành viên phát triển khác của WTO, Liên minh châu Âu (EU) sử dụng ba biện pháp phòng vệ thương mại chính để bảo vệ ngành sản xuất nội khối trước các tác động tiêu cực từ hàng hóa nhập khẩu, đó là biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ.
Biện pháp chống bán phá giá (anti-dumping) được áp dụng khi hàng hóa nhập khẩu bị bán với giá thấp hơn giá trị thông thường của chúng tại nước xuất khẩu, gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội khối của EU.
Biện pháp chống trợ cấp (countervailing measures) được áp dụng khi hàng hóa nhập khẩu nhận được các khoản trợ cấp tài chính riêng biệt bởi chính phủ nước xuất khẩu, làm sai lệch cạnh tranh và gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội khối của EU.
Biện pháp tự vệ (safeguards) được sử dụng trong trường hợp hàng nhập khẩu gia tăng đột biến do nguyên nhân không lường trước, gây thiệt hại nghiêm trọng đến ngành sản xuất nội khối của EU.
1.2. Cơ sở pháp lý
Trái ngược với các công cụ chính sách thương mại khác thường hướng đến việc cắt giảm thuế quan và các rào cản phi thuế quan nhằm tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại có tính chất hạn chế nhập khẩu. Vì vậy, để áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, với tư cách là thành viên của WTO, EU phải tuân thủ các điều kiện chặt chẽ được quy định trong các hiệp định của WTO, các cam kết quốc tế cũng như pháp luật trong nước.
Quy định trong các hiệp định của WTO là nền tảng pháp lý cơ bản cho hoạt động điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Các quy định này được đưa ra tại Điều VI (đối với biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp) và Điều XIX (đối với biện pháp tự vệ) của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) và được chi tiết tại Hiệp định chống bán phá giá, Hiệp định trợ cấp và các biện pháp đối kháng và Hiệp định về các biện pháp tự vệ. Quy định trong các hiệp định này đưa ra khái niệm về bán phá giá, trợ cấp, tự vệ; điều kiện để áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; cách xác định các yếu tố liên quan; thủ tục điều tra; biện pháp áp dụng và thời hạn áp dụng; yêu cầu về rà soát biện pháp; tính minh bạch trong toàn bộ quá trình và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các thành viên. Hoạt động điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của EU sẽ phải tuân thủ theo các quy định này. Trong trường hợp một thành viên của WTO cho rằng biện pháp phòng vệ thương mại mà EU áp dụng chưa phù hợp với các quy định của WTO, họ có quyền khiếu nại theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.
Bên cạnh quy định trong các hiệp định của WTO, các vấn đề liên quan đến phòng vệ thương mại giữa EU và Việt Nam còn được điều chỉnh bởi các quy định trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Chương 3 của Hiệp định (Chương Phòng vệ thương mại) tái khẳng định những nguyên tắc và quy định về phòng vệ thương mại trong các hiệp định của WTO. Ngoài ra, EVFTA còn có những quy định đặc thù áp dụng riêng đối với trao đổi thương mại giữa EU và Việt Nam, đó là quy định về biện pháp tự vệ song phương. Biện pháp tự vệ song phương là một biện pháp tự vệ đặc biệt chưa được quy định tại các hiệp định của WTO nhưng thường xuất hiện trong các hiệp định thương mại tự do. Theo đó, các bên tham gia hiệp định thương mại tự do có quyền ngừng thực hiện cam kết cắt giảm thuế đối với một mặt hàng theo hiệp định nếu lượng nhập khẩu gia tăng quá mức do việc cắt giảm thuế gây thiệt hại đến ngành sản xuất trong nước. Đây được xem như một chiếc “van an toàn” nhằm đảm bảo việc cắt giảm thuế không tạo ra những tác động tiêu cực không thể khắc phục đối với ngành sản xuất trong nước của bên tham gia hiệp định.
EVFTA cho phép một bên được áp dụng biện pháp tự vệ song phương trong khoảng thời gian chuyển tiếp 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Biện pháp tự vệ song phương chỉ được áp dụng sau quá trình điều tra tương tự như biện pháp tự vệ của WTO và kết quả điều tra cho thấy các điều kiện để áp dụng biện pháp tự vệ song phương đã được đáp ứng. Biện pháp tự vệ song phương đối với mặt hàng cụ thể được áp dụng dưới hình thức tạm ngừng lộ trình giảm thuế theo hiệp định của mặt hàng đó hoặc tăng thuế suất nhập khẩu lên đến mức ngang bằng với mức thuế suất tối huệ quốc. Thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ song phương là hai năm và có thể gia hạn tối đa thêm hai năm nữa.
