Sầu riêng đông lạnh được vào Trung Quốc: gia tăng ổn định cho trái cây ‘vua’ của Việt Nam?

31/01/2024 09:57 - 18 lượt xem

Song song con số kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu của sầu riêng- loại trái cây được mệnh danh là “vua”, thì việc gia tăng diện tích sản xuất cũng rất nhanh. Thế nhưng, việc tăng nhanh đó có nguy cơ “đẩy” loại trái cây chủ lực này vào khủng hoảng, nếu không có giải pháp ứng phó. Việc Trung Quốc “bật đèn xanh” cho phép xuất khẩu chính ngạch sầu riêng cấp đông vào thị trường này liệu có phải là giải pháp cho nhà nông và nhà xuất khẩu Việt Nam?

 

Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có dự thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về “nghị định về yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc giữa Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam”. Đây là bước đi tiếp theo sau khi hai bên đã đạt được thoả thuận về các yêu cầu kiểm tra và kiểm dịch đối với sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc thông qua đàm phán hữu nghị…

 

Việc trái sầu riêng Việt Nam được mở thêm “cánh cửa mới” với phân khúc sản phẩm đông lạnh được kỳ vọng sẽ tận dụng triệt để hơn nữa sản phẩm được sản xuất ra, tránh rủi ro cung vượt cầu trong tương lai. Bởi lẽ, khi trái sầu riêng tươi vừa được mở cửa chính ngạch vào Trung Quốc đã lập tức tạo nên “kỳ tích” cho ngành rau quả Việt Nam.

 

“Bước ngoặt” của ngành rau quả mang tên… sầu riêng

 

Ngày 17-9-2022, tại tỉnh Đắk Lắk, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND của địa phương này cùng các đơn vị có liên quan đã tổ chức lễ xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặc cho sự phát triển thần kỳ của loại trái cây được mệnh danh là “vua” của ngành rau quả Việt Nam.

 

Theo đó, trước thời điểm được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, mà cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam chỉ đạt 84,38 triệu đô la Mỹ, trong đó, xuất khẩu vào quốc gia tỉ dân chỉ đạt con số khiêm tốn 2,86 triệu đô la Mỹ, theo thống kê của Tổng cục hải quan.

 

Tuy nhiên, cả năm 2023, sầu riêng đã mang về cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và rau quả nói riêng lên đến 2,2 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 5 lần so với năm trước đó và gấp 10 lần so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2023 đạt 2,03 tỉ đô la Mỹ, chiếm trên 99% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt được.

 

Kỳ tích xuất khẩu của trái sầu riêng trong năm 2023 chính là yếu tố quan trọng giúp ngành rau quả đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 5,69 tỉ đô la Mỹ, tăng 69,2% so với năm trước đó. Sầu riêng trở thành loại trái cây có tốc độ phát triển mạnh nhất trong lịch sử ngành cây ăn trái Việt Nam.

 

Trước “sức nóng” về hiệu quả xuất khẩu, nhất là khi giá thị trường nội địa liên tục tăng và giữ vững ở mức cao (hiện giá xô tại vườn từ 110.000-170.000 đồng/kg- PV) khiến nông dân ở nhiều địa phương trong cả nước ồ ạt mở rộng diện tích sản xuất.

 

Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk tại một hội nghị ngành sầu riêng mới đây cho biết, Việt Nam có 7 vùng nông nghiệp, thì đã có 6 vùng, với 34 địa phương có trồng sầu riêng, trong đó, nhiều địa phương có diện tích trên 10.000 héc ta.

 

Theo ông, riêng tỉnh Đắk Lắk, địa phương có 15 huyện, thị, thành thì tất cả đều phát triển trồng sầu riêng, với diện tích đến tháng 6 năm ngoái lên đến khoảng 28.600 héc ta. Trong đó, có trên 15.800 héc ta đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, tức chưa cho thu hoạch hay nói cách khác vài năm nữa sản lượng sầu riêng của Đắk Lắk sẽ tăng rất mạnh.

 

Còn báo cáo của Cục bảo vệ thực vật cho thấy, nếu như vào đầu năm 2023 diện tích sầu riêng ở các tỉnh Nam bộ là 47.208 héc ta, thì đến đầu năm nay đã là 62.173 héc ta, tức đã tăng gần 15.000 héc ta. Trong khi đó, ở các tỉnh Duyên hải nam Trung bộ và Tây Nguyên hiện đạt 57.101 héc ta so với con số 37.900 héc ta được ghi nhận vào đầu năm 2023, tức tăng hơn 19.200 héc ta chỉ sau 1 năm.

 

Diện tích sầu riêng tăng nhanh, nhất là khi việc phát triển được người nông dân tự phát trồng, không theo quy hoạch, không có hợp đồng liên kết nên dự báo sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ trong vấn đề tiêu thụ.

 

Kỳ vọng từ việc xuất khẩu chính ngạch hàng cấp đông

 

Dù diện tích sản xuất phát triển rất nhanh, nhưng một số ý kiến vẫn rất lạc quan với sự phát triển của ngành hàng sầu riêng Việt Nam trong 5-10 năm tới, nhất là khi sản phẩm cấp đông được “bật đèn xanh” cho phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

 

Trao đổi với KTSG Online, TS Lương Ngọc Trung Lập, Chuyên gia phân tích thị trường nông sản đánh giá, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính trái sầu riêng Việt Nam, với nhu cầu rất cao. “Thị trường này (Trung Quốc) còn rất rộng lớn, thành ra việc mở rộng sản xuất thì trong tương lai gần, ít nhất trong 5-10 năm tới cũng không quan ngại”, ông đánh giá.

