Tôn thép Việt: Nguy cơ phá sản nếu không được phòng vệ thương mại

14/07/2016 12:00 - 2153 lượt xem

Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn màu nhập khẩu.

Thiếu “van an toàn” và yếu công cụ phòng vệ
Ngành tôn thép Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, vừa là sản phẩm xuất khẩu bị kiện nhiều nhất, nhưng cũng vừa đối mặt với lượng tôn thép giá rẻ được nhập ồ ạt từ Trung Quốc. Việc yếu công cụ phòng vệ thương mại là bất lợi cho ngành tôn thép.
Trong khi đó, khủng hoảng công suất thừa đang đặt ra những thách thức lớn. Thực tế cho thấy, sản lượng nhập khẩu mặt hàng tôn phủ màu trong 5 tháng đầu năm 2016 là 308.099 tấn, trong khi sản lượng tiêu thụ nội địa của mặt hàng này là 344.816 tấn.
Như vậy riêng sản lượng nhập khẩu đã chiếm đến 89% nhu cầu tiêu thụ nội địa. Sản lượng sản xuất tôn mạ (tôn phủ màu + thép mạ) của Việt Nam hiện tại khoảng 1.896.482 tấn, trong khi đó, tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm tôn mạ là 738.906 tấn. Như vậy, tỷ lệ sản lượng sản xuất/ tổng sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa là 256%. Tỷ lệ này là rất lớn vì sản lượng nhập khẩu tôn mạ từ Trung Quốc tăng vọt, tổng sản lượng tôn mạ (tôn phủ màu, tôn mạ lạnh, tôn mạ kẽm và thép dày mạ kẽm) dư thừa tại thị trường nội địa hiện tại là khoảng 1.204.103 tấn. Trong khi đó, tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm tôn mạ là 738.906 tấn.
Số liệu thống kê từ các nhà sản xuất trong nước cho thấy, tỷ lệ sản lượng dư thừa trên tổng sản lượng tiêu thụ tôn mạ (tôn phủ màu, tôn mạ lạnh, tôn mạ kẽm và thép dày mạ kẽm) nội địa là 163%. Nếu không kịp thời ngăn chặn tôn mạ giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, ngành sản xuất tôn mạ Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản.
Trước đó, ông Vũ Văn Thanh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen có ý kiến: “Những vụ kiện Phòng vệ thương mại từ các nước khác đã gây khó khăn cho DN thép Việt Nam trong thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có hai vụ kiện phòng vệ thương mại cho mặt hàng thép đã áp thuế, do đó hàng nhập khẩu - đặc biệt là từ Trung Quốc ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam. Các DN Việt Nam nên chủ động sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ mình”.
Ông Vũ Văn Thanh cũng đề xuất các giải pháp bao gồm: Các DN, hiệp hội sản xuất trong nước cần phải xích lại gần nhau hơn nữa để sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo vệ thị trường trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Với sự cần thiết của việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, các DN, hiệp hội cần sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng bằng cách phổ biến kiến thức, đẩy nhanh tiến độ các vụ kiện phòng vệ thương mại với mục đích là sớm ra quyết định áp thuế. Đồng thời đảm bảo việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là phù hợp với các quy định quốc tế.
Biện pháp phòng vệ thương mại được xem là cái van an toàn để đảm bảo thương mại công bằng và bảo vệ ngành sản xuất trong nước sản xuất sản phẩm tương tự tồn tại trước những tác động tiêu cực gây ra bởi hàng hóa nhập khẩu. Trong quá trình mở cửa hội nhập, các hàng rào thuế quan giữa các quốc gia sẽ dần được dỡ bỏ và đưa về mức 0 - 5%. Đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ kéo dài thời gian cắt giảm thuế, tạo cơ hội cho các ngành sản xuất trong nước trưởng thành, đủ sức cạnh tranh với hàng hóa quốc tế.
Đại diện lãnh đạo Cty Tôn Hoa Sen cũng cho rằng: “Nếu Bộ Công Thương ủng hộ và có các quyết định áp dụng biện pháp tự vệ thông qua việc áp thuế tự vệ thương mại sẽ giúp bình ổn thị trường, hỗ trợ các DN sản xuất tôn mạ màu của Việt Nam tập trung thực hiện chính sách hợp lý hóa các công đoạn sản xuất, nâng cao năng suất sản xuất và hiệu suất sử dụng thiết bị; Sử dụng nhiên liệu thay thế, áp dụng các giải pháp công nghệ để tiết kiệm chi phí, hạ thấp giá thành sản xuất. Song song với việc tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu giá rẻ, giảm giá mua nguyên vật liệu bằng cách ký các hợp đồng cung cấp khối lượng lớn và dài hạn, qua đó xây dựng niềm tin của người tiêu dùng nội địa vào các sản phẩm có chất lượng tốt với giá cả hợp lý và cạnh tranh. Từ đó người tiêu dùng sẽ được lợi”.

Bộ Công Thương vào cuộc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ
Trước thực trạng tôn Trung Quốc ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam và có những ảnh hưởng sâu sắc lên thị trường tôn thép Việt cũng như gây ảnh hưởng đến các DN và người tiêu dùng, các DN tôn thép như Cty Đại Thiên Lộc, Nam Kim, Đông Á… đã quyết định khởi kiện.
Đáp lại các đơn kiện của các nguyên đơn nói trên và dưới sự ủng hộ của nhiều DN tôn thép, Bộ Công Thương đã ra quyết định Điều tra áp dụng biện pháp tự vệ. Theo đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã xác nhận đơn yêu cầu của nguyên đơn là đầy đủ và hợp lệ theo quy định của pháp luật. Ngày 06/7, Bộ Công Thương ban hành Thông báo số 2847/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn màu nhập khẩu. Trong đó, hàng hóa thuộc đối tượng điều tra là thép hợp kim hoặc không hợp kim cán nguội, tráng hoặc mạ hợp kim nhôm/kẽm được phủ sơn; thép hợp kim hoặc không hợp kim cán nguội, tráng hoặc mạ kẽm được phủ sơn; thép hợp kim hoặc không hợp kim cán nguội được phủ sơn ở dạng cuộn, tấm băng hoặc cán sóng. Các mã HS là 7210.7010, 7210.7090, 7212.4010, 7212.4020, 7212.4090, 7225.9990, 7226.9919, 7226.9999.
Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, căn cứ Điều 20 của Pháp lệnh về tự vệ, Bộ Công Thương có thể ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trước khi kết thúc điều tra nếu xét thấy việc chậm thi hành các biện pháp tự vệ gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước và thiệt hại đó khó có thể khắc phục về sau.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương khuyến cáo các DN trong quá trình ký kết hợp đồng nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra cần lưu ý về khả năng biện pháp tự vệ tạm thời sẽ được áp dụng.
Theo Báo điện tử của Bộ Xây dựng
Quảng cáo sản phẩm