Xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc cần lưu ý quy định mới

21/02/2024 05:19 - 89 lượt xem

Cùng với việc đáp ứng về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nông sản Việt cần lưu ý về những quy định mới khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Hàn Quốc.

 

Xoài Việt bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

 

Mới đây, trong tháng 1/2024, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm xoài nhập khẩu đang được bán tại thị trường Hàn Quốc, trong đó có các sản phẩm xoài xuất xứ từ Việt Nam và Philippines có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật lần lượt là 0,08mg/g và 0,05mg/g vượt quá mức quy định của hệ thống PLS (0,01mg/g).

 

Sản phẩm xoài của Việt Nam được đóng gói trong bao 5kg bị phát hiện tồn dư chất Permethrin – hoạt chất chuyên dùng để trừ bọ xít, sâu ăn lá, sâu đục bông, đục trái...

 

MFDS đã tiến hành thu hồi sản phẩm xoài xuất xứ Việt Nam do Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản C.T xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và khuyến cáo người tiêu dùng đã mua các sản phẩm xoài xuất khẩu Việt Nam trả lại nơi bán. Sau thông báo thu hồi ngày 22/01 không phát hiện thêm các lô hàng xoài xuất xứ Việt Nam vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

 

Theo số liệu thống kê của Hải quan Hàn Quốc, hàng năm Hàn Quốc nhập khẩu khoảng 25 nghìn tấn xoài với trị giá khoảng 110 triệu USD, trong đó nhập khẩu xoài chủ yếu từ Peru và Thái Lan.

 

Xoài là sản phẩm trái cây nhiệt đới được ưa chuộng tại thị trường Hàn Quốc bên cạnh chuối và dứa nên nhu cầu tiêu thụ là rất lớn. Các sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn tại thị trường Hàn Quốc.

 

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu xoài Việt Nam sang Hàn Quốc đã tăng từ 7,9 triệu USD (2022) lên 9,9 triệu USD (2023) nhưng các sản phẩm xoài của Việt Nam vẫn chưa chú ý đến tồn dư thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến những vi phạm đáng tiếc về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc.

 

“Nhiều khả năng xoài của Việt Nam vượt ngưỡng quy định cho phép là do được trồng tại các vùng đất chưa được làm sạch thuốc bảo vệ thực vật và được trồng phân tán nên khó kiểm soát toàn bộ quá trình trồng, thu hoạch và xử lý hơi nước. Do đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến thông tin, cảnh báo sớm cho doanh nghiệp xuất khẩu xoài của Việt Nam”, các chuyên gia đánh giá.

 

Trước đó, năm 2023, mặt hàng ớt đông lạnh của Việt Nam Nam đang được bán tại thị trường Hàn Quốc cũng đã bị MFDS thu hồi do phát hiện dư lượng PLS vượt ngưỡng cho phép khi kiểm tra ngẫu nhiên sản phẩm ớt đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.

 

Khối lượng thu hồi là 24 tấn ớt đỏ đông lạnh sản xuất năm 2022 được đóng gói trong bao 20kg, 1kg và 500g do một Công ty thương mại Hàn Quốc nhập khẩu từ một công ty của Việt Nam.

 

Đối với loại ớt đóng gói 20kg và 500g tồn dư chất tricyclazole là 0,04mg/kg và ớt đóng gói 01kg mức tồn dư là 0,02mg/kg cao hơn mức quy định cho phép là dưới 0,01mg/kg. Chất Tricyclazole là loại hoạt chất quen thuộc trong việc điều trị bệnh nấm, nhất là đối với cây lúa.

 

Theo kế hoạch kiểm tra đối với nông sản nhập khẩu vào Hàn Quốc của MFDS, mặt hàng ớt đông lạnh của Việt Nam nằm trong giai đoạn kiểm tra từ 31/3/2023 đến 30/3/2024 đối với 7 loại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là Diniconazole, Tolfenpyrad, Tricyclazole, Permethrin, Dimethoate, Isoprothiolein, Methominostrobin.

 

Những vụ việc như trên nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh nông sản Việt Nam. Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc đề nghị các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản nói chung cần nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của Hàn Quốc về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu nông sản sang thị trường này.

 

Thị trường thêm rào cản mới

Cũng trong tháng 1/2024, MFDS đưa ra thông báo về việc hướng dẫn đánh giá vệ sinh nhập khẩu đối với sản phẩm động vật.