Để thực hiện các cam kết trong các hiệp định của WTO và các hiệp định thương mại tự do, Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành các quy định cụ thể về điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Các quy định này bao gồm Quy định (EU) 2016/1036 về chống bán phá giá, Quy định (EU) 2016/1037 về chống trợ cấp, Quy định (EU) 2015/478 về biện pháp tự vệ và một số quy định liên quan khác. Đây là những văn bản pháp lý điều chỉnh các hoạt động điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của EU. Về cơ bản, các quy định này bám sát cam kết của EU tại WTO và trong các hiệp định thương mại tự do, đảm bảo quy trình điều tra được thực hiện một cách công bằng, minh bạch, dựa trên những bằng chứng xác thực do các bên liên quan cung cấp.
1.3. Quy trình điều tra phòng vệ thương mại của Liên minh châu Âu
Căn cứ các quy định về phòng vệ thương mại của EU, một biện pháp phòng vệ thương mại chỉ được áp dụng sau khi đã tiến hành một cuộc điều tra và kết quả điều tra cho thấy các điều kiện để áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đã được đáp ứng. Đối với EU, cơ quan tiến hành điều tra là Ủy ban châu Âu (EC). Thời gian điều tra có thể kéo dài từ 12 đến 15 tháng đối với vụ việc chống bán phá giá hoặc trợ cấp và từ 9 đến 11 tháng đối với vụ việc tự vệ.
Nhìn chung, cuộc điều tra được khởi xướng dựa trên hồ sơ yêu cầu điều tra của đại diện ngành sản xuất nội khối. Thông thường, bên nộp hồ sơ yêu cầu điều tra được xem là đủ tư cách đại diện cho ngành sản xuất nội khối của EU khi tập hợp được các doanh nghiệp có tổng sản lượng chiếm ít nhất 25% sản lượng của toàn ngành sản xuất. Sau khi nhận được hồ sơ yêu cầu điều tra, trong vòng 45 ngày, Ủy ban châu Âu sẽ xem xét các chứng cứ được đưa ra trong hồ sơ yêu cầu trước khi đưa ra quyết định khởi xướng điều tra. Sau khi có quyết định khởi xướng điều tra, Ủy ban châu Âu sẽ gửi bản câu hỏi đến các bên liên quan để thu thập thông tin và tiến hành phân tích, đánh giá. Quá trình này kéo dài trong khoảng từ 60 đến 120 ngày. Dựa trên các phân tích, đánh giá ban đầu, Ủy ban châu Âu có thể đưa ra kết luận sơ bộ. Nếu kết luận sơ bộ cho thấy các điều kiện được đáp ứng, Ủy ban châu Âu sẽ quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời nhằm ngăn chặn thiệt hại do hàng nhập khẩu gây ra đối với ngành sản xuất nội khối. Biện pháp tạm thời này có thời hạn áp dụng tối đa là từ 4 đến 6 tháng đối với các vụ việc điều tra chống bán phá giá và trợ cấp; 200 ngày đối với các vụ việc điều tra tự vệ. Trong khoảng thời gian đó, Ủy ban châu Âu sẽ tiếp tục xem xét tính chính xác của các thông tin, số liệu do các bên liên quan cung cấp. Quá trình này có thể bao gồm cả việc Ủy ban châu Âu cử các điều tra viên đến làm việc tại các doanh nghiệp để thẩm tra lại tính chính xác của các thông tin, số liệu mà các doanh nghiệp này đã cung cấp cho Ủy ban châu Âu theo yêu cầu. Trên cơ sở thẩm tra, Ủy ban châu Âu sẽ hoàn thiện kết luận điều tra cuối cùng.
Nếu kết luận điều tra cuối cùng của Ủy ban châu Âu cho thấy các điều kiện theo quy định đã được thỏa mãn và biện pháp phòng vệ thương mại cần thiết phải được áp dụng, Ủy ban châu Âu sẽ kiến nghị với Hội đồng châu Âu thông qua biện pháp phòng vệ thương mại.
