Da giày trước mối lo quy định mới tại thị trường xuất khẩu

08/05/2024 05:26 - 7 lượt xem

Mặc dù có sự tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2024, nhưng ngành da giày đang đối mặt với những quy định mới tại thị trường xuất khẩu liên quan đến truy xuất chuỗi cung ứng.

 

Xu hướng phục hồi xuất khẩu

 

Ngành da giày là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực được Chính phủ đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện phát triển. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó da giày là 1 trong 6 ngành được hưởng các chính sách hỗ trợ ưu tiên doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu.

 

Năm 2022, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035. Bộ Công Thương cũng đang triển khai xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành Dệt may - Da giày, sẽ trình Thủ tướng phê duyệt trong thời gian tới nhằm định hướng phát triển ngành bền vững và lâu dài.

 

Theo Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso), da giày dù là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng có một thực tế hiện nay là ngành quá tập trung vào gia công và phó mặc nguyên vật liệu cho chuỗi cung ứng ngoài nước, chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc… Thị trường kinh doanh giao dịch mua bán nguyên phụ liệu da giày tại Việt Nam hầu như không có. Do đó, thực tế đặt ra là 60 -70% số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ của ngành da giày Việt Nam phải loay hoay tự đi tìm nguồn cung nguyên liệu hoặc phải chạy theo sự chỉ định của khách hàng. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong thời gian tới.

 

Trên thực tế, bên cạnh triển vọng khả quan nhưng doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới như: giá đơn hàng không tăng trong khi chi phí logistics, cụ thể là chi phí vận tải biển đã tăng liên tục trong thời gian qua. Điều này dẫn tới việc khách hàng yêu cầu doanh nghiệp Việt phải chia sẻ một phần chi phí vận chuyển, ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của doanh nghiệp.

 

Thách thức yêu cầu về môi trường và trách nhiệm xã hội

 

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Lefaso, ngành da giày đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nhiều quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đưa ra hàng loạt yêu cầu mới về việc nhập khẩu các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường ngày càng cao. Điển hình như thị trường EU, từ tháng 3/2024, thị trường này đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế sinh thái với các thiết kế bền vững. Hay như vấn đề truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng. Nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, doanh nghiệp sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất tại khu vực sản xuất.

 

Cũng theo bà Phan Thị Thanh Xuân, những chính sách thay đổi của thị trường nhập khẩu sẽ có tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp trong ngành. Do đó, các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam, cần nhanh chóng cải thiện và minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm của mình bắt đầu từ khâu nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm với xã hội và môi trường.

 

Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, mới đây Hoa Kỳ đã ban hành chính sách cho phép áp dụng điều tra trợ cấp xuyên quốc gia. Chính sách này nhằm vào những ngành gia công và nhiều nguyên phụ liệu đầu vào. Theo đó, nếu Việt Nam mua nguyên phụ liệu từ nước thứ 3 và nước này trợ cấp sản xuất nguyên phụ liệu thì khi Việt Nam mua sử dụng sản phẩm để sản xuất và xuất khẩu sẽ bị đánh thuế. Không chỉ Hoa Kỳ, EU cũng đang nghiên cứu triển khai chính sách này. Do đó, việc có một trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu là cần thiết để doanh nghiệp đa dạng nguồn nguyên phụ liệu đầu vào, để tránh bị phụ thuộc vào một thị trường.

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, các nước nhập khẩu giày dép lớn đưa ra những yêu cầu mới về việc nhập khẩu các sản phẩm có trách nhiệm về xã hội và môi trường ngày càng cao (như EPR – mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất, CBAM -Cơ chế định giá carbon). Chính sách thay đổi của thị trường nhập khẩu sẽ có tác động mạnh mẽ tới các doanh nghiệp trong ngành.

 

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, một doanh nghiệp thành công không chỉ tạo ra nhiều lợi nhuận mà còn phải chú trọng tới các yếu tố ESG (bộ 3 tiêu chuẩn E- Môi trường, S- Xã hội, và G- Quản trị doanh nghiệp đo lường yếu tố liên quan đến định hướng hoạt động phát triển bền vững). Trước xu hướng này, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hay xuất khẩu đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng đó là áp dụng thực hành ESG để không bị tụt hậu hay bị loại khỏi “cuộc chơi”. Do đó, việc áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, cũng như thực hành ESG sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường, đối tác và nhà đầu tư, tiếp cận các nguồn vốn đầu tư xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu...

 

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, để ngành da giày - túi xách tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, hiệp hội cần theo dõi sát Chiến lược da giày mới và xu hướng phát triển da giày tuần hoàn của EU; nghiên cứu kinh nghiệm điều chỉnh chính sách của các nước có thế mạnh, tiềm lực về da giày như: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh), từ đó có đề xuất với các cơ quan chức năng về giải pháp phù hợp; đồng thời cảnh báo, định hướng, phổ biến, chia sẻ thông tin, hướng dẫn kịp thời để tránh thế bị động trước các điều chỉnh chính sách, quy định mới từ phía EU và các thị trường toàn cầu.

 

Nguồn: Báo Hải Quan

Quảng cáo sản phẩm