Cơ hội từ EVFTA: “Cửa sáng” cho ngành gỗ Việt

17/06/2020 12:00 - 433 lượt xem

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam sang các nước EU đạt 864,6 triệu USD, tăng 10% so với năm 2018, chiếm 8,1% trong tổng giá trị xuất khẩu 10,6 tỷ USD.

Vượt qua thách thức

Hiện tại trong ngành gỗ, ngoài số ít các doanh nghiệp FDI đã có chuỗi cung ứng khép kín riêng biệt để phục vụ.  Thế nhưng phần lớn các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, công nhân chủ yếu là lao động phổ thông và không có sự liên kết lao động về lâu dài. Vì thế, việc tuân thủ các cam kết khắt khe từ EVFTA là “gánh nặng” rất lớn về kinh phí và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay bao gồm thương mại, hàng rào kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, môi trường, lao động,…

Đồng thời, để EVFTA được EU phê chuẩn thì Hiệp định đối tác tự nguyện VPA FLEGT cũng là một phần không thể thiếu của EVFTA. VPA FLEGT là cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ. Việc tuân thủ toàn bộ các quy định từ hệ thống này bắt buộc phải bảo đảm gỗ hợp pháp, đặc biệt là vấn đề thủ tục hành chính liên quan đi kèm với hệ thống này. 

Ông Huỳnh Trinh – Giám đốc Công ty Cổ phần Lâm sản Xuất khẩu Đà Nẵng cho biết Công ty chuyên xuất khẩu các mặt hàng chế biến từ gỗ. Mặc dù ngành gỗ hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, tuy nhiên việc thông qua EVFTA sẽ là nguồn động lực để ngành gỗ thay đổi mạnh mẽ để bước qua các thách thức hiện tại.

“Trong EVFTA có những yêu cầu về tiêu chuẩn nguồn gốc xuất xứ gỗ nguyên liệu. Chúng tôi kỳ vọng những tiêu chuẩn này sẽ giúp doanh nghiệp chân chính khu biệt với những doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu gỗ không rõ/không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, từ đó có thêm nhiều đơn hàng, đối tác để xuất khẩu sản phẩm gỗ thành phẩm của Việt Nam sang EU. Nếu được Quốc hội thông qua, EVFTA thực sự là cơ hội cho những doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản chân chính khẳng định mình.” Ông Huỳnh Trinh chia sẻ.

Tìm lợi thế từ thị trường mới

Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 2 trong các nước ASEAN xuất khẩu sang EU. Do đó, chắc chắn ngành gỗ cũng được hưởng lợi từ sự gia tăng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều này. Có thể coi là một “cánh cửa sáng” đối với ngành gỗ mang tính toàn diện, một thị trường mới đáng tin cậy giữa Việt Nam và EU.

Song song, EVFTA cũng sẽ thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên cơ sở liên kết, phát triển các chuỗi cung ứng hiện đại, gắn với công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ có giá trị gia tăng cao; chuyên môn hóa và hàm lượng chất xám cao, đẩy nhanh quá trình cấu trúc lại thị trường, khách hàng và năng lực cốt lõi của doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với các ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông như ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam.

Ngành gỗ hiện đang hưởng mức thuế suất nhập khẩu khá thấp từ EU và khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng gỗ có thuế suất về 0 ngay (đồ gỗ hiện có thuế suất 2,7%-5,6%) hoặc về 0 trong vòng 5 năm (mặt hàng gỗ nguyên liệu hiện có thuế suất 2-10%). Ưu đãi về thuế cũng là một lợi thế rất lớn trong thời gian tới.

Nếu không có EVFTA, với tốc độ tăng trưởng GDP hiện nay thì ngành gỗ Việt Nam yếu thế hơn trong cuộc đua cạnh tranh do không còn được hưởng thuế quan ưu đãi phổ cập GSP như Malaysia, Trung Quốc…

Ông Lê Minh Thiện – Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định (FPA) cho rằng cam kết của EU cho Việt Nam là cao hơn cam kết của EU trong WTO, tương đương với mức cao nhất của EU. Và cam kết của Việt Nam cho EU là cao hơn cam kết của Việt Nam trong WTO và ngang bằng với mức mở cửa cao nhất của Việt Nam.

“Vì thế, EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp gỗ Việt Nam tiệm cận được các “đầu nối” quan trọng trong các chuỗi cung sản phẩm gỗ hiện có với khách hàng EU, nhờ đó doanh nghiệp Việt có thể chủ động hình thành các chuỗi cung ứng mới, mở rộng thị phần xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn" - ông Thiện cho biết.

Trước tình hình bất ổn của thế giới và khu vực, EVFTA sẽ là nền tảng vững chắc, tạo nên sự phát triển mang tính đột phá giúp Việt Nam hoàn thiện khung luật pháp, thể chế, tạo hành lang thương mại hai chiều, giúp doanh nghiệp gỗ Việt Nam tích lũy nội lực, tăng sức cạnh tranh và củng cố vị thế ngành gỗ Việt trên thị trường thế giới.

“Do đó phải tăng cường đầu tư vào năng lực sản xuất kinh doanh cốt lõi, xây dựng lại chiến lược, mô hình kinh doanh như chuyển đổi sản xuất đồ gỗ ngoài trời sang đồ nội thất, nhất là dòng hàng có khả năng chuyên môn hóa cao. Nâng cao nhận thức về quản trị điều hành nhân lực và tài chính, tăng chất lượng hàng hóa và dịch vụ, đẩy nhanh cấp mã REX cho doanh nghiệp xuất khẩu theo quy định, tiêu chuẩn EU…” ông Lê Minh Thiện nói.
Quảng cáo sản phẩm