Đối với biện pháp chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp, thời hạn áp dụng biện pháp sẽ kéo dài 5 năm. Trước khi kết thúc thời hạn 5 năm, Ủy ban châu Âu sẽ tiến hành rà soát để xem xét liệu việc chấm dứt biện pháp có dẫn đến khả năng tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá hoặc trợ cấp hay không và ngành sản xuất nội khối có khả năng tiếp tục hoặc tái diễn thiệt hại hay không. Nếu các khả năng này xảy ra, biện pháp chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp sẽ được tiếp tục gia hạn.
Đối với biện pháp tự vệ, thời hạn áp dụng biện pháp sẽ kéo dài tối đa là 4 năm. Trước khi kết thúc thời hạn 4 năm, Ủy ban châu Âu cũng sẽ tiến hành việc rà soát để xem xét việc gia hạn hay chấm dứt biện pháp. Tuy nhiên, khác với biện pháp chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp có thể được gia hạn nhiều lần và không giới hạn về thời gian, một biện pháp tự vệ nếu được gia hạn cũng chỉ có thể gia hạn tối đa thêm 4 năm nữa. Vì vậy, một biện pháp tự vệ của EU có thời hạn áp dụng tối đa là 8 năm, kể cả thời gian gia hạn.
1.4. Đặc điểm riêng trong cơ chế phòng vệ thương mại của EU
Mặc dù tuân thủ theo các nguyên tắc chung về điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được quy định tại các hiệp định của WTO, EU cũng có những quy định riêng mang tính chất đặc thù, tạo ra sự khác biệt giữa cơ chế phòng vệ thương mại của EU với cơ chế phòng vệ thương mại của các thành viên WTO khác. Các quy định này bao gồm việc xác định nền kinh tế phi thị trường (non-market economies) và tình hình thị trường đặc biệt (particular market situation), nguyên tắc thuế thấp hơn (lesser duty rule), yêu cầu xem xét lợi ích của liên minh (Union interest), cơ chế hoàn thuế và cơ chế giải quyết tranh chấp.
1.4.1. Nền kinh tế phi thị trường và tình hình thị trường đặc biệt
Trong điều tra chống bán phá giá, nếu EU cho rằng quốc gia xuất khẩu không vận hành theo nguyên tắc thị trường, họ có thể từ chối sử dụng dữ liệu giá và chi phí của quốc gia đó. Thay vào đó, EU sử dụng dữ liệu từ một nước thay thế (analog country) có nền kinh tế thị trường để tính toán giá trị thông thường. Điều này thường dẫn đến mức thuế chống bán phá giá cao hơn cho nhà xuất khẩu đến từ quốc gia bị coi là nền kinh tế phi thị trường.
Việc xác định một quốc gia là nền kinh tế phi thị trường dựa trên các tiêu chí được quy định trong Quy định (EU) 2016/1036, bao gồm: (1) mức độ can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế (đặc biệt trong việc xác định giá cả, chi phí và hoạt động sản xuất); (2) sự độc lập của doanh nghiệp nhà nước; (3) sự hiện diện của các quy định pháp luật đảm bảo minh bạch kế toán và kiểm toán theo chuẩn quốc tế; (4) sự tự do của doanh nghiệp trong đàm phán giá, lựa chọn đầu vào, đầu ra và đầu tư; (5) mức độ biến dạng thị trường do trợ cấp, ưu đãi hoặc phân bổ tài nguyên theo chỉ định của nhà nước. Nếu các tiêu chí này không được đáp ứng đầy đủ, EU có thể coi quốc gia đó là nền kinh tế phi thị trường.
Một ví dụ điển hình là Trung Quốc. Mặc dù theo cam kết gia nhập WTO, quy chế nền kinh tế phi thị trường đối với Trung Quốc kết thúc vào năm 2016, EU vẫn tiếp tục xây dựng và đưa ra báo cáo đánh giá rằng Trung Quốc không đáp ứng các tiêu chí của một nền kinh tế thị trường. Báo cáo đánh giá của EU nêu rõ: (1) Nhà nước Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng và việc phân bổ tín dụng; (2) Doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo định hướng chính trị hơn là thị trường; (3) Giá năng lượng, đất đai và một số nguyên liệu thô bị kiểm soát bởi nhà nước; (4) Thiếu minh bạch trong hệ thống kế toán, kiểm toán và dữ liệu tài chính; (5) Trợ cấp và ưu đãi rộng khắp gây bóp méo cạnh tranh thị trường.
