Xuất khẩu gạo Việt Nam 2025: Thách thức ngắn hạn, cơ hội dài hạn

23/04/2025 08:22 - 27 lượt xem

Theo số liệu từ Cục Hải quan, trong quý I/2025, Việt Nam xuất khẩu khoảng 2,31 triệu tấn gạo, thu về 1,21 tỷ USD.

 

Xuất khẩu gạo giảm giá trị, áp lực từ nguồn cung quốc tế

 

Số liệu từ Cục Hải quan cho thấy, trong quý I/2025, Việt Nam xuất khẩu khoảng 2,31 triệu tấn gạo, thu về 1,21 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng tăng hơn 5%, nhưng giá trị lại giảm hơn 15%. Nguyên nhân chính đến từ việc giá xuất khẩu trung bình chỉ đạt 522 USD/tấn, sụt giảm hơn 20%.

 

Giới phân tích cho rằng thị trường gạo quốc tế đang chịu áp lực lớn từ phía cung. Các quốc gia sản xuất gạo chủ lực tại châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, đã quay lại thị trường sau một thời gian tạm ngừng xuất khẩu. Không chỉ vậy, lượng gạo dự trữ của Ấn Độ đang ở mức cao kỷ lục, khiến nguồn cung dồi dào, kéo giá xuống thấp và tạo ra sự cạnh tranh gay gắt cho các nước xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam.

 

Tác động từ xu hướng giảm giá này đã khiến giá trị đơn hàng gạo của doanh nghiệp Việt sang các thị trường lớn cũng giảm mạnh. Tại thị trường Philippines – nơi chiếm gần nửa tổng sản lượng xuất khẩu – Việt Nam ghi nhận gần 1 triệu tấn gạo được xuất khẩu với trị giá 489 triệu USD, giảm gần 25% về kim ngạch.

 

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các thị trường như Bờ Biển Ngà và Trung Quốc. Giá xuất khẩu sang Philippines giảm gần 23%, trong khi với Bờ Biển Ngà là 25% và Trung Quốc là 15,6% so với cùng kỳ năm 2024.

 

Tín hiệu phục hồi và cơ hội mở rộng tại thị trường mới

 

Dù gặp nhiều khó khăn trong quý I, nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn bày tỏ lạc quan rằng giai đoạn khó khăn này chỉ là tạm thời. Giá gạo đã cho thấy dấu hiệu hồi phục nhẹ khi biên độ giảm trong tháng 3 đã thu hẹp so với hai tháng đầu năm.

 

Một số doanh nghiệp cho biết đang tích cực làm việc với các đối tác nhập khẩu tại Philippines, Indonesia và Malaysia để ký kết các hợp đồng cho quý II và III. Các thị trường này vẫn có nhu cầu cao đối với gạo Việt Nam nhờ chất lượng ổn định và giá cả phù hợp.

 

Đáng chú ý, châu Phi đang nổi lên là khu vực nhập khẩu gạo lớn. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2025, khu vực này dự kiến vượt Đông Nam Á để trở thành vùng có nhu cầu nhập khẩu gạo cao nhất thế giới. Việt Nam hiện có mối quan hệ thương mại tốt với nhiều quốc gia châu Phi, đặc biệt là Bờ Biển Ngà và Ghana – hai khách hàng lớn trong năm 2024 và tiếp tục giữ vị trí cao trong quý I/2025.

 

Ông Phùng Văn Thành – Tham tán Thương mại tại Philippines – nhận định gạo Việt Nam vẫn giữ được lợi thế tại thị trường này nhờ phẩm cấp ổn định, giá cả phải chăng và đáp ứng thị hiếu tiêu dùng. Ngoài ra, khoảng cách địa lý gần, nguồn cung dồi dào và mối quan hệ bền vững với các doanh nghiệp bản địa cũng là yếu tố giúp gạo Việt trụ vững giữa sự cạnh tranh gia tăng từ Thái Lan, Ấn Độ.

 

Song song đó, gạo Việt cũng tiếp tục hiện diện tại các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản với dòng sản phẩm cao cấp. Dù số lượng xuất khẩu không lớn, nhưng giá trị lại rất cao, có loại gạo đặc sản được bán tới 800 - 1.200 USD/tấn, góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ.

 

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2025, xuất khẩu gạo có thể đạt khoảng 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục 9 triệu tấn của năm ngoái. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đẩy mạnh các dòng gạo thơm như ST24, ST25 hay gạo chất lượng cao, tổng giá trị thu về vẫn duy trì tích cực.

 

Trong bối cảnh thị trường biến động, hướng đi bền vững cho ngành lúa gạo Việt là đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm soát dư lượng hóa chất, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và đa dạng hóa chủng loại gạo. Đây là chiến lược dài hạn không chỉ giữ được thị phần, mà còn giúp gạo Việt tăng giá trị và tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường toàn cầu.

 

Nguồn: Báo Kinh tế & Môi trường
 

Quảng cáo sản phẩm