Tránh bất lợi cho hàng Việt xuất khẩu từ những ‘đòn’ phòng vệ mới

08/04/2024 04:57 - 8 lượt xem

Thêm thách thức cho hàng Việt xuất khẩu khi mà “đòn” phòng vệ thương mại mới từ các quốc gia nhập khẩu vẫn không ngừng tăng lên. Bối cảnh như vậy rất cần hành động ứng phó của doanh nghiệp Việt một cách phù hợp hơn, dự phòng từ sớm và từ xa nhằm tránh những bất lợi.  

 

Nếu tính riêng trong tháng 3 và thượng tuần tháng 4/2024 đã có ít nhất 10 vụ việc liên quan đến điều tra của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam. 

 

Không ai được chủ quan

 

Mới nhất là trường hợp Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ ban hành thông báo về việc ký quỹ đối với các doanh nghiệp (DN) sản xuất, XK của Việt Nam và một số quốc gia trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với pin năng lượng mặt trời.

 

Các DN xuất khẩu cần dự phòng từ sớm, từ xa trước bối cảnh các “đòn” phòng vệ thương mại từ nước ngoài không ngừng tăng lên.

 

Ngày 2/4, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) đã ban hành bản câu hỏi điều tra tự vệ toàn cầu với sản phẩm xơ sợi staple nhân tạo từ polyeste có mã HS. 5503.20.0025. Trước đó ngày 25/3, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc Mỹ điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh có xuất xứ từ Việt Nam.

 

Bộ Công Thương đánh giá, hàng hóa XK của Việt Nam đang phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài. Theo đó, Việt Nam là đối tượng của 239 vụ việc điều tra (tính đến tháng 11/2023). Các nước đã khởi kiện 12 vụ việc PVTM đối với hàng hóa XK của Việt Nam. 

 

Trên thực tế, số lượng các vụ việc áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng XK của Việt Nam đang tăng nhanh gấp 3 - 4 lần so với cách đây hơn 10 năm, trong đó riêng thị trường Mỹ chiếm 23% số vụ việc. 

 

Có thể thấy mức độ liên tiếp của các “đòn” PVTM mới từ nước ngoài là rất đáng để DN trong nước và cơ quan quản lý chú tâm nhiều hơn, tránh chủ quan lơ là và có những giải pháp ứng phó hiệu quả nhằm tránh đánh mất lợi thế cho hàng hóa XK của Việt Nam.

 

Như với hàng hóa XK của Việt Nam vào Mỹ, đứng ở góc độ của một DN có kinh nghiệm nhiều năm XK nông hải sản vào thị trường này, bà Phan Thị Tuyết Mai, Chủ tịch Công ty TNHH TMTM, đã lưu ý về chính sách biến đổi thương mại theo thời gian ở Mỹ khiến cho hàng Việt có thể vướng “rào”, việc áp dụng những rào cản kỹ thuật ở nước này rất phức tạp và tinh vi. Và điều cực kỳ quan trọng là chính sách bảo hộ sở hữu trí tuệ và thương hiệu.

 

Ngoài ra, theo bà Mai, các DN Việt muốn xuất hàng sang Mỹ phải tìm hiểu kỹ chính sách bảo vệ người tiêu dùng và chính sách mua hàng của nước này. Chẳng hạn như với người tiêu dùng thuộc khu vực công ở Mỹ là những người sử dụng tiền của Chính phủ Mỹ để mua hàng, cho nên họ ưu tiên mua hàng của Mỹ. Đây là chính sách bắt buộc, khi nào ở Mỹ không có thì họ mới mua của quốc gia khác. 

 

Bà Mai cũng trấn an các DN Việt đừng quá lo ngại về điều đó vì hàng hóa của Việt Nam xuất vào Mỹ chủ yếu là nông lâm thủy sản, và chưa có chạm nhiều vào “khu vực công” này, tuy nhiên cũng cần phải cảnh báo trước.

 

Riêng với góc nhìn của một DN xuất khẩu tôm vào Mỹ, trước diễn tiến hai vụ kiện chống trợ cấp ngành tôm (CVD) và chống bán phá giá tôm (AD) đang chờ đợi DOC ban hành kết luận cuối cùng, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC), cho rằng không ai được chủ quan cả và trong bối cảnh đầy rủi ro, các DN tôm của Việt Nam nên chú ý làm tốt hơn sổ sách của mình.