Việc EU tiếp tục xem Trung Quốc là nền kinh tế phi thị trường cho phép họ sử dụng các nước thay thế để tính toán giá trị thông thường, từ đó áp thuế chống bán phá giá cao hơn. Điều này tác động mạnh đến hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào EU, đồng thời tạo tiền lệ và cơ sở để EU tiếp tục sử dụng cách tiếp cận này với các quốc gia khác có đặc điểm tương tự, bao gồm cả Việt Nam nếu không chứng minh được tính thị trường của nền kinh tế trong các vụ điều tra.
Tương tự như việc xác định nền kinh tế phi thị trường, việc xác định tình hình thị trường đặc biệt cũng cho phép EU từ chối sử dụng dữ liệu giá và chi phí do doanh nghiệp của quốc gia xuất khẩu cung cấp. Tuy nhiên, nếu như vấn đề kinh tế phi thị trường được đánh giá ở phạm vi quốc gia, vấn đề tình hình thị trường đặc biệt được đánh giá ở phạm vi một ngành cụ thể. EU sẽ xác định tình hình thị trường đặc biệt tại một ngành cụ thể nếu ngành đó có sự can thiệp của nhà nước dẫn đến các yếu tố làm sai lệch giá cả và chi phí của doanh nghiệp.
1.4.2. Nguyên tắc thuế thấp hơn
Nguyên tắc thuế thấp hơn một nguyên tắc quan trọng trong thực tiễn áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp của EU. Theo nguyên tắc này, EU không tự động áp mức thuế bằng toàn bộ biên độ phá giá (dumping margin) hoặc biên độ trợ cấp, mà sẽ so sánh với biên độ thiệt hại (injury margin) của ngành sản xuất nội khối. Nếu biên độ thiệt hại thấp hơn biên độ phá giá hoặc trợ cấp, thì EU chỉ áp dụng mức thuế tương đương với biên độ thiệt hại đó. Ví dụ như nếu EU xác định biên độ phá giá của một sản phẩm là 20%, nhưng biên độ thiệt hại mà ngành sản xuất nội khối phải gánh chịu chỉ là 12%, thì thuế chống bán phá giá sẽ chỉ được áp dụng ở mức 12%.
Mục tiêu của nguyên tắc này là đảm bảo biện pháp phòng vệ thương mại không vượt quá mức cần thiết để loại bỏ thiệt hại cho ngành sản xuất nội khối. Việc áp dụng mức thuế thấp hơn giúp cân bằng lợi ích giữa nhà sản xuất nội khối, người tiêu dùng và nhà nhập khẩu trong EU, đồng thời thể hiện cam kết của EU với thương mại công bằng và không gây cản trở quá mức đến dòng chảy thương mại.
1.4.3. Xem xét lợi ích của Liên minh
Việc xem xét lợi lích của Liên minh là một yếu tố đặc thù và bắt buộc trong điều tra phòng vệ thương mại của EU. Theo quy định tại Điều 21 của Quy định (EU) 2016/1036, sau khi xác định có hành vi bán phá giá và thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất nội khối, Ủy ban châu Âu vẫn phải xem xét liệu việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá có phục vụ lợi ích tổng thể của Liên minh hay không.
Việc đánh giá lợi ích của Liên minh bao gồm phân tích tác động của biện pháp đối với: (1) ngành sản xuất nội khối; (2) người tiêu dùng EU; (3) doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối; (4) ngành công nghiệp sử dụng đầu vào là hàng nhập khẩu liên quan; (5) mức độ cạnh tranh trong thị trường nội địa; (6) tăng trưởng kinh tế và việc làm trong EU.
Quá trình đánh giá này mang tính cân bằng giữa lợi ích bảo vệ ngành sản xuất nội khối và tác động tiêu cực tiềm tàng đến các nhóm lợi ích khác trong EU. Nếu kết luận rằng việc áp dụng thuế sẽ gây tổn hại lớn hơn lợi ích bảo vệ sản xuất nội khối, EU có thể quyết định không áp dụng thuế phòng vệ thương mại, mặc dù các điều kiện kỹ thuật đã được đáp ứng.
Nguyên tắc này thể hiện cách tiếp cận thận trọng và toàn diện của EU trong việc điều hành chính sách thương mại, đồng thời giúp duy trì môi trường cạnh tranh và ổn định trong Liên minh.