 

Theo “Đạo luật đặc biệt về kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu” và “Nghị định thực hiện Đạo luật đặc biệt về kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu” được sửa đổi kể từ ngày 12/12/2023, các sản phẩm động vật do MFDS quản lý, được xác định theo mã thực phẩm Hàn Quốc sẽ phải tuân theo đánh giá vệ sinh nhập khẩu (Import Sanitation Assessment - ISA) của MFDS bắt đầu từ ngày 14/6/2024, bao gồm: Các sản phẩm có chứa thịt đã qua chế biến: là sản phẩm được sản xuất/chế biến sử dụng thịt làm nguyên liệu chính, không bao gồm các sản phẩm chăn nuôi; Các sản phẩm có chứa trứng đã qua chế biến: là sản phẩm được sản xuất/chế biến có sử dụng trứng làm nguyên liệu chính, không bao gồm các sản phẩm chăn nuôi; Các sản phẩm thịt và các loại trứng khác: sẽ được định nghĩa trong thông báo Thực thi Đạo luật.

 

Theo thông báo của MFDS vào tháng 9/2023, tất cả các quốc gia không được phép nhập khẩu thịt và trứng sống vào Hàn Quốc đều sẽ phải nộp đơn xin ISA trước ngày 14/6/2025.

 

Đối với Việt Nam, mặc dù thịt gà và trứng ăn được (gà, vịt, chim cút) không được phép nhập khẩu, tuy nhiên các sản phẩm có chứa thịt chế biến sử dụng thịt gà làm nguyên liệu và các sản phẩm có chứa trứng đã qua chế biến của Việt Nam đã được phép nhập khẩu vào Hàn Quốc từ năm 2016-2023, sau khi “Đạo luật đặc biệt về thực phẩm nhập khẩu kiểm soát an toàn” được ban hành.

 

Để duy trì việc xuất khẩu các sản phẩm có chứa thịt chế biến sử dụng thịt gà làm nguyên liệu và các sản phẩm có chứa trứng đã qua chế biến từ Việt Nam sang Hàn Quốc, việc đánh giá vệ sinh nhập khẩu (ISA) cho các sản phẩm động vật này phải được hoàn thành trước ngày 14/6/2025 để được đưa vào danh sách các nước được phép nhập khẩu sản phẩm động vật.

 

Những lưu ý cho doanh nghiệp Việt

 

Quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa khi cả hai nước cùng tham gia và hưởng lợi nhiều lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Hơn nữa, cơ cấu xuất nhập khẩu của hai nước có tính bổ sung rõ nét và ít có sự cạnh tranh trực tiếp.

 

Thị trường Hàn Quốc hiện có xu hướng thực phẩm giản tiện thay thế bữa ăn gia đình với các sản phẩm ăn liền, dễ nấu, dễ ăn đang tăng trưởng nhanh chóng tại Hàn Quốc, nhất là 5 năm trở lại đây. Cùng đó là sự lên ngôi của sản phẩm tốt cho sức khoẻ, tăng sức đề kháng như sản phẩm organic, thực phẩm dành cho người già.

 

Bên cạnh đó là xu hướng tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt, bảo vệ môi trường với bao bì đóng gói hạn chế sử dụng nguyên liệu từ nhựa, mô hình quản trị ESG (môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp). Và những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định, quy trình kiểm dịch.

 

Để sản phẩm xuất khẩu tiêu thụ tốt tại Hàn Quốc thì sản phẩm ngoài cần chất lượng, hương vị còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Có các yếu tố này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài.

 

Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc khuyến nghị, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cần dành thời gian nghiên cứu, phân tích thị trường Hàn Quốc để xác định rõ sản phẩm hướng tới phân khúc tiêu dùng nào, sản phẩm cần đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (hệ thống PLS) tại thị trường Hàn Quốc.

 

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Hàn Quốc đạt 76 tỷ USD, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Hàn Quốc đạt 23,5 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 52,5 tỷ USD.

 

Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc như sau: Nhóm chế biến, chế tạo (19,4 tỷ USD, giảm gần 2%); nhóm nông thuỷ sản (1,3 tỷ USD, giảm 8,3%); nhóm nhiên liệu, khoáng sản (249,3 triệu USD, tăng 28,5%); nhóm vật liệu xây dựng (hơn 1 tỷ USD, giảm gần 5%).

 

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc gồm: Nhóm chế biến, chế tạo (45,4 tỷ USD, giảm 16,2%); nhóm nông thuỷ sản (414,6 triệu USD, giảm 14,3%); nhóm nhiên liệu, khoáng sản (3,5 tỷ USD, giảm 6,5%); nhóm vật liệu xây dựng (2,1 tỷ USD, giảm 11,3%).

 

Nguồn: Báo Công thương

Quảng cáo sản phẩm