 

Dự phòng từ sớm, từ xa

 

Khi tham dự hội chợ quốc tế thủy sản ở Boston (Mỹ) hồi tháng 3/2024, như chia sẻ của ông Lực, các bạn hàng lớn đều lưu tâm hai vụ kiện này, bởi có tác động không nhỏ cho thương vụ tiếp theo. 

 

Theo giới chuyên gia, tình hình chung cho thấy ngành tôm ở Mỹ từ đánh bắt, chế biến trong thời gian gần đây đều đang gặp nhiều khó khăn, chủ yếu từ giá tiêu thụ giảm quá nhiều. Chính vì vậy, việc bảo hộ sản xuất trong nước là nhiệm vụ (ngầm) hàng đầu của Chính phủ Mỹ. Và với tình hình như thế thì việc gây khó dễ cho con tôm Việt vào Mỹ thông qua các “đòn” PVTM là khó tránh khỏi.

 

Vì thế, dự phòng xa là điều mà các DN ngành tôm Việt cần làm với thị trường này để từ đó có đối sách cho hoạt động bảo vệ quyền lợi của mình trong quá trình XK.

 

Dự phòng xa và có đối sách bảo vệ hàng hóa XK của Việt Nam từ sớm, từ xa cũng là điều cần thiết cho các DN xuất khẩu nói chung ở tất cả các thị trường nhằm tránh bất lợi về mặt cạnh tranh, suy giảm thị phần.

 

Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công Thương cũng đã thường xuyên theo dõi, đánh giá và cung cấp danh sách cảnh báo một số mặt hàng XK có nguy cơ bị điều tra PVTM. Việc cảnh báo sớm được cho là điều cần thiết với các DN.

 

Đơn cử như hôm 2/4, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã cảnh báo sớm nguy cơ Canada điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với mặt hàng đinh ốc nhập khẩu từ Việt Nam. Nhất là sau khi cơ quan này nhận được thông tin về việc Cơ quan hải quan Canada (CBSA) sẽ gia hạn vụ việc điều tra lại (re-investigation) nhằm cập nhật các giá trị thông thường và giá XK đối với một số mặt hàng đinh ốc carbon có xuất xứ hoặc XK từ Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

 

Như thông tin của Cục PVTM, tuy hàng hóa có xuất xứ Việt Nam không bị điều tra, nhưng có một số bằng chứng cho thấy tồn tại hoạt động giao dịch XK giữa nhà XK của Việt Nam và nhà nhập khẩu tại Canada. Do vậy, không loại trừ khả năng Canada tiến hành các cuộc điều tra nhằm mở rộng phạm vi sản phẩm/điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM hoặc khởi xướng các vụ việc PVTM mới với mặt hàng tương tự của Việt Nam.

 

Phải thấy rằng, việc cảnh báo sớm sẽ giúp các DN Việt có được tâm thế chuẩn bị tốt hơn, sẽ tìm đường cứu mình khi đối mặt với các vụ điều tra từ nước ngoài. Điều này đòi hỏi DN liên quan cần rà soát lại việc XK của mình, chuẩn bị ứng phó trong trường hợp quốc gia nhập khẩu tiến hành điều tra vụ việc PVTM. Nhất là cần chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, thủ tục điều tra PVTM của quốc gia nhập khẩu.

 

Ngoài ra, trong trường hợp bị điều tra, các DN liên quan cùng với sự hỗ trợ của phía hiệp hội cần có chiến lược tham gia, xử lý vụ việc. Bên cạnh đó cần hợp tác đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan điều tra, thường xuyên phối hợp để nhận được sự hỗ trợ từ Cục PVTM. 

 

Có như vậy thì hy vọng phần nào cho các DN xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp so với cáo buộc ban đầu hoặc so với các nước khác cùng bị áp thuế, để cho hoạt động XK tránh được bất lợi. Không những thế, các DN có thể xem các “đòn” phòng vệ mới không chỉ là áp lực mà còn là động lực để có được sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn nữa.

 

Nguồn: StockBiz

Quảng cáo sản phẩm