1.4.4. Cơ chế hoàn thuế
Một nguyên tắc trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là thuế chống bán phá không được vượt quá biên độ bán phá giá của doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, biên độ bán phá giá được tính toán đối với doanh nghiệp xuất khẩu dựa trên số liệu mà doanh nghiệp cung cấp trong thời kỳ điều tra, thông thường là một năm trước mốc thời gian khởi xướng điều tra chống bán phá giá. Trong khi đó, thuế chống bán phá giá được tính cho các lô hàng được xuất khẩu sau khi quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá có hiệu lực. Thời điểm áp dụng biện pháp chống bán phá giá diễn ra sau mốc thời gian khởi xướng điều tra, vì vậy nhiều khả năng biên độ bán phá giá của lô hàng đó đã thay đổi.
Để xử lý tình huống này, EU có quy định về việc rà soát định kỳ biên độ bán phá giá theo yêu cầu của doanh nghiệp để tính toán lại biên độ bán phá giá dựa trên số liệu thực tế. Nếu biên độ bán phá giá được tính toán lại thấp hơn biên độ bán phá giá trong quyết định áp dụng biện pháp, phần chênh lệch sẽ được hoàn lại cho người nộp thuế.
1.4.5. Cơ chế giải quyết tranh chấp
EU duy trì một số cơ chế giải quyết tranh chấp để xử lý các khiếu nại liên quan đến quyết định của Ủy ban châu Âu về việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Nếu một bên liên quan cho rằng quyết định hoặc quy trình điều tra của Ủy ban châu Âu chưa tuân thủ đúng các quy định về điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của EU, họ có thể lựa chọn khiếu nại các quyết định và quy trình này ra Tòa án châu Âu. Tùy thuộc vào phán quyết của Tòa án châu Âu, Ủy ban châu Âu có thể phải điều chỉnh lại quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, căn cứ theo các hiệp định của WTO và các hiệp định thương mại tự do có liên quan mà EU tham gia, nước xuất khẩu có thể tận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp tại các hiệp định này để xử lý các vấn đề tranh cãi khi có cơ sở cho rằng việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của EU chưa phù hợp với các cam kết trong hiệp định.
2. Thực tiễn áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của Liên minh châu Âu và đánh giá mức độ rủi ro đối với một số mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam
2.1. Xu hướng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của Liên minh châu Âu
EU là một thành viên WTO tích cực sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là chống bán phá giá. Theo số liệu thống kê của WTO, tính đến tháng 6 năm 2024, EU đã tiến hành điều tra tổng cộng 564 vụ việc chống bán phá giá, 98 vụ việc chống trợ cấp và 6 vụ việc tự vệ. Trên cơ sở kết quả điều tra, EU đã áp dụng 368 biện pháp chống bán phá giá, 49 biện pháp chống trợ cấp và 4 biện pháp tự vệ.
Xét theo ngành hàng, các nhóm hàng nhập khẩu bị áp dụng biện pháp chống bán phá nhiều nhất là kim loại và sản phẩm kim loại (155 biện pháp), hóa chất (71 biện pháp), máy móc và thiết bị điện (34 biện pháp), cao su và chất dẻo (23 biện pháp), dệt may (23 biện pháp).
Các mặt hàng thủy sản chưa phải là đối tượng thường xuyên bị EU tiến hành điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Các nhóm hàng liên quan đến thủy sản như động vật sống và sản phẩm động vật, thực phẩm cũng là những nhóm hàng ít bị EU tiến hành điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Xét theo quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu, Trung Quốc là quốc gia có các doanh nghiệp bị EU tiến hành điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá nhiều nhất với 116 biện pháp, chiếm 31,6% tổng số biện pháp. Tiếp theo sau là Nga (25 biện pháp), Ấn Độ (23 biện pháp), Thái Lan (19 biện pháp), In-đô-nê-xi-a (17 biện pháp). Cho đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ là đối tượng 4 biện pháp chống bán phá giá do EU áp dụng.
2.2. Đánh giá mức độ rủi ro của một số mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam
2.2.1. Tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU
Theo số liệu thống kê từ cơ sở dữ liệu của S&P Global, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU năm 2024 đạt 881 triệu USD. Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU bao gồm tôm nước ấm đông lạnh, phi-lê cá tra đông lạnh, tôm đã chế biến, nhuyễn thể hai mảnh vỏ chế biến, cá ngừ chế biến và phi-lê cá ngừ. Tổng kim ngạch xuất khẩu sáu nhóm sản phẩm này đạt 763 triệu USD, chiếm đến 88% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU năm 2024.
