Thử thách đối với tân Tổng Giám đốc WTO

04/02/2013 12:00 - 1104 lượt xem

Tháng 1/2013, trong khi WTO đang nước rút chuẩn bị bầu Tổng giám đốc để thay thế ông Pascal Lamy, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 8/2013, người ta chưa cảm nhận rõ ràng được sự quan tâm, báo chí không thấy nhắc nhiều và không khí vận động hành lang ở Geneva cũng không thực sôi động. Phải chăng vị trí Tổng Giám đốc WTO giờ đây không mang nhiều ý nghĩa và vai trò như trước?

Với chức năng và nhiệm vụ vốn có, WTO là bộ khung pháp lý cho thương mại quốc tế, là nơi giúp giải quyết tranh chấp thương mại phát sinh giữa các nước và là diễn đàn đàm phán để xây dựng các quy tắc mới cho thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh phát triển hôm nay, đã xuất hiện những vấn đề và xu thế mới, có tác động lớn tới vai trò truyền thống của WTO nói chung và vai trò của người đứng đầu tổ chức này nói riêng. Ta hãy thử xem xét một vài vấn đề mà tân Tổng giám đốc WTO, người sẽ kế nhiệm ông Pascal Lamy có thể sẽ phải đối mặt trong nhiệm kỳ của mình.

1. Toàn cầu hóa không còn là chủ đề nóng

Trong quá khứ, WTO từng là một trong những trung tâm hứng chịu chỉ trích của giới phản đối toàn cầu hóa. Họ cho rằng những nguyên tắc không công bằng và các thỏa thuận ngầm ở WTO khiến các nước nghèo bị nằm ngoài sân chơi thương mại thế giới. Hôm nay toàn cầu hóa dường như không còn nhận được nhiều chú ý hay gây ra nhiều phản ứng nữa. Còn nhớ năm 1999, Hội nghị Bộ trưởng WTO lần 3 tại Seattle (Mỹ) đã bị gián đoạn do các cuộc biểu tình đường phố chống toàn cầu hóa do lo ngại tác động của toàn cầu hóa tới những nước nghèo. Với những gì đã diễn ra ở Hội nghị Bộ trưởng WTO lần 7 (năm 2009) và lần 8 (năm 2011) ở Geneva, không ai tin rằng sẽ tái lặp những cuộc biểu tình như vậy sắp tới tại Geneva khi WTO bầu Tổng giám đốc mới hay tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần 9 ở Bali, Indonesia (vào cuối 2013). Trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, phải chăng vì toàn cầu hóa không còn nóng như trước nên WTO cũng mất đi nhiều sự quan tâm của cả phía ủng hộ lẫn phản đối?

2. Xu thế giảm dần của thuê nước ngoài gia công (outsourcing)

Điều này dường như đúng đối với cả các nước thuê gia công và các nước nhận gia công.

Đối với các nước phát triển, lý giải cho điều này có 1 số nguyên nhân. Thứ nhất, giá dầu tăng cao khiến chi phí vận chuyển tăng, làm giảm mạnh hiệu quả của các chuỗi cung toàn cầu, vốn cực thịnh trong giai đoạn giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước khi giá dầu chỉ 20-25 USD/thùng. Thứ hai, người ta ngày càng nhận thức rõ hơn những phức tạp mà thuê nước ngoài gia công gặp phải. Chẳng hạn như vấn đề sở hữu trí tuệ, vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm, vấn đề đối xử với nhân công, vấn đề lương lao động tăng cao...v.v ở những nhà máy đặt tại những nước nhận gia công. Những phức tạp này khiến toàn bộ quá trình thuê nước ngoài gia công trở nên tốn kém hơn, hiệu quả kinh tế giảm dần và dần mất đi sức hấp dẫn.

Lấy ví dụ như Apple, sau khi vướng vào hàng loạt các vụ việc với nhà máy Foxconn ở Trung Quốc sản xuất iPhone, hãng này đã tuyên bố sẽ chuyển 1 số công việc về làm tại Mỹ. Tuy khối lượng công việc chuyển về Mỹ không lớn so với tổng đầu ra của hãng nhưng điều đó là bằng chứng và rất có thể là một tín hiệu cho thấy xu thế dịch chuyển công việc trở về làm trong nước, mà người ta nhắc tới với thuật ngữ “insourcing”.

Các tập đoàn lớn, đa quốc gia ở các nước phát triển vốn là 1 trong những khối vận động hành lang mạnh nhất nhắm tới một kết quả tham vọng của Vòng đàm phán Doha. Với xu thế “insourcing” đang hình thành, sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn ở các nước phát triển cho rằng họ không còn nhiều lợi ích từ việc gây áp lực tới các chính trị gia trong đàm phán quốc tế để gỡ bỏ các rào cản thương mại.