 

Tuy nhiên, theo ông Lập, sau 10 năm nữa, khả năng thị trường sẽ có nhiều thay đổi. Bởi lẽ, khi nhu cầu thị trường Trung Quốc lớn, người dân ưa chuộng trái sầu riêng, dù có thời điểm giá tại vườn (tại vườn của Việt Nam- PV) lên đến 170.000 đồng/kg, nhưng họ vẫn có nhu cầu, cho nên, nhiều quốc gia cũng sẽ phát triển để cạnh tranh.

 

“Khi thị trường Trung Quốc có nhu cầu cao như vậy, thì các nước cạnh tranh với Việt Nam như Malaysia, Campuchia, Philippines chắc chắn họ cũng tìm mọi cách để thâm nhập thị trường này”, ông Lập dẫn chứng và cho rằng, với Campuchia và Lào, diện tích có thể phát triển còn rất lớn, cho nên, người Trung Quốc đã sang để hợp tác sản xuất và đưa trái sầu riêng về cung ứng cho thị trường Trung Quốc. “Đây là những yếu tố sẽ cạnh tranh lớn với Việt Nam, nhưng để làm được điều này cần có thời gian nên tương lai ngắn chưa bị ảnh hưởng”, ông cho biết.

 

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam lạc quan cho rằng, trong 10-20 năm tới, sầu riêng Việt Nam vẫn “sống khoẻ”, bởi Trung Quốc không phát triển được loại cây trồng này. “Thanh long, xoài và nhãn, thì Việt Nam phải chịu sức ép cạnh tranh với sản phẩm nội địa Trung Quốc khi bán sang, nhưng sầu riêng và mít không bị cạnh tranh vì họ chưa trồng được”, ông nói.

 

Trong khi đó, sức ép cạnh tranh từ bên ngoài bởi Thái Lan, Malaysia cũng không đáng kể, vì những quốc gia này chỉ thu hoạch được từ tháng 5-9, trong khi Việt Nam cho thu hoạch gần như quanh năm.

 

Trước bối cảnh nêu trên, việc sầu riêng cấp đông của Việt Nam được “bật đèn xanh” cho xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ càng gia tăng sức mạnh hơn nữa cho loại trái cây “vua” của nước ta.

 

Ông Nguyên cho biết, việc xuất khẩu sầu riêng cấp đông sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa lợi thế bảo quản để xâm nhập thị trường tốt hơn. Bởi, Trung Quốc là đất nước rất rộng lớn, nhiều nơi người dân chưa ăn được trái sầu riêng tươi vì điều kiện bảo quản, cho nên, khi cấp đông có thể giúp sầu riêng Việt Nam vươn tới những vùng xa xôi của quốc gia này, mang lại giá trị cao hơn.

 

Ngoài ra, theo ông Nguyên, khi cấp động sản phẩm sẽ giúp tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu để mang lại giá trị cao hơn, tức những trái không đạt yêu cầu xuất tươi về mẫu mã, hoặc lớn quá hay nhỏ quá, thì có thể tách lấy múi cấp đông, giúp tận dụng được hết sản lượng sầu riêng sản xuất ra.

 

“Hiện nay, Việt Nam sản xuất 1 năm được khoảng 1 triệu tấn sầu riêng, nhưng năm 2023 chỉ mới xuất được 450.000-500.000 tấn thôi, tức còn lại phân nửa không xuất được, phải bán nội địa, giá trị không cao. Do đó, nếu cấp đông xuất khẩu sẽ tạo giá trị cao hơn, có thể lên đến 3,5 tỉ đô la Mỹ, chứ không chỉ hơn 2 tỉ đô la Mỹ như hiện nay”, ông Nguyên cho biết.

 

Chuyên gia phân tích thị trường nông sản Lương Ngọc Trung Lập cho rằng, cấp đông còn là giải pháp để ứng phó nếu không may thị trường bị khủng hoảng hoặc dư thừa. “Tuy nhiên, sản phẩm cấp đông sẽ có chi phí cao hơn, bởi cần có kho lạnh, kể cả người mua và quá trình vận chuyển”, ông nói.

 

Theo ông Lập, vấn đề quan trọng cần làm, đó là quy hoạch lại, tức vùng nào có ưu thế về điều kiện khí hậu, canh tác, khoa học kỹ thuật, bao gồm mùa vụ cung ứng, thì quy hoạch làm sao quanh năm đều có sầu riêng để tận dụng lợi thế về mặt thị trường so với đối thủ.

 

“Ví dụ, Cần Thơ thu hoạch tháng 2-4; Tiền Giang thu hoạch tháng 5-7; Đắk Lắk, Tây Ninh, Đồng Nai từ tháng 8-10…, thì cần quy hoạch vùng như vậy và chỉ những vùng đáp ứng đầy đủ các điều kiện về sản xuất mới nên phát triển”, ông Lập gợi ý.

 

Sầu riêng Việt Nam có thêm đối thủ mới tại thị trường Trung Quốc

 

Báo cáo thị trường nông lâm thủy sản của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn nguồn Producereport.com, cho biết Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia đã thông tin việc xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc sẽ bắt đầu vào tháng 5-2024, trùng với lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Malaysia. Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia ký thỏa thuận 6 điểm về xuất khẩu sầu riêng tươi của nước này sang Trung Quốc vào tháng 10-2023. Phía Trung Quốc đã bày tỏ sẵn sàng đẩy nhanh việc đánh giá rủi ro đối với loại trái cây này và cả hai bên đã đồng ý hợp tác thúc đẩy quy trình kiểm tra kiểm dịch.

 

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Quảng cáo sản phẩm