Thị trường EU: Thách thức và cơ hội
20/05/2010 12:00
Là thị trường có 500 triệu khách hàng, với sức mua theo đầu người khoảng 32.700 USD/năm, EU được xem là một thị trường rộng lớn và đầy hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Một thị trường sành điệu và bảo thủ!
EU hiện có 27 thành viên, là trung tâm hàng đầu thế giời về chính trị, kinh tế, thương mại, tài chính, khoa học kỹ thuật, GDP đạt trên 16.524 tỷ USD, chiếm 23,5% tổng GDP thế giới, 25% tổng giá trị thương mại thế giới và 33% luồng đầu tư trực tiếp toàn cầu. EU là thị trường lớn thứ hai của nước ta sau Mỹ. Quan hệ thương mại giữa nước ta và EU hiện chiếm đến 75% kim ngạch xuất khập khẩu với khu vực châu Âu. Năm 2009, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – EU đạt 15,2 tỷ USD, giảm 6,67% so với năn 2008. Trong đó xuất khẩu đạt 9,38 tỷ USD (giảm 13,57%) và nhập khẩu của Việt Nam từ EU đạt 5,83 tỷ USD (tăng 7,07%). Một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam vào EU là hải sản, cà phê, dệt may, giày dép, đồ gỗ - thủ công mỹ nghệ, xe đạp…Một số mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ EU là máy móc, nguyên phụ liệu dệt may, tân dược, sắt thép, phân bón…
EU là một trong số các bạn hàng lớn của các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam. Trong năm 2009, kim ngạch xuất khẩu hàng gỗ của Việt Nam đạt 2,7 tỷ USD, trong đó EU chiếm khoảng 30%. Là một trong các đơn vị có quan hệ kinh doanh tại EU, bà Ngô Thị Hồng Thu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn gỗ Trường Thành cho biết, hiện thị trường EU chiếm 45% thị phần xuất khẩu của tập đoàn. Để có được thành công hôm nay của tập đoàn, bà Thu chia sẻ kinh nghiệm: Để kinh doanh thành công tại EU, cần phải nắm thật vững đặc điểm của thị trường này. Thị trường EU thể hiện rõ quan điểm “ăn chắc, mặc bền” trong tất cả quan hệ hợp tác làm ăn. Họ sành điệu, nhưng bảo thủ với giá trị mà họ đã chọn. Tuy nhiên, giá cả cũng là một yếu tố thiết yếu do hầu hết các nước EU đều có sự cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ.
Đối với mặt hàng đồ gỗ, quy định sử dụng gỗ từ nguồn đảm bảo hợp pháp là yếu tố tối quan trọng, quyết định sự thành bại của nhà kinh doanh tại thị trường này. Đặc điểm của người tiêu dùng EU là dân số già, có nhiều tiền bạc để chi tiêu, tình trạng ly hôn, độc thân gia tăng và người tiêu dùng EU là có yêu cầu cao về chất lượng cũng như sự tiện dụng của sản phẩm. Vì vậy, làm ăn với EU, doanh nghiệp cần giữ được sự ổn đinh trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn mà các nhà nhập khẩu EU đề nghị, quan tân xây dựng, duy trì và phát triển hệ thống quản lý chất lượng và tiêu chuẩn an toàn, đưa ra giá cả cạnh tranh và nếu kinh doanh trong ngành chế biến gỗ, sản phẩm phải có chứng nhận FSC bảo đảm nguồn nguyên liệu có xuất xứ rõ ràng.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, Tổng giám đốc công ty Hải Nam - một doanh nghiệp chế biến nông hải sản đã làm ăn với các đối tác EU từ 1995 lưu ý, để thị trường chấp nhận, doanh nghiệp cần phải thực hiện các tiêu chuẩn phù hợp, phải đạt các yêu cầu chất lượng của EU. Bên cạnh đó, phải tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm để quảng bá thương hiệu và tìm các đối tác mới, phải biết đánh bóng thương hiệu qua hình ảnh, chất lượng và uy tín.
Nhiều khó khăn đang chờ
Theo Thạc sĩ Đặng Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - Bộ Công Thương: Thị trường EU tuy hấp dẫn, nhưng không phải “dễ ăn” với các doanh nghiệp. Nếu không am hiểu cặn kẽ, doanh nghiệp nước ta sẽ phải đối mặt với các khó khăn từ thị trường EU. Trước hết, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng với điểm riêng về thị hiếu, phong cách tiêu dùng, ngôn ngữ, văn hóa kinh doanh của mỗi nước trong khi hàng hóa được lưu thông trên toàn bộ 27 nước thuộc EU.
Kế tiếp là phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật khá khắc khe do EU đưa ra nhằm bảo vệ tốt nhất sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…Khó khăn thứ ba là chính sách bảo hộ sản xuất nội khối của EU. Khó khăn thứ tư là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt do nhiều nước đẩy mạnh xuất khẩu vào đây, trong đó có các doanh nghiệp thuộc các nước Đông Âu mới gia nhập EU. Khó khăn cuối là chính sách của EU đối với nước ta, mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn kém ưu đãi hơn so với chính sách nước khác, thậm chí đối với 5 nước trong Asean là Singapore, Thái Lan, Indonexia, Malaysia, Philippin. Nhìn toàn cục, trong năm 2009, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, một số mặt hàng của Việt Nam khi xuất qua EU như thủy sản, giày dép, đồ gỗ, rau quả, thực phẩm gặp khó khăn vì EU ban hành các biện pháp bảo hộ.
Vì vậy hiện các nhà doanh nghiệp của cả EU và Việt Nam đang kỳ vọng vào Hiệp định thương mại tư do song phương đang được hai Chính phủ chuẩn bị đàm phán mà điểm mấu chốt là mức biểu suất thuế ưu đãi mà hai bên cam kết. Hy vọng sau khi hai chính phủ hoàn tất quá trình đàm phán và ký kết hiệp định, quan hệ thuong mại song phương Việt Nam – EU sẽ có bước phát triển mới.
Nguồn: Báo công thương điện tử
Các tin khác
- NÓNG: Mỹ - Trung giảm thuế đối ứng lẫn nhau 115% (13/05/2025)
- Tăng cảnh báo từ sớm, từ xa cho doanh nghiệp khi Ấn Độ siết phòng vệ (12/05/2025)
- Nông sản Việt trước bài toán tiêu chuẩn, chất lượng của EU (12/05/2025)
- Tìm cách gia tăng nhập khẩu nông sản từ Mỹ (12/05/2025)
- Tăng trưởng xuất khẩu tại nhiều thị trường mới (12/05/2025)