 “Insourcing” mạnh lên cũng có nghĩa là “outsourcing” yếu đi. Đối với các nước đang phát triển, cơ hội tham gia vào chuỗi cung toàn cầu thông qua “outsourcing” dựa trên những lợi thế như: chi phí lao động thấp, chi phí vận chuyển thấp, hiệu quả sản xuất cao, rủi ro liên quan đến độ tin cậy của nhà sản xuất thấp, không có biến động về luật pháp, thể chế...v.v Trong khi nhiều nước đang phát triển (như BRICS) ngày càng thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển và trong khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra, các lợi thế này không còn nổi bật. Chưa kể giữa những nước đang phát triển cũng có sự cạnh tranh lẫn nhau, khiến lợi ích thu được từ “outsourcing” ngày càng cận biên. Thực tiễn này làm “outsourcing” kém dần hấp dẫn ngay cả đối với các các nước đang phát triển.

3. Vòng đàm phán Doha bế tắc do đặt mục tiêu quá tham vọng

Một trong những nguyên nhân chính khiến đàm phán Doha giẫm chân tại chỗ, chính vì các bên tham gia đàm phán đã hướng tới những mục tiêu quá tham vọng. Cách tiếp cận “cả gói” (“single undertaking”) đặt ra yêu cầu Vòng Doha chỉ được coi là kết thúc khi mọi lĩnh vực đàm phán cùng kết thúc. Có nghĩa là ít nhất các nước tham gia đàm phán phải đồng thời thỏa hiệp được trên cả 3 lĩnh vực thị trường chủ chốt: hàng nông nghiệp, hàng công nghiệp, và dịch vụ. Đó là còn chưa kể đến những lĩnh vực đàm phán khác của Vòng như thuận lợi hóa thương mại, quy tắc, hàng hóa môi trường, chỉ dẫn địa lý hay các vấn đề về sở hữu trí tuệ... Đến nay sau 12 năm đàm phán, điều này đã được chứng minh là một giấc mơ xa vời.

4. Thay đổi trong vị thế đàm phán giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển mới nổi

Các nước đang phát triển, từng được hứa hẹn đối xử đặc biệt và khác biệt khi khởi động Vòng đàm phán Doha, giờ đây cảm thấy lo ngại vì lời hứa đó không được thực hiện. Từ phía các nước phát triển, họ cho rằng ngày nay một số nước đang phát triển (mà đi đầu là các nước mới nổi như Trung Quốc, Brazil, Argentina...) đã quá khác biệt so với thời điểm bắt đầu Vòng Doha năm 2001. Chênh lệch về sức mạnh kinh tế và tầm ảnh hưởng tới thương mại quốc tế giữa 2 nhóm nước phát triển và đang phát triển đã thu hẹp lại rất nhiều. Vì thế, để tương xứng với thực tiễn phát triển, cần điều chỉnh lại các thước đo trên bàn đàm phán, theo đó những nước mới nổi cần phải nhượng bộ nhiều hơn. Mâu thuẫn này không dễ xử lý bởi nó chạm tới lợi ích căn bản của cả 2 phía.

5. Thương mại quốc tế bị chi phối không chỉ bởi những yếu tố thuần túy thương mại

Vòng đàm phán Doha có thể hình dung giống như một nỗ lực để nới rộng hệ thống ống dẫn và cắt giảm các van hãm cho dòng chảy thương mại trở nên mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, có 1 yếu tố quan trọng có thể nằm ngoài các nội dung mà các nhà đàm phán đang bàn thảo, đó giá trị thương mại thực tế. Dù ống có rộng hơn, lượng van có bớt đi nhưng hàm lượng thương mại thực sự chu chuyển trong ống còn do độ “đậm đặc” hay giá trị của dòng chảy thương mại quyết định. Trong khi đó, giá trị thương mại thực tế chịu chi phối lớn bởi tỉ giá hối đoái và các biện pháp tài chính - những nhân tố ngoài thương mại. Đây là các tham số có thể bị điều chỉnh, thậm chí thao túng, mà các nước vẫn không vi phạm các cam kết thương mại. Vì thế, nỗ lực kết thúc Vòng Doha (hay bất cứ các đàm phán thương mại nói chung nào) để tìm cách vô hiệu hóa hoặc giảm thiểu các biện pháp bảo hộ mới chỉ là điều kiện cần để thương mại tự do có thể tồn tại chứ chưa đủ để đảm bảo cho ý nghĩa thực sự mà nó mang lại.

6. Xu thế hình thành các Hiệp định Thương mại tự do song phương và khu vực

Trong bối cảnh đàm phán thương mại đa phương bế tắc, thế giới đã và đang chứng kiến xu thế gia tăng mạnh các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Hình thái khu vực mậu dịch tự do song phương hoặc nhiều bên ngày càng trở nên phổ biến hơn, với phạm vi hợp tác ngày càng rộng hơn, không chỉ giới hạn trong việc thực hiện tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ mà gồm cả xúc tiến và tự do hoá đầu tư, hợp tác chuyển giao công nghệ, thuận lợi hóa thủ tục hải quan, xây dựng năng lực và nhiều nội dung mới khác (như lao động, môi trường...) Các FTA này có vai trò rất quan trọng trong quan hệ kinh tế quốc tế. Tới lượt mình, chúng lại có tác động ngược trở lại, làm giảm bớt sự hấp dẫn và ý nghĩa của các tiến trình đa phương mà Vòng đàm phán Doha là một “con tin” điển hình.

