Thương mại toàn cầu tăng trưởng trở lại các mức trước khủng hoảng
05/03/2011 12:00
Một nghiên cứu mới đây của Viện phân tích chính sách kinh tế (Bureau for Economic Policy Analysis), một viện nghiên cứu tại Hà Lan cho thấy thương mại thế giới đã tăng trở lại các mức trước khủng hoảng nhờ những hồi phục khả quan trong hoạt động xuất nhập khẩu tại các thị trường mới nổi.
Theo một chỉ số đo lường thương mại hàng tháng của Viện nghiên cứu này, lượng hàng hoá của thế giới được giao dịch trong năm ngoái đã tăng 15,1% sau khi co rút 13% trong năm 2009. Trong tháng 12/2010, chỉ số này đã vượt mức đỉnh được xác lập trong năm 2008, trước đó, một sự sụt giảm mạnh trong nhu cầu nhập khẩu do khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra đã khiến thương mại bị co rút tới 1/5 hàng tháng. Một báo cáo của Viện cho hay: “Tăng trưởng trong năm 2010 đã đạt mức cao nhất tại các nền kinh tế mới nổi ở châu Á và Mỹ la tinh. Tăng trưởng xuất nhập khẩu của Mỹ cũng chạm gần tới mức trung bình của thế giới trong khi tại khu vực Eurozone, hoạt động này đã tụt lại đằng sau.”
Tuy nhiên, các nhà kinh tế dự đoán rằng tăng trưởng thương mại thế giới trong năm nay và năm tới có thể sẽ chậm hơn. Và mặc dù, thương mại đã đạt tới các mức trước khủng hoảng, một số mức tăng trưởng đã mất đi trong khủng hoảng có thể sẽ không bao giờ được xác lập lại. Theo ông Julian Jessop của công ty tư vấn Capital Economics tại Luân Đôn: “Một vài xu hướng gia tăng trong thương mại trước khủng hoảng đã phản ánh một hiện tượng bong bóng không thể chống đỡ được”. Cũng giống như nhiều nhà kinh tế khác, ông dự đoán tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ giảm xuống mức 6% trong năm nay và 5% trong năm tới cùng với một sự giảm tốc trong nền kinh tế thế giới.
Ông Jessop còn cho biết tốc độ tăng trưởng có thể chậm hơn nữa nếu một cuộc chiến tranh thương mại Sino-Mỹ nổ ra. Tuy nhiên, theo ông, những căng thẳng như vậy sẽ không thể “xuất đầu lộ diện” trong năm nay. “Nếu nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm chạp và tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao, chúng ta có thể sẽ chứng kiến những căng thẳng gia tăng nghiêm trọng trong năm 2012”, - ông nói. Ông cũng cho rằng những mối đe dọa tới các lộ trình thương mại như kênh đào Suez từ sự bất ổn tại khu vực Trung Đông là nguyên nhân gây ra tình trạng trì trệ trong tăng trưởng thương mại.
Ngoài ra, những bất cân bằng thương mại vốn đã giảm trong suốt thời kỳ khủng hoảng lại bắt đầu xuất hiện trở lại khi nhu cầu nhập khẩu từ các quốc gia thịnh vượng hồi phục, khiến gia tăng những căng thẳng chính trị về vấn đề thương mại. Nhóm các nền kinh tế phát triển G20 đã áp dụng hàng loạt các nguyên tắc với nỗ lực giúp tái cân bằng nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, theo ông Jessop, các nhà đầu tư nhìn chung đã coi G20 như một diễn đàn ít có ảnh hưởng tới các quyết định của các chính phủ.
Nguồn: http://dddn.com.vn
Các tin khác
- Ai Cập tiếp nhận Hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng lốp xe ô-tô tải và xe buýt có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam (07/05/2025)
- Bộ Công Thương tổ chức phiên tham vấn công khai vụ việc ĐTADCBPG đối với sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc (05/05/2025)
- Bộ Công Thương ban hành QĐSĐBS QĐ ADTCBPG tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc (05/05/2025)
- Bộ Công Thương ban hành QĐSĐBS QĐADTCBPG tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (05/05/2025)
- Hàn Quốc ban hành kết luận cuối cùng về ĐTCBPG giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam (05/05/2025)