Kim ngạch xuất khẩu tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam sang EU năm 2024 đạt 237 triệu USD, tăng 5,4% so với năm 2023. Khối lượng xuất khẩu đạt 27.587 tấn, chiếm tỷ trọng 5,8% trong tổng nhập khẩu của EU.
Kim ngạch xuất khẩu phi-lê cá tra đông lạnh của Việt Nam sang EU năm 2024 đạt 157 triệu USD, giảm 0,7% so với năm 2023. Khối lượng xuất khẩu đạt 55.784 tấn, chiếm tỷ trọng 99,8% trong tổng nhập khẩu của EU.
Kim ngạch xuất khẩu tôm đã chế biến (bảo quản và không bảo quản trong túi kín) của Việt Nam sang EU năm 2024 đạt 184 triệu USD, tăng 14,9% so với năm 2023. Khối lượng xuất khẩu đạt 23.381 tấn, chiếm tỷ trọng 29,4% trong tổng nhập khẩu của EU.
Kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ đã chế biến của Việt Nam sang EU năm 2024 đạt 64 triệu USD, tăng 8,3% so với năm 2023. Khối lượng xuất khẩu đạt 38.416 tấn, chiếm tỷ trọng 86,7% trong tổng nhập khẩu của EU.
Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đã chế biến của Việt Nam sang EU năm 2024 đạt 65 triệu USD, giảm 4,3% so với năm 2023. Khối lượng xuất khẩu đạt 13.886 tấn, chiếm tỷ trọng 3% trong tổng nhập khẩu của EU.
Kim ngạch xuất khẩu phi-lê cá ngừ của Việt Nam sang EU năm 2024 đạt 55 triệu USD, tăng 10,1% so với năm 2023. Khối lượng xuất khẩu đạt 6.133 tấn, chiếm tỷ trọng 20,7% trong tổng nhập khẩu của EU.
2.2.2. Đánh giá mức độ rủi ro bị điều tra phòng vệ thương mại
Mức độ rủi ro bị điều tra phòng vệ thương mại của một mặt hàng xuất khẩu được đánh giá dựa trên các yếu tố sau:
Sự tồn tại của ngành sản xuất trong nước tại nước nhập khẩu và quy mô của ngành sản xuất trong nước đó: ngành sản xuất trong nước có quy mô càng lớn thì càng dễ có rủi ro họ sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của mình.
Thị phần của hàng xuất khẩu tại thị trường nhập khẩu: hàng xuất khẩu có tỷ trọng đáng kể trong tổng nhập khẩu của thị trường và có thị phần lớn thì có rủi ro cao hơn.
Tốc độ gia tăng kim ngạch và khối lượng xuất khẩu: các mặt hàng có tốc độ gia tăng kim ngạch và khối lượng xuất khẩu nhanh sẽ tạo ra nhiều sức ép cạnh tranh đối với ngành sản xuất trong nước tại thị trường nhập khẩu, vì vậy dễ có khả năng họ phải sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của mình.
Tần suất điều tra phòng vệ thương mại của thị trường nhập khẩu: một số thị trường nhập khẩu có xu hướng tích cực sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước của mình.
Tần suất điều tra phòng vệ thương mại đối với một ngành hàng cụ thể: một số ngành hàng có tần suất bị điều tra phòng vệ thương mại cao hơn các ngành hàng khác.
Đối chiếu với các tiêu chí trên, tại thời điểm hiện tại có thể đánh giá mức độ rủi ro bị điều tra phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng thủy sản tại thị trường EU chưa cao, thể hiện ở các điểm sau:
Mặc dù EU là thị trường thường xuyên xảy ra các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu nhưng nhóm hàng thủy sản nói chung không phải là trọng tâm trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại của EU. Bên cạnh đó, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng không thường xuyên trở thành đối tượng điều tra phòng vệ thương mại tại thị trường này.
Trong số các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, một số mặt hàng như tôm chế biến, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, phi-lê cá ngừ là những mặt hàng có phân khúc nhỏ trong thị trường thủy sản EU nói chung, vì vậy ít có khả năng có các doanh nghiệp đủ lớn để đại diện cho ngành sản xuất nội khối của EU đứng ra yêu cầu điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Đối với cá tra, EU không có ngành sản xuất nội khối. Đối với tôm đông lạnh và cá ngừ chế biến, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam và thị phần của hàng Việt Nam tại thị trường EU còn nhỏ, do đó các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chưa phải là nhân tố có thể ảnh hưởng lớn đến cạnh tranh trên thị trường.