*           *           *

Vòng đàm phán Doha có ý nghĩa đặc biệt đối với ông Pascal Lamy. Trong suốt 8 năm làm việc ở WTO, ông là người điều phối thảo luận chính, là con thoi tích cực gắn kết các bên đàm phán, cũng là người trong cuộc chứng kiến giai đoạn có nhiều gian nan vất vả nhất, nhiều thăng trầm và cảm xúc nhất của Vòng, từ những khi tràn trề hy vọng kết thúc cho tới những lúc tuyệt vọng hoàn toàn. Có thể nói, lịch sử đã gắn liền cái tên Pascal Lamy với Vòng đàm phán Doha.

Đối với tân Tổng Giám đốc WTO, nhiệm vụ nặng nề nhất chính là tiếp quản công việc của Vòng Doha mà ông Pascal Lamy để lại, mà trước mắt là điều hành Hội nghị Bộ trưởng WTO lần 9 diễn ra tháng 12/2013 tại Bali (Indonesia). Tại sự kiện này, nhiều thành viên kỳ vọng có sự thay đổi trong các cách thức và tiêu thức cơ bản của Vòng Doha để ít nhất có thể thu hoạch được một gói nhỏ sản phẩm nào đó. Với các đàm phán trong khuôn khổ nghị sự Doha hay bất cứ đàm phán nào ở WTO nói chung, Tổng giám đốc WTO luôn đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều hành và khuyến khích thành viên thảo luận.

Về lâu dài, để thành công và giành lại vị thế cho WTO, bất kể ai kế nhiệm ông Pascal Lamy đều có một sứ mệnh quan trọng: làm mới WTO để lấy lại sức hấp dẫn như nó đã từng có. Để đạt được điều đó, bên cạnh phát huy chức năng của một cơ quan quốc tế giúp các nước thành viên giải quyết tranh chấp thương mại, WTO cần phải khẳng định được vai trò là một diễn đàn khuyến khích thảo luận những vấn đề mới, đàm phán những quy tắc và luật lệ mới, phù hợp với tốc độ biến đổi nhanh và trình độ phát triển cao của kinh tế-thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới biến động và chưa thoát khỏi khủng hoảng, Tổng giám đốc WTO có lẽ cần có ý tưởng và triển khai vận động tăng cường phạm vi diễn đàn của WTO, tạo môi trường thuận lợi và cân bằng để các thành viên phát triển và đang phát triển có thể đàm thoại nhiều vấn đề rộng hơn, thay vì chỉ co kéo những bộ quy định thuần túy kỹ thuật./.

Có tất cả 9 ứng cử viên cho chức Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để thay thế ông Pascal Lamy, sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 31/8/2013. Danh sách này gồm 6 nam 3 nữ.

Brazil giới thiệu ông Roberto Carvalho de Azevêdo, đại diện thường trực của nước này tại WTO. Mexico giới thiệu ông Herminio Blanco Mendoza, cựu Bộ trưởng Công nghiệp, người đã dẫn đầu phái đoàn đàm phán tự do thương mại giữa nước này với Mỹ và Canada từ năm 1990-1993. Costa Rica đề cử Bộ trưởng Ngoại thương Anabel Gonzalez. Hàn Quốc giới thiệu Bộ trưởng Thương mại Taeho Bark. New Zealand giới thiệu Bộ trưởng Thương mại Tim Groser. Jordan giới thiệu cựu Bộ trưởng Thương mại Ahmad Hindawi. Indonesia đề cử bà Mari Pangestu, nguyên Bộ trưởng Thương mại, hiện là Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo. Ghana, nước giới thiệu ứng cử viên sớm nhất (từ tháng 7/2012), đã chọn ông Alan Kyerematen, cựu Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp, cựu đại sứ tại Mỹ, hiện đang là điều phối viên của Trung tâm chính sách thương mại châu Phi tại Hội đồng kinh tế châu Phi thuộc Liên hợp quốc. Kenya giới thiệu bà Amina Mohamed, hiện là trợ lý Tổng thư ký, Phó Giám đốc điều hành Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP).

Tại phiên toàn thể Đại hội đồng WTO ngày 29/1/2013 tại Geneva, các ứng cử viên sẽ tự giới thiệu mình trước đại diện của 158 nước thành viên. Dựa trên cơ chế đồng thuận, Đại hội đồng, cơ quan cao nhất của WTO sẽ chọn ra tân Tổng giám đốc trước ngày 31/5/2013. Trường hợp cơ quan này không thống nhất được, WTO sẽ tiến hành bỏ phiếu theo quy định.

Nguồn: http://www.nciec.gov.vn

Quảng cáo sản phẩm