Trong những năm qua, kim ngạch và khối lượng xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang EU có sự biến động lớn. Sau khi tăng vọt trong năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh trong năm 2023. Năm 2024, xuất khẩu tuy có sự phục hồi nhưng tất cả các mặt hàng vẫn chưa khôi phục lại mức đã đạt được của năm 2022.
3. Bài học kinh nghiệm trong xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại
3.1. Biện pháp chống bán phá giá của Hoa Kỳ đối với cá tra, cá ba sa nhập khẩu từ Việt Nam
Hoa Kỳ chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá đối với cá tra và cá ba sa (pangasius) đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào năm 2003. Quyết định này được đưa ra sau khi Hiệp hội Nuôi cá da trơn Hoa Kỳ (Catfish Farmers of America - CFA) đệ đơn kiện lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vào tháng 6 năm 2002, cáo buộc rằng các nhà sản xuất Việt Nam bán sản phẩm với giá thấp hơn giá trị thực tế, gây thiệt hại cho ngành nuôi cá da trơn nội địa của Hoa Kỳ.
Sau quá trình điều tra, DOC xác định rằng các sản phẩm cá tra và cá ba sa từ Việt Nam được bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ. Kết quả là, vào tháng 1 năm 2003, DOC áp dụng mức thuế chống bán phá giá dao động từ 37% đến 64% đối với các sản phẩm này. Quyết định này được Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) phê chuẩn vào tháng 7 năm 2003.
Việc áp dụng thuế chống bán phá giá đã ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu cá tra và cá ba sa của Việt Nam sang Hoa Kỳ, khiến khối lượng xuất khẩu giảm mạnh trong những năm sau đó. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục xuất khẩu các sản phẩm này sang Hoa Kỳ, đồng thời tham gia vào các cuộc rà soát hành chính hàng năm do DOC tiến hành để điều chỉnh mức thuế suất áp dụng cho từng doanh nghiệp cụ thể. Mức thuế chống bán phá giá mà Hoa Kỳ áp dụng đối với các doanh nghiệp Việt Nam do đó được giảm dần. Trong 5 kỳ rà soát gần đây nhất (từ kỳ rà soát lần thứ 16 đến kỳ rà soát lần thứ 20), mức thuế chống bán phá giá thấp nhất đối với một số doanh nghiệp Việt Nam là 0 USD/kg. Riêng tại kỳ rà soát lần thứ 20, đã có 8 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam được hưởng mức thuế này.
Song song với nỗ lực của các doanh nghiệp, sau thời gian cân nhắc, năm 2018 chính phủ Việt Nam đã quyết định sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để khiếu nại biện pháp của Hoa Kỳ. Nội dung khiếu nại của Việt Nam xoay quanh phương pháp tính toán thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ và việc tuân thủ các nguyên tắc minh bạch, công bằng theo quy định của WTO. Việt Nam cho rằng Hoa Kỳ đã không thực hiện đúng các quy định về chống bán phá giá, dẫn đến việc áp thuế sai lệch và không công bằng đối với cá phi lê xuất khẩu từ Việt Nam.
Sau thời gian đánh giá, Ban Hội thẩm của WTO đã hoàn thành báo cáo vào tháng 2 năm 2020. Tuy nhiên, thay vì đồng ý công bố báo cáo theo quy định, Việt Nam và Hoa Kỳ cùng thống nhất hoãn thời điểm công bố và tiếp tục duy trì kênh trao đổi song phương để tìm kiếm một thỏa thuận phù hợp với lợi ích của cả hai bên. Sau quá trình trao đổi, tháng 1 năm 2025, hai bên đã đạt được thỏa thuận song phương, chấm dứt tranh chấp, khép lại vụ việc tại WTO.
3.2. Bài học kinh nghiệm
Mặc dù thủy sản được đánh giá là ngành hàng xuất khẩu có độ rủi ro thấp về điều tra phòng vệ thương mại khi xuất khẩu sang thị trường EU, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng cần có sự chuẩn bị nếu như phát sinh vụ việc điều tra mới trong tương lai tại thị trường này. Kinh nghiệm của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cá ba sa trong quá trình xử lý vụ việc Hoa Kỳ điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng này là một trong những bài học quý giá để các doanh nghiệp thủy sản nói chung có thể áp dụng. Từ kinh nghiệm trong xử lý vụ việc với Hoa Kỳ cũng như căn cứ theo các quy định của EU, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường này cần lưu ý những vấn đề sau:
Xác định mức độ rủi ro phòng vệ thương mại đối với mặt hàng xuất khẩu: Mức độ rủi ro này có thể thay đổi tùy theo bối cảnh thời gian. Trên cơ sở các tiêu chí đã đưa ra ở trên, trong từng giai đoạn cụ thể các doanh nghiệp có thể xác định được mức độ rủi ro đối với mặt hàng xuất khẩu của mình, từ đó có sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, xem xét lại chính sách giá và chính sách bán hàng.
Có hiểu biết cơ bản về phòng vệ thương mại: các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần tìm hiểu và có hiểu biết cơ bản về quy trình điều tra phòng vệ thương mại của EU và xác định được vai trò của mình trong trường hợp phát sinh vụ việc phòng vệ thương mại.
Chủ động hợp tác với cơ quan điều tra: Bài học từ vụ việc của Hoa Kỳ cho thấy các doanh nghiệp cần chủ động hợp tác với cơ quan điều tra, đáp ứng đầy đủ và đúng thời hạn các yêu cầu cung cấp số liệu của cơ quan điều tra để bảo vệ được lợi ích chính đáng của mình.
Kiên trì theo đuổi vụ việc: cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu có được mức thuế chống bán phá giá thấp hoặc thậm chí không bị áp dụng thuế chống bán phá giá không chỉ ở những nỗ lực hợp tác với cơ quan điều tra trong giai đoạn điều tra ban đầu. Kể cả khi biện pháp đã được áp dụng, doanh nghiệp vẫn có các cơ hội tiếp theo trong các kỳ rà soát lại thuế chống bán phá giá. Chỉ có sự kiên trì mới đem lại kết quả tốt, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn hơn của doanh nghiệp so với các đối thủ bị áp dụng các mức thuế chống bán phá giá cao hơn. Không chỉ tham gia rà soát, các doanh nghiệp cũng có thể cân nhắc việc sử dụng cơ chế tòa án của EU để khiếu nại biện pháp đang áp dụng theo cơ chế này nếu cho rằng biện pháp có những điểm bất hợp lý.
Chia sẻ thông tin và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước: Trong một vụ việc điều tra cụ thể của EU, vai trò của doanh nghiệp là chủ đạo vì doanh nghiệp là chủ thể tham gia vào vụ việc điều tra. Tuy nhiên, nguyên tắc chung của các cuộc điều tra phòng vệ thương mại vẫn cần tuân thủ theo quy định trong các hiệp định của WTO và các hiệp định thương mại tự do mà EU đã tham gia. Vì vậy, các doanh nghiệp cần thường xuyên chia sẻ thông tin và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để trong những trường hợp cần thiết có thêm những kênh xử lý khác để giải quyết vấn đề của doanh nghiệp như trao đổi song phương hay sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp có liên quan.
Xác định rõ ràng mục đích cuối cùng: Các doanh nghiệp cần xác định mục đích cuối cùng khi các vụ việc phòng vệ thương mại xảy ra không phải là kết quả mức thuế áp dụng mà là khả năng duy trì được thị trường xuất khẩu với chi phí cơ hội mà doanh nghiệp có thể đáp ứng được. Vì vậy, trong nhiều phương án và giải pháp được cân nhắc, các doanh nghiệp cần xem xét để thực hiện những phương án và giải pháp phù hợp với mục đích cuối cùng này.
4. Kết luận
Các quy định phòng vệ thương mại của EU khá chi tiết và chặt chẽ, nhằm cân bằng giữa bảo vệ sản xuất nội khối và quyền lợi các bên liên quan. Với tầm quan trọng của thị trường EU, ngành thủy sản Việt Nam cần chủ động thích ứng, tăng cường hiểu biết pháp lý và tích cực tham gia vào tiến trình điều tra nếu xảy ra, qua đó đảm bảo quyền lợi, duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nguồn: Cục PVTM
Các tin khác
- Tổng thống Trump hé lộ khả năng 'giảm đáng kể' thuế với Trung Quốc (24/04/2025)
- Lý do Trung Quốc không vội vàng trong cuộc chiến thuế quan với Mỹ (24/04/2025)
- Thuế quan đối ứng của Mỹ: "Canh bạc" khó lường (24/04/2025)
- Chủ động khai phá thêm thị trường xuất khẩu nông sản (23/04/2025)
- Xuất khẩu gạo Việt Nam 2025: Thách thức ngắn hạn, cơ hội dài hạn (23/04/2025)